• Xây dựng Đảng

Thạc sĩ Võ Thành Hùng - Phân hội Văn nghệ dân gian (Hội Văn học Nghệ thuật Sóc Trăng):

Thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới"

06/11/2020 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 06/11/2020 | 13:30

STO - Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tôi thấy dự thảo báo cáo rất công phu, khoa học, đã đánh giá toàn diện và định hướng các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, bảo đảm quốc phòng - an ninh… Tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

Đối với dự thảo báo cáo chính trị

Qua dự thảo, bản thân tôi thống nhất với nhận định của Trung ương rằng: “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Những thành tựu đó đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại”.

Ngoài ra, đề nghị bổ sung nhận định: Trong quá trình tổ chức thực hiện Cương lĩnh, Chiến lược xây dựng, đổi mới đất nước, Trung ương đã thường xuyên, kịp thời đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới để điều chỉnh mục tiêu từ “tăng trưởng kinh tế nhanh” sang “tăng trưởng hợp lý”, nhờ đó, đảm bảo được mục tiêu “giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô” và “phát triển bền vững”.

Về tầm nhìn và định hướng phát triển

Tại phần dự báo tình hình và nguy cơ, đề nghị bổ sung thêm những vấn đề liên quan đến biển Đông vì những năm gần đây, tranh chấp chủ quyền trên biển Đông ngày càng phức tạp, trở thành một vấn đề “nóng”; tính chất phức tạp của vấn đề biển Đông có nguy cơ đe dọa đến hòa bình, ổn định trong khu vực và toàn vẹn chủ quyền biển, đảo của nước ta; vấn đề diễn biến mới của tình hình dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19, những tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung... tác động trực tiếp đến nước ta trong những năm tới; do vậy, cần đưa vào dự báo tình hình để có chủ trương, sách lược ứng phó phù hợp. 

Về mục tiêu cụ thể, thống nhất với Phương án 1: “Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, có thu nhập cao”.

Về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030

Đề nghị cần đặc biệt coi trọng hơn nữa vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; vấn đề cốt lõi là “học để làm người”, không vì chạy theo thành tích mà nhồi nhét kiến thức, sẽ không hiệu quả. Đẩy mạnh rà soát, quy hoạch, tổ chức lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng để hình thành các đại học, cao đẳng lớn, có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế; hướng đến sắp xếp hoặc giải thể các trường đại học, cao đẳng có chất lượng thấp. Bên cạnh đó, Trung ương cần có chỉ đạo, định hướng công tác dạy nghề phải sát hợp với nhu cầu thực tế - xã hội và định hướng phát triển của từng địa phương, nhằm nâng cao tỷ lệ sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm đúng với ngành nghề được đào tạo; hạn chế tình trạng làm việc trái ngành nghề đào tạo, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Song song với phát triển trí tuệ, cần chú trọng đến việc phát triển thể lực, thể hình, tư duy, thẩm mỹ con người Việt; đồng thời, sớm có biện pháp kiểm soát sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại, ảnh hưởng xấu đến truyền thống, thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng, dòng họ trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ; chú trọng các chương trình phục hồi, bảo tồn các loại hình nghệ thuật, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một.

Về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong dự thảo báo cáo chính trị chưa thấy rõ sự tác động của lĩnh vực văn hóa đối với đời sống tinh thần nhân dân, cũng như chưa nêu bật nhiệm vụ, giải pháp để bảo tồn các loại hình văn hóa dân tộc. Quan tâm công tác đối ngoại văn hóa - những người sẽ đưa văn hóa Việt Nam hội nhập và trở thành “sức mạnh mềm” cho đất nước trong thời đại mới. Cần bổ sung và thể hiện rõ hơn vai trò, đóng góp của cộng đồng các dân tộc thiểu số và tôn giáo đối với phát triển văn hóa - xã hội và nhiều lĩnh vực khác của đất nước trên quan điểm phát triển kinh tế - xã hội luôn phải gắn liền với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương đất nước. Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị khóa X về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới". Hơn lúc nào hết, văn học nghệ thuật nước nhà phải đóng góp nhiều hơn nữa cho công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần thực hiện có hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ to lớn, nặng nề của đất nước trong thời kỳ mới.

KGT (Thực hiện)

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: