• Văn hóa - Thể thao

Nghề làm cốm dẹp vào vụ

27/10/2017 05:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 27/10/2017 | 05:00

STO - Lễ hội Oóc om bóc đang đến gần kề. Hơn nửa tháng nay, các cơ sở làm cốm dẹp trên địa bàn huyện Châu Thành đang hối hả vào vụ. Khác với những năm trước, năm nay các nơi làm cốm dẹp đã đầu tư máy móc để nâng cao năng suất và chất lượng của cốm dẹp thành phẩm.

Sàng lọc cốm dẹp.

Là địa phương có truyền thống lâu đời làm nghề cốm dẹp bằng phương pháp thủ công, nhưng năm nay, các cơ sở làm cốm dẹp ở ấp Phước Quới, xã Phú Tân đã bắt đầu chuyển qua làm bằng máy móc.

Anh Lâm Minh Thới - chủ một cơ sở làm cốm dẹp tại ấp Phước Quới cho biết: “Năm nay, các cơ sở khác đã chuyển qua ép cốm dẹp bằng máy nhưng cơ sở của tôi vẫn còn làm bằng thủ công là chính”. Tuy nhiên, bằng cách tự chế ra chiếc máy giã cốm đã giúp cơ sở của anh giải quyết phần nào bài toán thiếu nhân công lao động hiện nay. Anh Thới tiết lộ: “Nhân công lao động ở địa phương hiện đã đi làm ăn xa, trong ấp cũng không còn nhiều nhân công như trước. Tôi tự chế chiếc máy giã cốm để bớt nặng nhọc và đỡ tốn công lao động hơn khi làm cốm”.

Hàng năm, vào mùa lễ hội Oóc om bóc là các cơ sở làm cốm cũng nhanh chóng gia tăng lượng sản xuất lên gấp đôi so với bình thường. Tại cơ sở của anh Thới, trung bình một ngày giã khoảng 120kg nếp, tương đương với 60kg cốm dẹp thành phẩm. Do không có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn để làm cốm nên các cơ sở trong ấp phải mua nếp từ địa phương khác. Theo một số hộ làm cốm, do ở vùng này trồng lúa nếp không đạt nên nhiều cơ sở phải lấy nếp từ tỉnh Trà Vinh. Nếp làm cốm phải chọn hạt to và dài mới tốt.

Đầu tư máy móc làm cốm dẹp.

Tuy năm nay giá nếp ở mức 6.500 đồng/kg, rẻ hơn năm ngoái đến 1.500 đồng/kg nhưng do nhiều nơi đã chuyển làm cốm bằng thủ công sang bằng máy nên năng suất cao hơn, giá cốm cũng vì thế mà đã giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái. “Năm ngoái tôi bán sỉ 1kg cốm được 32.000 đồng nhưng năm nay chỉ bán được 25.000 đồng/kg. Số lượng người làm cốm dẹp bằng máy nhiều thì giá thành cũng giảm. Giá bán ra hiện nay giảm hẳn so với năm rồi. Năm nay tuy lãi không cao nhưng tôi cũng lời được khoảng 5.000 đồng/kg” - anh Thới chia sẻ.

Nếu như những năm trước đây, làng nghề cốm dẹp ở ấp Phước Quới rất nhộn nhịp mỗi khi vào vụ thì nay đã giảm hẳn, bởi nhân công lao động tại địa phương đã đi làm công nhân ở các thành phố lớn, số lượng người làm thủ công cũng vì thế giảm đi nhiều. Trước đây, ngoài 2 cơ sở làm cốm quanh năm thì vẫn còn khoảng 80 hộ làm nhỏ lẻ tại nhà. Tuy nhiên, do nghề làm cốm dẹp chỉ tập trung cao điểm vào mùa lễ hội, những thời điểm khác chỉ làm theo vài đơn đặt hàng ít ỏi nên dần dần, nhiều lao động đã chọn công việc có thu nhập ổn định hơn, những hộ làm cốm nhỏ lẻ cũng bỏ nghề hoặc chuyển sang làm công cho cơ sở trong ấp.

Chị Thạch Thị Tuyết ở ấp Phước Quới cho biết: “Khoảng 10 năm trước, nhà tôi cũng có làm cốm dẹp, các công đoạn như: rang nếp, giã nếp và sàng đều làm bằng thủ công. Khi tới mùa lại đi kiếm mua nếp, trấu và vài dụng cụ khác để làm mà lãi không được bao nhiêu nên năm nay tôi đã ngưng làm, chuyển qua làm nhân công cho cơ sở làm cốm khác. Mỗi ngày đi rang nếp cũng kiếm được khoảng 140.000 đồng. So với lúc làm tại gia đình thì thu nhập cũng không chênh lệch bao nhiêu”.

Rang nếp làm cốm dẹp.

Làm cốm dẹp là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Khmer xã Phú Tân, không ai biết rõ nghề này bắt đầu từ khi nào. Những cụ cao niên trong xã cho biết, từ khi còn nhỏ đã thấy xuất hiện nghề này tại địa phương.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân Huỳnh Thái Quốc, hiện nay, các cơ sở làm cốm cũng đã bắt đầu chuyển qua làm bằng máy móc để đạt năng suất và giảm nhân công lao động. Vừa qua, UBND xã cũng hỗ trợ cho một số hộ làm cốm dẹp được vay vốn ngân hàng chính sách xã hội và quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ vay vốn mua nguyên liệu nếp làm cốm.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số cơ sở làm cốm dẹp khác trên địa bàn huyện Châu Thành, để nâng cao năng suất và chất lượng cốm, máy móc làm cốm dẹp cũng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Không còn cảnh “1 cối cần 2 người giã cốm” mà đã được thay thế bằng máy, ngay cả khâu rang nếp cũng không mất nhiều công do có thiết bị hỗ trợ.

Thiện Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: