• Chính quyền

Cảnh giác với chiêu trò "dân chủ" để phá hoại cuộc bầu cử

07/04/2021 13:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 07/04/2021 | 13:30

STO - Trước thềm bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các thế lực thù địch lại gia tăng các hoạt động chống phá bằng nhiều thủ đoạn. Chúng đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, hô hào kêu gọi người dân “không biết không bầu”; đòi sửa đổi Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, cải tiến hệ thống bầu cử theo mô hình các thể chế chính trị khác lạ so với thể chế dân chủ rất ưu việt của nước ta...

Nhìn lại trong quá trình giành, giữ, xây dựng đất nước thì việc đấu tranh giành quyền tự do, dân chủ của nhân dân Việt Nam luôn được đề cao trong mọi hoàn cảnh lịch sử. Điều này được thể hiện ngay sau khi đất nước ta giành độc lập tháng 8-1945. Một trong những công việc trọng yếu nhất theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải củng cố, tăng cường chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân, mọi quyền lợi đều thuộc về nhân dân. Để nhân dân có được chính quyền thật sự của chính mình là phải “xúc tiến đi đến thành lập Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”. Vì thế, ngày 3-9-1945, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống...”.

Và với sự chuẩn bị tích cực, khẩn trương, ngày 6-1-1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu ĐBQH đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã diễn ra với hơn 90% tổng số cử tri đi bỏ phiếu và trở thành một cuộc vận động, giáo dục quần chúng nhân dân rộng lớn đi bầu cử. Cuộc Tổng tuyển cử diễn ra thắng lợi trọn vẹn khi người dân Việt Nam tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, thông qua Tổng tuyển cử, người dân Việt Nam bầu ra Quốc hội, Chính phủ của mình, ban hành bản Hiến pháp tiến bộ và hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ để đại diện cho nhân dân về đối nội và đối ngoại. Vì lẽ đó, mà Tổng tuyển cử không chỉ có ý nghĩa hình thức đơn thuần mà còn có ý nghĩa to lớn hơn nữa là sự tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết - nền tảng cho việc phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân cho cả thế hệ sau này đối với dân tộc Việt Nam.

Ý nghĩa to lớn mà cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên mang lại cho thấy dân tộc Việt Nam chúng ta đã sống trong chế độ áp bức, bóc lột nửa phong kiến, nửa thuộc địa và trải qua những cuộc kháng chiến trường kỳ mà phải đánh đổi bằng xương máu để có được quyền tự do và dân chủ cho chính mình. Đúc kết từ bài học thực tiễn, kinh nghiệm lãnh đạo đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ, cả lý luận và thực tiễn, cho thấy bầu cử là một trong những hoạt động rõ nét nhất việc thực hành dân chủ ở nước Việt Nam độc lập. Bầu cử luôn được tổ chức công khai, minh bạch, mọi người dân trong xã hội đều được thực hiện quyền công dân qua việc được tự do tham gia bầu cử, bình đẳng trong sử dụng phiếu bầu. Ðây là một trong các quyền cơ bản về chính trị của công dân trong một xã hội mà quyền con người luôn được tôn trọng. Quyền tự do, quyền dân chủ của nhân dân được thể hiện cụ thể trong Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND. Luật bầu cử đã chỉ rõ 4 nguyên tắc bầu cử rất cụ thể và hoàn chỉnh, nên không thể có việc “dân chủ giả hiệu” như luận điệu của các thế lực thù địch.

Thứ nhất, nguyên tắc “phổ thông” là nguyên tắc cơ bản nhất của bầu cử. Nguyên tắc này nhấn mạnh đến sự tham gia bầu cử rộng rãi, công khai của mọi tầng lớp nhân dân, quy định nên bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nhà nước “của dân, do dân và vì dân”. Công dân đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử ĐBQH, ứng cử đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này giữ vai trò bảo đảm để mọi công dân không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đến tuổi trưởng thành đều được trao quyền bầu cử và quyền được tự ứng cử của mình. Nguyên tắc này đã phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân trong công cuộc kiến quốc, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia công việc Nhà nước, kể cả người ứng cử lẫn người đi bầu cử. Qua đó, cho thấy thái độ tin tưởng, luôn coi trọng nhân dân của Đảng và Nhà nước Việt Nam ta. Chứ không thể nói với luận điệu vô căn cứ là “Đảng cử, dân bầu” được.

Thứ hai, nguyên tắc “bình đẳng” là mỗi cử tri có một phiếu bầu đối với một cuộc bầu cử và giá trị phiếu bầu như nhau không phụ thuộc vào giới tính, địa vị xã hội, sắc tộc, tôn giáo... Mỗi người ứng cử đều có quyền hạn và nghĩa vụ pháp lý như nhau trong quá trình đăng ký tự ứng cử và vận động bầu cử. Nguyên tắc bình đẳng còn đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu để bảo đảm tiếng nói đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội, các dân tộc thiểu số và phụ nữ phải có tỷ lệ đại biểu hợp lý trong Quốc hội và HĐND. Qua đó đảm bảo tính khách quan, không thiên vị, mọi công dân đều có cơ hội ngang nhau khi tham gia bầu cử, nghiêm cấm sự phân biệt dưới mọi hình thức.

Thứ ba, nguyên tắc “trực tiếp” cho thấy tất cả cử tri trực tiếp thể hiện ý chí, nguyện vọng của mình qua lá phiếu, tất cả cử tri phải tự cầm lá phiếu của mình bỏ vào hòm phiếu, cử tri trực tiếp bầu ra đại biểu của mình không qua một cấp đại diện cử tri nào. Nguyên tắc này đòi hỏi cử tri không được nhờ người bầu hộ, bầu thay hoặc bầu bằng cách gửi thư. Nếu cử tri nào không thể tự viết phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu và “người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri”; nếu cử tri vì tàn tật, ốm đau, già yếu không thể đến phòng bỏ phiếu được và không tự bỏ phiếu thì tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến nơi ở của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thực hiện các thủ tục bỏ phiếu vào hòm phiếu. Ý nghĩa của nguyên tắc trực tiếp qua thực tế các cuộc bầu cử ở nước ta cho thấy từ người già đến thanh niên, phụ nữ, họ đến bỏ phiếu như ngày đi trẩy hội, điều đó cho thấy qua bầu cử, nhân dân nhận thức rõ vai trò làm chủ của mình, nhân dân được tự tay mình quyết định, bầu ra chính quyền thực sự của mình, bầu ra những người có đức, có tài, có tâm, có tầm để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Thứ tư, nguyên tắc “bỏ phiếu kín” đảm bảo tính khách quan trong việc lựa chọn của cử tri, cử tri hoàn toàn tự do trong việc biểu lộ ý chí của mình, loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài đối với cử tri. Tính dân chủ ở nguyên tắc này được thể hiện rất cao, khi cử tri bầu ai, không bầu ai đều được bảo đảm bí mật. Cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri, đảm bảo bí mật phiếu bầu của cử tri.

Từ những nguyên tắc trên cho thấy bầu cử là biểu hiện quan trọng của dân chủ trong xây dựng chính quyền nhà nước Việt Nam. Chế độ bầu cử của nước ta là dựa trên nền tảng của dân chủ, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc kiến tạo chế độ nhà nước Việt Nam có sự tham gia là đại biểu của nhân dân, do nhân dân bầu và thực hiện nghĩa vụ vì nhân dân. Ngày 23-5-2021 tới đây sẽ diễn ra cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc hiểu đúng và thực hiện thống nhất các nguyên tắc trên sẽ góp phần cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật; nhân dân bầu ra những đại biểu ưu tú nhất để mang lại sự phồn vinh cho đất nước, cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

TẤN PHÚC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: