• Chính quyền

Để cuộc bầu cử tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, thực sự là ngày hội của toàn dân

04/04/2021 06:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Chủ Nhật, 04/04/2021 | 06:01

STO - Trong những tháng qua, tỉnh Sóc Trăng đã và đang tích cực triển khai các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Theo quy định của pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam có quyền và trách nhiệm tham gia công tác bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Sóc Trăng, đồng chí Dương Sà Kha - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh cho biết, nhiệm vụ của ủy ban MTTQ các cấp trong bầu cử đã được quy định trong Luật MTTQ Việt Nam và Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND năm 2015. Theo đó, ban thường trực ủy ban MTTQ thực hiện 6 nhiệm vụ quan trọng gồm: phối hợp cùng với cơ quan nhà nước thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử và cử đại diện ban thường trực ủy ban MTTQ tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử cùng cấp. Chủ trì tổ chức quy trình hiệp thương, lựa chọn giới thiệu những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cùng cấp (quy trình hiệp thương gồm có 3 lần, 5 bước theo Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT/UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN, ngày 15-1-2021 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Phối hợp với chính quyền tổ chức hội nghị cử tri ở ấp, khóm để lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri trước khi tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách chính thức giới thiệu người ứng cử. Ban thường trực ủy ban MTTQ chủ trì tổ chức các hội nghị cử tri để ứng cử viên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri trình bày chương trình hành động, thực hiện quyền vận động bầu cử. Tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện quyền bầu cử, tự mình đi bỏ phiếu trong ngày bầu cử. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra ủy ban MTTQ cấp dưới tham gia công tác bầu cử, giám sát các tổ chức bầu cử ở địa phương trong suốt quá trình triển khai công tác bầu cử. Trong các nhiệm vụ nêu trên, trọng tâm nhất là việc tổ chức các hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.

Phóng viên: Thưa đồng chí, để chuẩn bị cho công tác bầu cử, đến thời điểm này, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã triển khai những công việc như thế nào?

Đồng chí Dương Sà Kha: Đến thời điểm này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hoàn thành ba bước của quy trình hiệp thương.

Bước một, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp (từ ngày 4 đến ngày 17-2-2021). Kết quả đã hiệp thương cơ cấu, thành phần 12 người của địa phương tham gia ứng cử ĐBQH (chưa kể thành phần của Trung ương giới thiệu về 3 người); hiệp thương cơ cấu, thành phần 104 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh để bầu lấy 52 đại biểu; hiệp thương cơ cấu, thành phần 658 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện để bầu lấy 347 đại biểu; hiệp thương cơ cấu, thành phần 5.394 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã để bầu lấy 2.817 đại biểu.

Bước hai, cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp (từ ngày 24-2 đến ngày 10-3-2021). Kết quả các cơ quan, đơn vị đã giới thiệu 12 người ứng cử ĐBQH, 99 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 658 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, 5.394 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã. Có 1 người tự ứng cử ĐBQH, 1 người tự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh, 1 người tự ứng cử đại biểu HĐND TP. Sóc Trăng.

Bước ba, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp (từ ngày 14 đến ngày 19-3-2021). Kết quả đã lập danh sách sơ bộ 13 người ứng cử ĐBQH (trong đó có 1 người tự ứng cử); 100 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh (trong đó có 1 người tự ứng cử), 650 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện (trong đó có 1 người tự ứng cử), 5.195 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã.

Hiện nay, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đang triển khai bước bốn, tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Dự kiến, hoạt động này sẽ tổ chức kết thúc trước ngày 13-4-2021 chuẩn bị cho việc tổ chức bước thứ năm, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp…

Phóng viên: Thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ triển khai những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Sà Kha: Trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần tập trung quyết liệt, chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ cho công tác bầu cử, cũng là giai đoạn quan trọng, lựa chọn, lập danh sách người tiêu biểu, đủ đức, đủ tài, đủ tiêu chuẩn để tham gia ứng cử. Kết quả lựa chọn này sẽ được ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện trình ban thường vụ cấp ủy cùng cấp trước khi trình ra tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba, dựa trên cơ sở hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với tất cả các ứng cử viên. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ được tổ chức đồng loạt từ ngày 14 đến ngày 18-4-2021.

Sau khi có kết quả hiệp thương lần thứ ba, ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức hội nghị gặp gỡ tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để ứng cử viên trình bày chương trình hành động, thực hiện quyền vận động bầu cử của mình (dự kiến triển khai thực hiện từ ngày 20-4 đến ngày 21-5-2021).

Trong giai đoạn này, MTTQ các cấp cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bầu cử; tiếp nhận, tổng hợp biên bản hội nghị cử tri nơi cư trú; tiếp nhận, theo dõi việc xác minh trả lời kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo kết quả về Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban Bầu cử tỉnh theo yêu cầu quy định. Đồng thời sẽ triển khai tích cực nhiệm vụ giám sát công tác bầu cử, trọng tâm là giám sát việc lập và niêm yết danh sách cử tri; việc lập và niêm yết danh sách người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; việc vận động tranh cử của ứng cử viên; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác bầu cử; việc bố trí địa điểm bầu cử, trang trí phòng bỏ phiếu, thùng phiếu; giám sát việc phát phiếu bầu, việc đóng dấu “Đã bầu” và việc kiểm phiếu bầu cử...

Phóng viên: Những nét mới trong công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Dương Sà Kha: Một số điểm mới của bầu cử lần này so với nhiệm kỳ trước, là: về nhân sự chuyên trách ĐBQH, HĐND các cấp phải gắn với quy hoạch của Trung ương, địa phương đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện theo Thông báo Kết luận số 174-TB/TW, ngày 8-6-2020 của Bộ Chính trị về phương hướng bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 và đã được thể hiện cụ thể trong Hướng dẫn số 36-HD/BTGTW. Giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016 - 2021, theo Nghị quyết số 1187-NQ/UBTVQH14, ngày 11-1-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Giảm số lượng đại biểu HĐND được bầu, số lượng cấp phó và cơ cấu của Thường trực HĐND, theo quy định của Luật số 47/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 22-11-2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

CHÍ BẢO (Thực hiện)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: