• Xây dựng Đảng

Giải pháp đột phá cho phát triển kinh tế công nghiệp

04/09/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 04/09/2020 | 06:00

STO - Sóc Trăng là một tỉnh giàu tiềm năng, nhiều lợi thế về vị trí địa kinh tế, có điều kiện tự nhiên dồi dào, phong phú. Tuy nhiên sau gần ba thập kỷ từ khi tái lập tỉnh, Sóc Trăng phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.

Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ đổi mới đã đưa nền kinh tế của đất nước ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu, từng bước đi lên, trong đó, công nghiệp không chỉ là ngành tác động trực tiếp đến sự phát triển mà còn tác động gián tiếp đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của con người thông qua việc thúc đẩy các ngành kinh tế khác trong nền kinh tế quốc dân phát triển. Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại dịch vụ và du lịch, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Trong 5 năm qua, tốc độ tăng trưởng bình quân ở khu vực II (công nghiệp và xây dựng) là 10,81%/năm; ở khu vực III (thương mại dịch vụ) so với tốc độ tăng trưởng ở khu vực I (nông – lâm – ngư nghiệp) bình quân là 2.6%/năm. Ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 khoảng 40.000 tỉ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2015; tăng trưởng bình quân trong cả giai đoạn 2016 – 2020 là 13,2%/năm.

Có thể thấy, đây là một kết quả tổng quan bước đầu khá khả quan trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế tỉnh nhà. Không chỉ tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như: chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu, sản xuất hàng tiêu dùng, may mặc, năng lượng… mà còn khai thác hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối với khu vực kinh tế biển, tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo điều kiện thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động – giải quyết việc làm cho gần 6 vạn lao động. Riêng Khu Công nghiệp An Nghiệp đã có 49 doanh nghiệp thuê đất, với 66 dự án, lấp đầy 96,5%; giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động, đóng góp trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Bên cạnh là hàng loạt các khu, cụm công nghiệp lớn đang và tiếp tục được hoàn thành các thủ tục, triển khai đầu tư, kinh doanh hạ tầng (Trần Đề, Sông Hậu, Đại Ngãi, Mỹ Thanh, Ngã Năm, An Lạc Thôn 1 – 2, Xây Đá B…), các nhà máy nhiệt điện, điện gió… Theo đồng chí Lâm Văn Mẫn – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Sóc Trăng là mảnh đất giàu tiềm năng, lợi thế, đã và đang có một số mặt hàng nông sản, thực phẩm nổi tiếng, tạo thương hiệu cho địa phương, như hành tím Vĩnh Châu, gạo đặc sản ST, gạo Tài nguyên Thạnh Trị, bánh pía, lạp xưởng, tôm nước lợ… có giá trị kinh tế cao và là mặt hàng xuất khẩu được nhiều thị trường ưa chuộng, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh mỗi năm trên vài trăm triệu USD. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chuyện thì khẳng định: Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng luôn mong muốn phát huy tiềm năng, xúc tiến cơ hội đầu tư, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nông sản thực phẩm, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Hiện Sóc Trăng đã xây dựng hàng trăm dự án trên các lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng, giao thông, điện gió, du lịch… để kêu gọi đầu tư nhằm tạo sự bứt phá phát triển nhanh, mạnh và bền vững…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhìn chung trong 5 năm qua chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng tỷ trọng khu vực I còn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 37%) so với khu vực II (chỉ có 19,6%), còn lại là khu vực III chiếm hơn 43,5% năm 2020, trong đó, ngay trong khu vực II vẫn chưa có sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu ngành sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm để phù hợp hơn với yêu cầu thị trường và tăng hiệu quả đầu tư. Tỷ trọng của các sản phẩm cao cấp, có chất lượng và cạnh tranh được về giá cả chưa đáng kể mà đa phần còn là các loại sản phẩm chất lượng thấp và trung bình, chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào ngành công nghiệp chế biến, trong đó ngành chế biến thực phẩm chiếm 80%, nhưng ngay cả ngành công nghiệp chế biến nông – thủy sản hiện cũng đang ở giai đoạn thiếu ổn định cả về nguồn nguyên liệu lẫn thị trường. Hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông trên địa bàn nhìn chung còn hạn chế...

Để hướng tới mục tiêu “Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước”, một trong những nhiệm vụ then chốt là phải nhanh chóng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Trong quá trình chuyển dịch, để nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, nhất thiết phải quan tâm cơ cấu lại và tăng cường chất lượng, hiệu quả các ngành công nghiệp trọng điểm, lợi thế của tỉnh: chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng, năng lượng… từng bước hình thành một số ngành: dệt may, sản xuất vật liệu, một số ngành tiểu thủ công nghiệp phục vụ nông, thủy sản, chế biến gỗ gia dụng, đồ mỹ nghệ, cơ khí - kỹ thuật điện - điện tử… trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng của các sản phẩm cao cấp, có chất lượng và cạnh tranh được về giá cả, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách song song với tăng cường quảng bá, kêu gọi, xúc tiến đầu tư để thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư; quan tâm phát triển các vùng nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến, nhất thiết phải tạo nên được những bước đột phá, nhất là trong lĩnh vực liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế và phát triển đô thị. Từng bước cải thiện và có cơ chế khuyến khích để dần hình thành thêm những loại hình dịch vụ trên các lĩnh vực: viễn thông, chuyển giao công nghệ, tư vấn đầu tư, hậu cần khai thác hải sản... Cùng với đó là tập trung đầu tư hệ thống giao thông kết nối các vùng, hành lang trọng điểm của tỉnh, tranh thủ Trung ương bổ sung quy hoạch, kêu gọi đầu tư cảng biển nước sâu; đầu tư cầu Đại Ngãi; nâng cấp, hoàn thiện và đầu tư kéo dài các tuyến quốc lộ qua địa bàn; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch Đầu tư công trung hạn 2021 – 2025…

Triển khai đồng bộ các giải pháp trên nhiều lĩnh vực trong một định hướng đúng đắn và xuyên suốt, gắn với các đột phá về nguồn nhân lực; năng lực, hiệu quả, hiệu lực điều hành nhà nước và chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Qua đó, phát huy tiềm năng, thế mạnh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, xây dựng quê hương Sóc Trăng ngày thêm phát triển bền vững, xã hội tiến bộ và công bằng, văn minh.

Bản chất Chỉ số sản xuất công nghiệp (Index - Industry Products, gọi tắt là chỉ số IIP) là xác định tốc độ tăng trưởng của nền sản xuất công nghiệp dựa vào khối lượng sản phẩm sản xuất. Toàn bộ doanh nghiệp lớn, vừa và một phần các doanh nghiệp nhỏ cùng các sản phẩm chủ yếu do tỉnh sản xuất đều được tham gia vào tính toán tốc độ tăng trưởng. Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã nêu ra chỉ tiêu chỉ số IIP tăng bình quân mỗi năm từ 21% trở lên.

LÂM THANH

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: