• Xây dựng Đảng

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông - thủy lợi trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng, cảng biển, khu, cụm công nghiệp

05/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 05/08/2020 | 06:00

STO - Đó là nội dung chính trong các nội dung được cán bộ, đảng viên Đảng bộ Các cơ quan và Doanh nghiệp (CCQ và DN) tỉnh đóng góp ý kiến, bổ sung cho Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV.

Thực hiện Hướng dẫn số 03-HD/TU, ngày 5-2-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thảo luận và tổng hợp các ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ban Thường vụ Đảng ủy CCQ và DN tỉnh đã tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp. Qua đó, có 169 lượt ý kiến đóng góp và đa số đều thống nhất cao với nội dung Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Về chủ đề Dự thảo Báo cáo chính trị, có ý kiến đề nghị bổ sung, thay đổi câu từ cho thích hợp.

Đề nghị bổ sung vào dự thảo, thành tựu giáo dục dân tộc, hệ thống trường dân tộc nội trú. Ảnh: Q.K

Về những thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, các ý kiến đóng góp về thực hiện 3 đột phá, đề nghị bổ sung nội dung về ban hành các văn bản quy định để tạo môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho đầu tư phát triển. Cần đánh giá kết quả đầu tư về điện, đề nghị bổ sung tỷ lệ hộ đồng bào Khmer được kéo điện, vì nhiệm kỳ qua tỉnh đã đầu tư rất lớn cho lĩnh vực này và mang lại kết quả tốt. Về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, đề nghị bổ sung nội dung đánh giá năng suất lao động, huy động, sử dụng nguồn lực, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bởi vì những yếu tố này thể hiện việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế.

Về tập trung phát triển công nghiệp, thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đề nghị tỉnh xem lại chủ trương có nên tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện hay không, vì ảnh hưởng và tác động xấu đến môi trường. Đề nghị bổ sung nguyên nhân dẫn đến giảm số lượng đơn vị sự nghiệp công lập từ 714 đơn vị còn 637 đơn vị (hiện nay chỉ còn 615 đơn vị) để thấy rõ hiệu quả công tác sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy.

Cán bộ, đảng viên CCQ và DN tỉnh đề nghị tỉnh đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng sạch. Ảnh: Q.K

Cán bộ, đảng viên CCQ và DN tỉnh đề nghị bổ sung thành tựu giáo dục dân tộc, hệ thống trường dân tộc nội trú... Bổ sung đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Đề án số 08 của Tỉnh ủy (cụ thể giảm bao nhiêu đầu mối cơ quan và các phòng, ban bên trong cơ quan). Đề nghị xem xét bổ sung kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Về đánh giá tổng quát, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đa số ý kiến cho rằng Dự thảo Báo cáo chính trị đã làm rõ những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, đồng thời đánh giá thẳng thắn, nghiêm túc những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của hạn chế, yếu kém để rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu để tỉnh ta lãnh đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong thời gian tới. Tuy nhiên, có ý kiến đề xuất bổ sung một bài học thứ 6 về phát huy tốt dân chủ ở cơ sở; bởi vì thời gian qua, nhờ phát huy tốt dân chủ ở cơ sở nên đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Cán bộ, đảng viên CCQ và DN tỉnh đề nghị tỉnh xem lại chủ trương có nên tiếp tục phát triển các nhà máy nhiệt điện hay không, vì ảnh hưởng và tác động xấu đến môi trường. Ảnh: Q.K

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025, đa số ý kiến cho rằng Dự thảo Báo cáo chính trị đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, sát với tình hình thực tiễn. Đồng thời, thống nhất với mục tiêu tổng quát, 6 nhiệm vụ, giải pháp, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đóng góp tập trung vào các chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, chỉ tiêu (3): đề nghị cân nhắc nội dung “thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm từ 4% trở lên” vì thuế là do Quốc hội quyết, thuế suất do Chính phủ đề xuất, không cần đưa vào chỉ tiêu, chỉ để tham khảo trong quá trình chỉ đạo. Chỉ tiêu (4): “Sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh" khá cao so với điều kiện của tỉnh hiện nay. Chỉ tiêu (6), dự thảo đề ra “Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đến cuối nhiệm kỳ đạt trên 250 triệu đồng/ha” là cao, vì 1ha đất nuôi trồng thủy sản có thể đạt được, nhưng đất trồng lúa, trồng màu là không đạt, mà tỷ lệ đất trồng lúa, trồng màu của tỉnh chiếm diện tích khá lớn nên sẽ khó đạt, đề nghị xem lại. Chỉ tiêu (7) dự thảo đề ra “Lũy kế đến cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 có 72 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”, có ý kiến đề nghị đến cuối nhiệm kỳ có 100% xã trong toàn tỉnh đạt xã nông thôn mới. Chỉ tiêu (8): chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 21% trở lên là quá cao, mâu thuẫn với chỉ tiêu (3); nên xem xét điều chỉnh: tăng bình quân hàng năm khoảng 7% - 10%/năm. Chỉ tiêu (15): tỷ lệ lao động đang làm việc trong độ tuổi lao động 85%, như vậy thất nghiệp 15% là rất lớn. Đề nghị tách chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ là 30%” thành 2 chỉ tiêu: Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng và tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ. Vì đào tạo có văn bằng và có chứng chỉ là 2 hình thức đào tạo khác nhau, đặc biệt là thời gian đào tạo. Chỉ tiêu (16): đề nghị xem xét lại chỉ tiêu “Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2% - 3%/năm”, vì hiện nay hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 2,87%, nếu đưa ra chỉ tiêu như vậy là không hợp lý. Chỉ tiêu (18) dự thảo đề ra “hằng năm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường là 65%” là thấp; đề nghị tăng lên 70%. Ngoài các ý kiến đóng góp cho các chỉ tiêu nêu trên, còn có ý kiến đề nghị tỉnh cần bổ sung thêm chỉ tiêu về phát triển du lịch.

Đồng tình cao với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá đã được đề cập trong Dự thảo Báo cáo chính trị, cán bộ, đảng viên CCQ và DN tỉnh đề nghị trong nhiệm vụ trọng tâm thứ 4 bổ sung yếu tố “tận dụng cơ hội của hội nhập quốc tế và cách mạng khoa học công nghệ (cách mạng công nghiệp) lần thứ 4”. Bổ sung câu từ vào đột phá thứ 3, thành “Tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông thủy lợi trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư năng lượng, cảng biển, khu, cụm công nghiệp, các đô thị, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng du lịch, tạo nền tảng phát triển kinh tế số”.

Q.K (Tổng hợp)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: