• Văn hóa - Thể thao

Ăn tết nay, nhớ tết xưa

19/01/2017 22:08 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 22:08

STO - Xuân Nhâm Tý 1972, chúng tôi về vui cùng bà con ở ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú (Mỹ Xuyên). Thời gian trôi qua đã hơn 40 năm, nhưng cái tết năm ấy làm tôi nhớ mãi không quên tình đất, tình dân nơi vùng kháng chiến...

Tết năm Nhâm Tý 1972, chúng tôi về vui cùng bà con ở ấp Hòa Tân, xã Hòa Tú (Mỹ Xuyên). Nhưng, ăn tết phải nằm hầm bí mật. Câu chuyện mới nghe cũng thật lạ, nhưng trong chiến tranh chuyện lạ gì cũng có thể. Ngày đó, ở khắp nơi trong tỉnh, giặc bình định cấp tốc, đóng chiếm trên bảy trăm đồn bót, gần như vùng giải phóng trước đây mỗi ấp đều có đồn giặc.

Trên đường hành quân về Hòa Tân (Mỹ Xuyên) năm 1972. Ảnh: Ngọc Nhuần

Năm đó, chúng tôi vừa hưởng tết vừa học nghị quyết Đảng ở ngay ấp chiến lược Hòa Tân, một vùng kiềm của địch, thực chất đó là vùng tranh chấp giữa địch và ta. Việc học nghị quyết Đảng, mà đó là nghị quyết chuyển vùng, vỡ mảng là một điều mừng với tất cả đảng viên thời chiến. Chúng tôi bắt đầu vào học là ngày mùng một tết. Các anh báo cho biết phải làm việc buổi đứng. Bây giờ làm buổi đứng có nghĩa từ sáng làm tới 11 giờ rồi ráng thêm đến 12 giờ, có khi trễ hơn nữa. Còn hồi đó, buổi sáng còn cảnh giác địch đánh phá, phải đợi đến 11 hoặc 12 giờ. Yên tĩnh rồi mới bắt đầu tập trung anh em vào ngồi học, làm một lèo tới 9 - 10 giờ đêm mới nghỉ. Còn quá trình làm việc, hễ đói lúc nào ăn dặm thêm lúc ấy. Sau khi nghỉ họp được bà con cho ăn uống no nê rồi mới rút về cứ. Nói chung là ai về chỗ nấy, riêng cánh tuyên huấn tỉnh chúng tôi ở chung với mấy anh ở xã Hòa Tú, phải ra giữa đồng Hòa Tân - Ba Chùa, nơi đó có sẵn vài chiếc hầm bí mật, một hầm hai, ba người chui xuống đó nằm ngủ. Mãi đến sáng trắng ra mới có người thức giấc, mà dù thức hay còn ngủ vẫn nằm im lặng trong hầm, lắng nghe động tĩnh. Cho đến khoảng 10 - 11 giờ mới từ từ giở nắp hầm quan sát xung quanh, không thấy ai mới chui lên từng người một, bò ra một khoảng xa rồi đi về ấp.

Chuyện học nghị quyết không cần nói sâu, vì thời chiến học nghị quyết chủ yếu là ngồi nghe và ghi chép (nếu được cho phép), không có thời gian để thảo luận, cái chính là quán triệt cho chắc rồi theo đó mà làm. Còn ăn tết chủ yếu cũng dựa vào dân, vui tết với bà con nhân dân. Ở cơ quan cũng có tổ chức riêng nhưng cái chính bà con mang cho bánh tét, bánh phồng, vịt gà, dưa hấu, dưa kiệu... mà tổ chức ăn tết tại cứ.

Mấy ngày Tết Nhâm Tý tại ấp Hòa Tân làm tôi nhớ mãi không quên. Phải chia ra để bà con nhà nào cũng có anh em lại chung vui, vừa phân tán mỏng lực lượng tránh thiệt hại khi địch phát hiện, vừa cùng vui tết với bà con mình. Riêng tôi, Tám Đoàn, Năm Hoàng và Ánh Hồng thì ở hai gia đình má Chín và nhà chú Năm Đặng. Bấy giờ tôi, Tám Đoàn ở báo chí tỉnh, Năm Hoàng là cán bộ tuyên huấn huyện, Ánh Hồng là bí thư huyện đoàn. Buổi trưa từ ngoài đồng lội về, trước tiên tìm nước xối vài cái cho đã, sau đó thay đồ sạch vào ăn cỗ với mọi người trong gia đình. Những năm ăn tết trong rừng chỉ sơ sài, bây giờ về đây bà con cho ăn toàn những món ngon thấu trời. Nào tôm kho tàu, thịt heo kho riệu, giò heo hầm xá pấu hoặc măng tre, rồi gà luộc xé phai, bao tử heo khìa nước dừa xiêm... Hồi đó được ăn những món như vầy là quý lắm, không phải như bây giờ thấy nó chưa ăn đã ngán rồi. Chưa hết, làm việc tới khuya còn được bà con cho ăn uống một bữa tối no nê. Riêng bọn đàn ông con trai còn được lai rai với những thứ mồi bén: khô trâu, khô cá đuối nướng lửa than hồng, chưa ăn đã bắt mùi nghẹt lỗ mũi, không chịu nổi. Đó là chưa kể có đêm còn có thịt cầy xào lăn, thịt cầy nấu cháo đậu xanh, nhậu không biết say.

Từ ngày ăn tết với bà con trong vùng kháng chiến đến nay đã hơn bốn mươi năm rồi, những người cùng nằm hầm, ngồi ăn cỗ, cùng học tình hình nhiệm vụ mới ở Hòa Tân... bây giờ nhiều người đã không còn. Tôi nhớ chú Mười Dư, anh Hai Văn, chú Năm Đặng, chú Sáu Muôn... các người ấy sẽ mãi mãi trong lòng chúng tôi, trong lòng của nhân dân vùng căn cứ kháng chiến.

THANH PHONG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: