• EVN SPC - PC SOC TRANG

Ánh điện sáng . . . mùa xuân

19/01/2017 09:19 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 09:19

STO - Từ nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, của ngành điện và các nguồn vốn đầu tư khác, nhiều địa bàn xa xôi, cách trở ở các xã cù lao, xã vùng sâu, vùng căn cứ cách mạng có điện thắp sáng, góp thêm niềm vui khi mỗi độ xuân về.

 

Dấu ấn 3 lần vượt sông

Lễ khánh thành đưa lưới điện quốc gia vượt sông Hậu về 4 xã Cù Lao Dung. Ảnh: Ngọc Nhuần

Xã An Thạnh 1 (Cù Lao Dung) là điểm đến đầu tiên trong cuộc hành trình “về với điện vùng sâu” của chúng tôi vào những ngày cuối năm Bính Thân 2016. Dọc theo những con đường nông thôn rợp màu xanh của những rẫy mía, vườn cây ăn trái, xen lẫn là những ngôi nhà tường ngói mới khang trang, là hệ thống điện tỏa đi khắp đường làng, ngõ xóm.

Trung tâm xã An Thạnh 1 về đêm tuy không ồn ào, tấp nập, nhưng không còn cảnh vắng vẻ, đìu hiu. Khu chợ của xã được đầu tư khang trang, cảnh mua bán giờ cũng sung túc, nhộn nhịp hơn. Hệ thống trường học, trạm y tế, cấp nước cũng được đầu tư, nâng cấp tiện nghi và đủ đầy hơn. Điện lưới quốc gia cũng về tận các hộ gia đình. Nhắc đến chuyện điện, nhiều người dân xã An Thạnh 1 vẫn không quên những đêm đầu không ngủ vì sung sướng, vì lạ lẫm với ánh sáng từ những bóng đèn điện lần đầu tiên thắp sáng nhà mình.

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, xứ cù lao Phong Nẫm (Kế Sách) như khoác lên mình chiếc áo mới khi lưới điện quốc gia chạy dài thẳng tắp, phủ kín khắp các thôn xóm, lan tỏa đến mọi nhà. Cũng là một xã cù lao có điện, người dân nơi đây diễn tả về “cái sự sung sướng” từ dòng điện quốc gia mang lại hết sức ngắn gọn, nhưng cũng rất đủ đầy ý nghĩa: “Có điện được sáng cái đầu, no cái bụng; người già được nghe đài, xem tivi; trẻ nhỏ được học hành; cây trồng, vật nuôi luôn được tắm mát”.

Đâu chỉ có người dân, “cái sự sung sướng” đưa được điện lưới quốc gia về xứ cù lao vẫn vẹn nguyên sau 20 năm đối với lãnh đạo ngành điện Sóc Trăng. Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Trăng Huỳnh Minh Hải, vẫn không quên 3 lần vượt sông đầy gian nan, vất vả để đưa dòng điện quốc gia thắp sáng những cù lao giữa dòng sông Hậu. Ông Hải nhớ lại: “Sau khi toàn bộ các xã trên đất liền của tỉnh đều có điện, ngành điện quyết định “vượt sông” đưa điện về Cù Lao Dung, rồi sau đó là Phong Nẫm và cuối cùng là cù lao An Tấn, An Công, thuộc xã An Lạc Tây (Kế Sách)”.

Công trình đưa điện vượt sông về Cù Lao Dung được khởi công vào đầu năm 1997 và hoàn thành vào tháng 12-1998, bằng 2 trụ vượt cao hơn 90m, với tổng mức đầu tư 12,21 tỉ đồng. Tiếp nối thành công trên, ngành điện tiếp tục hoàn thành công trình đưa điện lưới quốc gia vượt sông Hậu về xã Phong Nẫm vào năm 1999, với tổng mức đầu tư 3,43 tỉ đồng, bằng đường dây điện kéo từ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, vượt trước một năm so với kế hoạch, đưa 100% xã của tỉnh có lưới điện quốc gia. Đến tháng 4-2009, lưới điện lại tiếp tục vượt sông Hậu về cù lao An Tấn, An Công đánh dấu cột mốc 100% ấp trong tỉnh có điện.

Những cột mốc đáng nhớ

Ngược dòng thời gian, vào thời điểm lúc mới chia tách tỉnh, mạng lưới điện ở Sóc Trăng gặp muôn vàn khó khăn, khi toàn tỉnh chỉ mới có 21/81 xã có điện, chiếm tỷ lệ 25,9%, với hơn 22.150 hộ có điện, tỷ lệ 10,5% tổng số hộ dân. Vào thời điểm này, cơ sở vật chất và vật tư thiết bị lưới điện Sóc Trăng hầu hết đã xuống cấp sau nhiều năm vận hành, sự cố lưới điện xảy ra thường xuyên, gây tổn thất điện năng ở mức cao. Lúc đó, điện lực chỉ quản lý khu vực TX. Sóc Trăng (nay là TP. Sóc Trăng), thị trấn Long Phú, Mỹ Xuyên, Kế Sách, còn toàn bộ lưới điện nông thôn do tổ điện xã, ban quản lý điện cấp xã, các hộ cá nhân, ban quản lý điện huyện... quản lý. Do có nhiều thành phần quản lý và bán điện nên giá bán điện khác nhau, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại về giá bán điện.

Trước tình hình trên, Công ty Điện lực Sóc Trăng đã xác định nhiệm vụ phát triển điện nông thôn trọng tâm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đồng thời, tranh thủ nguồn vốn Trung ương cùng với các biện pháp tiết kiệm và khai thác khả năng sản xuất tại tỉnh. Ngành cũng tham mưu cho lãnh đạo địa phương chấn chỉnh việc quản lý điện nông thôn và các giải pháp đẩy nhanh điện khí hóa nông thôn. Nổi bật là công tác phối hợp với địa phương trong việc gắn điện kế trả dần đối với hộ nghèo và phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua hợp đồng liên ngành để phát vay giúp hộ nghèo gắn điện kế.

Việc triển khai mô hình kéo điện trả dần cho dân nghèo theo mùa lúa, vụ tôm, 3 tháng, 6 tháng, không tính lãi, đã đưa tỷ lệ hộ sử dụng điện trong tỉnh đến năm 1995 tăng gần gấp đôi so với năm 1992. Từ năm 1996, Chính phủ có Quyết định số 99/QĐ-TTg về công tác điện khí hóa nông thôn, đơn vị được Công ty Điện lực 2 (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Nam) giao nhiệm vụ thực hiện thí điểm điện khí hóa ở xã Mỹ Phước (Mỹ Tú). Đây cũng là xã được chọn thí điểm điện hóa đầu tiên trong 22 xã ở đồng bằng sông Cửu Long. Công trình hoàn thành vào cuối năm 1997, nâng toàn bộ xã đất liền của tỉnh đều có lưới điện quốc gia.

Bừng sáng mọi miền quê

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, Dự án “Cung cấp điện cho các hộ dân chưa có điện, chủ yếu là đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng” đã hoàn thành đúng theo tiến độ đề ra, đảm bảo về chất lượng, kỹ thuật, an toàn và cấp điện ổn định cho 45.322 hộ dân, nâng tổng số hộ có điện trên địa bàn tỉnh từ 87,7% lên 98,32%; trong đó, số hộ đồng bào Khmer có điện tăng từ 67,2% lên 97,05%. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam Nguyễn Phước Đức phấn khởi, cho biết: “Điều có ý nghĩa lớn nhất là dự án đã giúp nâng mức sống bình quân thực tế của bà con Khmer tăng cao hơn nếu đánh giá thông qua mức bình quân điện năng tiêu thụ từ 70kWh/người/năm lên trên 100kWh/người/năm trong 5 năm qua”.

Tôi vẫn còn nhớ, hôm kéo đường điện về thôn, xóm, bà con ở các xã vùng sâu vui như trẩy hội. Lần trở lại vào những ngày cuối năm Bính Thân này, niềm vui như được nhân đôi, khi đời sống vật chất, tinh thần người dân giờ thay đổi rất nhiều. Ông Thạch Sao, xã Thạnh Trị (Thạnh Trị), phấn khởi: “Mọi năm chưa có điện thì nhà cửa để thế nào cũng được, nhưng năm nay, có điện thì phải khác chứ. Từ khi dự án cấp điện cho đồng bào Khmer được hoàn thành, điện dùng thoải mái lắm, chất lượng điện tốt, giá điện thấp nên các hộ gia đình mua thêm nhiều đồ điện phục vụ cuộc sống và sản xuất”. Ông Lý Vương, ở xã Tân Hưng (Long Phú), cũng vui không kém: “Bây giờ, nhà nào cũng có tivi, đầu đĩa, máy tính kết nối internet, nên xóm ấp bây giờ vui lắm”.

Việc đưa được dòng điện về các xã vùng sâu, vùng xa, có điều kiện  khó khăn về giao thông là cả một kỳ tích, là sự đầu tư có ý nghĩa xã hội và tính nhân văn sâu sắc. Và đó cũng là sự đầu tư mang tính chiến lược, tạo điều kiện để Sóc Trăng vươn tới những mùa xuân trong tương lai, như kỳ vọng của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hùng: “Dự án hoàn thành, người dân có thêm điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội, giảm mạnh hộ nghèo, tăng nhanh số hộ khá, giàu; góp phần xây dựng ấp khóm văn hóa, gia đình văn hóa mới, làm thay đổi rõ nét bộ mặt nông thôn của tỉnh Sóc Trăng”.

QUANG BÌNH

Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: