• Xây dựng Đảng

CHUYÊN MỤC GÓP Ý DỰ THẢO VĂN KIỆN ĐẠI HỘI ĐẢNG LẦN THỨ XIII:

"Xây dựng Đảng phải gắn với chỉnh đốn Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội"

26/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 26/10/2020 | 06:00

STO - Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2045 thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên CNXH. Chủ đề đại hội đã bao quát đầy đủ các vấn đề cốt lõi định hướng đường lối phát triển đất nước và là cơ sở hội tụ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong 5 năm tới và những năm tiếp theo.

Qua nghiên cứu dự thảo văn kiện, chúng ta thấy có nhiều điểm mới; được kế thừa, bổ sung và phát triển từ những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước đã được bổ sung, phát triển năm 2011 và Văn kiện Đại hội XII; là sự đúc kết, khái quát luận điểm từ tổng kết thực tiễn hơn 30 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì lẽ đó, Văn kiện Đại hội XIII tràn đầy hơi thở cuộc sống, phản ánh sinh động, chính xác các sự kiện, lĩnh vực, hoạt động đã và đang diễn ra trên thế giới, khu vực và ở nước ta.

Điểm mới quan trọng thể hiện rõ trong chủ đề là những nhân tố trong mệnh đề đầu tiên: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh” đã cho thấy cái nhìn toàn diện và thông suốt hơn. Tuy vẫn đặt vấn đề xây dựng Đảng là số một nhưng mở rộng hơn: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Hệ thống chính trị của mỗi quốc gia đều thể hiện bản chất riêng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, tư tưởng, đường lối của quốc gia đó. Các tổ chức trong hệ thống chính trị nước ta đều lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, vận dụng, ghi rõ trong hoạt động của từng tổ chức. Hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng là đại biểu cho ý chí và lợi ích thống nhất của cả dân tộc. Đảng là một tổ chức trong hệ thống chính trị nhưng có vai trò lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đảng cầm quyền thì lãnh đạo thông qua Nhà nước. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà không chỉnh đốn Nhà nước thì sẽ hạn chế năng lực điều hành trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương, đường lối. Do đó, xây dựng Đảng phải gắn với chỉnh đốn Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

Hệ thống chính trị ở nước ta còn bộc lộ những hạn chế: Hiệu quả quản lý, điều hành của Nhà nước, hiệu quả hoạt động của các đoàn thể chính trị - xã hội chưa nâng lên kịp với đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới. Tổ chức bộ máy Đảng, Nhà nước, đoàn thể các cấp vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; đây đó còn có biểu hiện quan liêu. Hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay còn nhiều mặt yếu kém, bất cập trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện và vận động quần chúng. Tình trạng tham nhũng, mất đoàn kết nội bộ, không giữ đúng kỷ cương, phép nước từng lúc, từng nơi vẫn còn xảy ra. Chức năng, nhiệm vụ của các bộ phận trong hệ thống chính trị chưa được xác định thực sự rành mạch, tránh nhiệm chưa rõ, nhiều lúc chồng chéo; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới...

Từ đó, dự thảo văn kiện cũng đã nêu ra những giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt và khoa học, sát hợp thực tiễn hơn. Theo đó, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội…

Có thể khẳng định, dự thảo văn kiện lần này đã thể hiện được đây là kết quả lao động khoa học, công phu, nghiêm túc, sự hội tụ, kết tinh tâm huyết, trí tuệ, với tinh thần trách nhiệm cao trước toàn Đảng, toàn dân, trước vận mệnh của quốc gia dân tộc.

TẠ ĐÌNH NGHĨA  

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Sóc Trăng

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: