• Xây dựng Đảng

Chuyên mục biển đảo quê hương

Đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng

01/11/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 01/11/2020 | 06:00

STO - Đối ngoại đa phương là một bộ phận quan trọng của đối ngoại Việt Nam. Trong những năm gần đây, đối ngoại đa phương Việt Nam ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, nâng tầm cả ở cấp khu vực, liên khu vực và quốc tế. Đặc trưng nổi bật của đối ngoại đa phương Việt Nam là luôn có sự kết hợp khéo léo và đồng bộ giữa ngoại giao Nhà nước, trong đó có Quốc hội, với đối ngoại Đảng và ngoại giao nhân dân.

Đứng trước yêu cầu trong tình hình mới, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030. Đây là văn bản chỉ đạo đầu tiên của Đảng ta về công tác đối ngoại đa phương của đất nước, đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chỉ thị số 25 đã đề ra 6 quan điểm chỉ đạo chính và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục - đào tạo. Chỉ thị số 25-CT/TW đưa đối ngoại đa phương thành một nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là một định hướng chiến lược quan trọng hàng đầu và là một phương thức hiệu quả thực hiện thắng lợi 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Mục tiêu cho công tác đối ngoại đa phương của nước ta thời gian tới là “nỗ lực vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước”, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của nước ta. Chỉ thị là kim chỉ nam cho hoạt động đối ngoại đa phương trong hơn 10 năm tới trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, xã hội, môi trường, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa... Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, hoạt động ngoại giao đa phương của Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham gia tích cực” đến “chủ động đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”, góp phần giúp Việt Nam khẳng định là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việc Việt Nam ứng cử và được đảm nhận cương vị Chủ tịch Đại Hội đồng (ĐHĐ) Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) giai đoạn 2018 - 2019 là một trong những bước hiệu quả triển khai Chỉ thị số 25. Với vai trò là Chủ tịch ĐHĐ WIPO, ta đã thúc đẩy WIPO hỗ trợ nhiều dự án hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, như dự án hỗ trợ Việt Nam hoàn thành các nghĩa vụ thành viên của WIPO, cải tiến việc cung cấp các số liệu thống kê để xây dựng báo cáo quốc gia về Đổi mới sáng tạo cũng như xây dựng các biện pháp chính sách để tăng cường công tác Đổi mới sáng tạo của quốc gia. Trong một phần tư thế kỷ gắn bó với ASEAN, Việt Nam luôn tích cực, chủ động tham gia có trách nhiệm và để lại nhiều dấu ấn quan trọng.

Năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhiệm những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. “Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao” - phát biểu về Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. Từ ngày 1-1-2020, Việt Nam cũng đã chính thức đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Với chủ đề “Việt Nam: Đối tác tin cậy vì hòa bình bền vững”, Việt Nam còn đề ra 7 ưu tiên của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.

Quyết tâm đảm nhiệm thành công cả 2 trọng trách này thể hiện sự nhất quán triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra; thể hiện khát vọng của Việt Nam đóng góp cho hòa bình, phát triển ở khu vực và trên thế giới với tư cách là một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; đồng thời góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ hơn nữa các điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nhanh, bền vững và nâng cao vai trò, vị thế quốc tế của đất nước ta.

MINH NGỌC

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: