• Xây dựng Đảng

Nhân sĩ, trí thức đóng góp dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng

09/11/2020 08:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 09/11/2020 | 08:00

STO - Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị, thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức thành viên đã tổ chức nhiều cuộc hội nghị để lấy ý kiến đóng góp của nhân sĩ, trí thức và các tầng lớp nhân dân cho dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đóng góp cho Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hầu hết các ý kiến đóng góp thống nhất cao với đánh giá của dự thảo. Các đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: “Bảo vệ môi trường” cùng với phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; bổ sung phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là động lực chủ yếu. Về tiếp tục hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, đại biểu đề nghị cần khai thác, phát huy tốt các hoạt động hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và thế giới để hội nhập kinh tế của quốc gia với thị trường quốc tế… Về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người, có đại biểu đề nghị, cần có những định hướng cơ bản, lâu dài nhằm thắt chặt đầu ra ở tất cả các cấp học (nhất là đại học), chống tiêu cực, học giả bằng thật. Có chủ trương, chính sách đầu tư, sắp xếp lại hệ thống các trường đại học một cách hợp lý và khoa học, theo hướng chuyên ngành, chuyên lĩnh vực, đảm bảo chất lượng đào tạo, đủ khả năng cạnh tranh với các trường đại học trong khu vực và thế giới, tích cực tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế. Hầu hết ý kiến các vị đại biểu thống nhất cao phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân. Tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam ở cơ sở, vì chính quyền cơ sở nơi sát dân, gần dân nhất và là nơi triển khai thực hiện chủ trương, nghị quyết, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước.

Thống nhất cao với Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; đại biểu đề nghị xem xét bổ sung: Phấn đấu đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Có ít nhất 2 trường đại học của Việt Nam lọt vào tốp 500 trường tốt nhất thế giới. Xây dựng lại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa, đảm bảo cơ sở vật chất để phục vụ chính sách đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Định hướng tới, đại biểu đề nghị: Đối với đồng bằng sông Cửu Long, phải xác định rõ nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lương thực, để có chính sách đầu tư hợp lý, kịp thời. Trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư, khai thác đúng tiềm năng vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Về Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đối tượng chính sách, người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách bảo vệ, phát triển rừng (kể cả rừng phòng hộ ven biển). Cần tập trung đầu tư, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử từ Trung ương đến cơ sở sẽ có tác dụng phòng, chống tham nhũng, hối lộ, tiêu cực, lãng phí và thực hành tiết kiệm. Cần có nhiều giải pháp hữu hiệu, phải có quyết tâm, vào cuộc thật sự từ Trung ương đến địa phương, cơ sở về phòng, chống tham nhũng. Đại biểu thống nhất cao về những nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tầm, có tâm.

Đối với Dự thảo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII, các đại biểu thống nhất cao về công tác xây dựng Đảng. Một số ý kiến cho rằng, các cấp ủy đảng chưa thật sự chủ động kiểm tra, giám sát phát hiện kịp thời sai phạm, thường là đi sau dư luận xã hội nên chưa có tác dụng ngăn ngừa sai phạm của tổ chức và cán bộ, đảng viên. Cần quan tâm đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trong công tác đào tạo, quy hoạch phải tính đến tính kế thừa, thực tiễn cao, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Trong thi hành kỷ luật đảng viên nên quy định cụ thể hơn; phân cấp rõ ràng, đề nghị cấp nào ra quyết định kết nạp thì cấp đó có quyền kỷ luật; trường hợp giải quyết khiếu nại, cấp giải quyết cuối cùng là cấp ủy cấp trên trực tiếp. Đối với cán bộ cấp cao, cán bộ có vị trí trong bộ máy đảng, chính quyền cả đương chức và nghỉ hưu (nhất là cán bộ nghỉ hưu) trong xử lý còn mang tính hình thức, cần xử lý nghiêm minh hơn. Công tác kết nạp đảng viên hiện nay có biểu hiện chạy theo số lượng, cần xem xét lại việc giao chỉ tiêu kết nạp hàng năm.

Q.K

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: