• Xây dựng Đảng

Cán bộ, đảng viên huyện Long Phú góp ý dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV

27/07/2020 07:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 27/07/2020 | 07:00

STO - Thời gian qua, cùng với việc chỉ đạo tổ chức đại hội đảng bộ cấp cơ sở và chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Long Phú, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Long Phú đã chỉ đạo chặt chẽ việc nghiên cứu, thảo luận tham gia ý kiến đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo của huyện Long Phú đã nghỉ hưu, các đoàn đại biểu dự đại hội cấp huyện, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp thẳng thắn, sôi nổi, thiết thực. Các ý kiến đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với dự thảo báo cáo và cho rằng dự thảo được chuẩn bị tốt, bố cục hợp lý, nội dung số liệu đầy đủ, phân tích, đánh giá phản ánh trung thực, khách quan.

Tập trung khai thác thế mạnh về thủy sản như nuôi trồng, đánh bắt xa bờ. Ảnh: Q.K

Về tiêu đề, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cao và cho rằng sự kết hợp của 5 thành tố trên là rất hài hòa, phù hợp và bảo đảm sự bao quát cao, sát với tình hình, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng nội dung chủ đề còn dài; nội dung đoạn “phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước” chưa khả thi, vì tỉnh Sóc Trăng vẫn chủ yếu phát triển kinh tế là nông nghiệp với thế mạnh chủ lực là cây lúa, còn kêu gọi đầu tư để phát triển công nghiệp cần có thời gian dài nên đến năm 2025 sẽ chưa kịp, từ đó nhận thấy nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh “bằng” với bình quân chung của cả nước là phù hợp.

Về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, có ý kiến cho rằng công tác giảm nghèo còn nhiều bất cập; về an ninh trật tự, cần phải quan tâm và thực hiện tốt hơn nữa đối với công tác phòng ngừa, nắm đối tượng, nhất là các hoạt động băng nhóm kiểu xã hội đen…

Đồng tình với các nội dung đánh giá về những hạn chế, tồn tại, tuy nhiên cán bộ, đảng viên huyện Long Phú lưu ý thêm, trong nhiệm kỳ qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra các vụ việc làm hàng giả, kém chất lượng, vậy nguyên nhân nào mà ngành chuyên môn quản lý không phát hiện? Một số công trình, dự án xây dựng do Nhà nước đầu tư chất lượng không bảo đảm...

Về các chỉ tiêu cụ thể, hầu hết các ý kiến đều thống nhất cao. Tuy nhiên, đối với chỉ tiêu số 6 - giá trị sản phẩm thu hoạch: có ý kiến cho rằng đến cuối nhiệm kỳ đạt trên 250 triệu đồng/ha là tương đối cao. Về chỉ tiêu số 8 - chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 21% trở lên là cao, nên cần nghiên cứu xem xét lại. Về chỉ tiêu số 11 - tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh trong độ tuổi đến lớp trong 5 năm tới là cao, nhất là chỉ tiêu huy động trẻ em ra lớp, vì ở địa bàn nông thôn hiện nay gặp nhiều khó khăn. Chỉ tiêu số 18: cần tăng lên cao hơn đối với tỷ lệ 65% chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường.

Về nhiệm vụ và những giải pháp chủ yếu, hầu hết các ý kiến đều thống nhất với các nhiệm vụ và giải pháp; cho rằng các nhiệm vụ và giải pháp đưa ra là phù hợp với thực tiễn của tỉnh, tin tưởng rằng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên có nhiều ý kiến vừa đóng góp, vừa mang tính chất đề xuất đối với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp về đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, cán bộ, đảng viên huyện Long Phú đề xuất tỉnh cần quan tâm có các giải pháp để đầu tư, thúc đẩy khu vực II, III phát triển hơn nữa; trong khi trông chờ các nhà đầu tư thì tỉnh cần khai thác tốt nội lực, gắn với liên kết vùng. Trong phát triển kinh tế du lịch (trong đó cần quan tâm phát triển du lịch sinh thái, tâm linh), dịch vụ, cần quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường, hạ tầng, điều kiện cho du khách. Tiếp tục xác định khai thác thế mạnh về thủy sản như nuôi trồng, đánh bắt xa bờ; có kế hoạch đầu tư tạo nguồn con giống có chất lượng cao của tỉnh để cung cấp cho nuôi trồng tại chỗ được thuận tiện, phù hợp hơn. Sản xuất các giống lúa có chất lượng cao để tạo nguồn xuất khẩu, chú ý các giống chịu hạn, mặn; có kế hoạch đầu tư dự trữ nguồn nước mưa để phục vụ sản xuất (khép kín kênh, mương trong đồng ruộng). Lưu ý đến phương án lấn biển của tỉnh đối với những địa phương như: Vĩnh Châu, Cù Lao Dung, Trần Đề, cần kết hợp trồng cây gây rừng, chống xói mòn, sạt lở…

Đối với nhóm giải pháp về thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, đề nghị cần thực hiện tốt việc quy hoạch, cơ cấu lại cho phù hợp với bối cảnh, xu thế mới gắn với bảo vệ môi trường, nhất là rác thải nhựa ra môi trường, như vậy mới phát triển bền vững. Về các giải pháp cho vấn đề biến đổi khí hậu nhận thấy còn ít, chưa nhiều, nhất là vấn đề đầu tư cho dự án, kịch bản dài hạn.

Cần có các giải pháp hiệu quả để giữ nguồn lao động của tỉnh nhà, vì hiện nay lao động ở nông thôn hầu như không còn để phục vụ cho nông nghiệp của tỉnh, nhiều lao động đã kéo nhau đi các tỉnh, thành phố khác như: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…; tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa mang bản sắc dân tộc, bảo tồn, trùng tu các di tích trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cần tăng cường thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp ngăn ngừa và xử lý nghiêm các đối tượng phạm pháp hình sự, tệ nạn xã hội và tín dụng đen.

Đối với nhóm giải pháp về tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhiều ý kiến cho rằng yếu tố con người là rất quan trọng, quá trình thực hiện, tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt công tác cán bộ, cần lựa chọn con người có kiến thức về chuyên môn, trình độ gắn với vị trí công tác, chức vụ đảm nhiệm cho phù hợp, năng động và linh hoạt, trong đó, quan tâm vấn đề đoàn kết nội bộ là cực kỳ quan trọng, nhất là ở cấp lãnh đạo. Trong giải pháp về phòng, chống tham nhũng cần phải lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt hơn nữa so với hiện nay, nhất là vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.

Q.K (Tổng hợp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: