• Công nghiệp

Con tàu Sao Ta luôn vươn về phía trước

19/01/2017 23:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 23:02

STO - Tôi đã nhiều lần viết bài về một doanh nghiệp khá tiếng tăm trong ngành chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu tỉnh nhà. Bởi vì, doanh nghiệp này có nhiều chuyện khá thú vị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Năm nay, tôi lại lần nữa nhắc tới doanh nghiệp này, đó là Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sao Ta).

Thú vị vì ngoài hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, có trách nhiệm với xã hội, Sao Ta còn “đa năng” trong hoạt động. Từ một doanh nghiệp thuộc Ban Tài chính quản trị Tỉnh ủy, trình làng đầu năm 1996, ngay năm hoạt động thứ hai, Sao Ta đã thu hồi vốn và năm thứ ba, trở thành doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tôm cao nhất nước. Tròn 20 năm qua, trải qua bao chu kỳ thăng trầm của nền kinh tế thế giới, như khủng hoảng tiền tệ 1997 - 1998 hay suy thoái kinh tế 2007 - 2010, Sao Ta vẫn nhẫn nại, kiên trì vượt dốc, đều có lãi hàng năm và phát triển đáng ghi nhận. Minh chứng cho sự thành công của Sao Ta là hàng loạt các nhà máy trong ngành lần lượt đổ vỡ, ban đầu là các doanh nghiệp vốn thấp, sau đó các doanh nghiệp lớn cũng không còn tiếng tăm trên thương trường. Ngay trong tỉnh nhà cũng vậy, nhưng Sao Ta vẫn đứng vững.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Cúp Thánh Gióng và hoa cho Tổng Giám đốc Hồ Quốc Lực.

Doanh số tăng 15 lần

Từ đầu khi thành lập, Sao Ta khẳng định con đường đi của mình. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp; coi trọng chữ tín trong kinh doanh; lấy chất lượng sản phẩm thu hút khách hàng và là thế mạnh cạnh tranh lâu dài; hậu mãi chu đáo, trách nhiệm... là những nét cơ bản trong chiến lược trường kỳ của Sao Ta. Ban đầu, chưa hiểu hết về Sao Ta, nhiều khách hàng bị thu hút bởi những bảng chào giá rẻ từ các doanh nghiệp khác. Để giới thiệu về mình, Sao Ta chấp nhận bán giá cạnh tranh với khối lượng nhỏ và chất lượng cao. Lần lượt Sao Ta đã thuyết phục được dù khách hàng khó tính. Khi khách hàng đã yên tâm với chất lượng, mẫu mã sản phẩm của mình, dĩ nhiên Sao Ta đã bán hàng đúng với câu: “Tiền nào của đó”. Từ doanh số 10 triệu USD năm đầu tiên, đến năm 2016, doanh số Sao Ta tăng 15 lần. Từ 300 lao động ban đầu, nay tăng 10 lần.

Để có sự phát triển khá nhanh đó, Sao Ta đã có những mốc rất ấn tượng. Ngay khi nhà máy chế biến tôm vừa hoạt động, năm sau (năm 1997), Sao Ta đã có đề án và triển khai xây dựng nhà máy chế biến nông sản đông lạnh xuất khẩu. Do là vốn vay, để an toàn, nhà máy chỉ tầm vừa phải. Khủng hoảng kinh tế năm 1998 khiến Indonesia loạn lạc, các khách hàng Nhật ở đây chuyển hướng về tìm nguồn từ Việt Nam. Tận dụng thời cơ kinh doanh kịp thời, Sao Ta kiến nghị ngân hàng đang cho vay tiền, cho phép chuyển đổi nhà máy chế biến nông sản sang chế biến tôm vào thị trường Nhật Bản. Nhờ lãnh đạo ngân hàng đồng tình, Sao Ta đã khẩn trương hoán đổi công năng nhà máy. Có những hạng mục phải vừa thiết kế vừa thi công. Xưởng hoàn thành trong thời gian kỷ lục. Sao Ta thu hút được ngay khách hàng từ Nhật Bản, doanh số xuất khẩu tôm nhảy lên hàng đầu cả nước năm 1998 và là nền tảng cho các bước kế tiếp.

Cái đáng kể nữa ở đây là khách hàng lớn từ Nhật Bản lúc đó đã đồng hành cùng Sao Ta tới bây giờ. Tập trung cho con tôm, mãi đến năm 2008, Sao Ta mới trở lại cơ hội phát huy thế mạnh tỉnh nhà. Năm đó, Sao Ta khánh thành nhà máy chế biến nông sản đông lạnh xuất khẩu. “Thiên thời - nhân hòa” đầy đủ, nhưng không ngờ yếu tố “địa lợi” chưa lường hết được, trên các nền đất pha cát, như: Cù Lao Dung, TX. Vĩnh Châu, khách hàng Nhật đồng ý đưa giống khoai từ xứ sở “hoa anh đào” qua để gieo trồng, sau khi họ đã kiểm tra chất đất. Nhưng do nhiệt độ vùng đồng bằng nóng, khoai không chuyển hóa đủ độ ngọt theo yêu cầu. Trồng cà tím bị gió thổi, khiến lá ma sát trái làm trái bị vết xướt không xuất khẩu được. Còn trồng đậu bắp thì bị ong chích trái, vì khách hàng quy định cách phòng trừ sâu bệnh không phù hợp thực tế. Các miếng rẫy gần kề xịt thuốc thì sâu rầy sẽ chuyển qua các miếng rẫy trồng cung ứng cho Sao Ta! Mỗi năm, mảng nông sản tạo ra kim ngạch 2 triệu USD, nhưng hiệu quả là số âm không nhỏ.

Tổng Giám đốc Sao Ta Hồ Quốc Lực nhớ lại: Năm 2013, Sao Ta dự tính đóng cửa nhà máy nông sản và đã công bố nội bộ. Nhưng ánh sáng chợt lóe lên ở thời khắc cuối cùng. Các mặt hàng nông sản phối chế thử nghiệm đã có tín hiệu tích cực từ thị trường. Năm 2014, doanh số nông sản tăng lên 3 triệu USD, năm 2015, tăng lên 4 triệu USD. Nhà máy nông sản có sản phẩm chiến lược, chủ lực có sức cạnh tranh cao, có thể phát triển trong dài hạn. Năm 2016, Sao Ta quyết định làm lại nhà máy nông sản với công suất tăng gần 2 lần, trở thành nhà máy chế biến nông sản đông lạnh xuất khẩu lớn nhất miền Tây”.

Thành công ở lĩnh vực mới

Trước tình hình đòi hỏi sự kiểm tra nghiêm ngặt chất lượng, đòi hỏi sự truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhanh nhất, Sao Ta quyết định coi nuôi tôm là một mảng hoạt động chính của mình. Năm 2012, Sao Ta chuyển nhượng lại dự án nuôi tôm đang thua lỗ ở TX. Vĩnh Châu và bắt tay nuôi đến nay. Anh Hồ Quốc Lực nói vui: “Người ta từ đồng lên chợ, còn tôi đang từ chợ xung phong về đồng!”. Có những lời chế giễu khi “thủ lĩnh” giao việc điều hành công ty cho các phụ tá và bám trại tôm gần 2 năm dài. Khi trại tôm hoạt động quy cũ, “thủ lĩnh” mới trở lại văn phòng công ty. Nuôi tôm là lĩnh vực đầy rủi ro và lại mới mẻ với Sao Ta. Nhưng việc chưa có kinh nghiệm đôi khi là thế mạnh, Sao Ta luôn học hỏi tìm tòi, không khuôn khổ trong “kinh nghiệm”. Nhờ đó, Sao Ta “lội” ngược nước về đích thành công. Trong 4 năm qua, trại tôm Sao Ta luôn đầy niềm vui vì nhiều ao nuôi trúng lớn, nhất là năm 2016. Chuyện này gây không ít ngạc nhiên cho các “lão làng” trong lĩnh vực nuôi tôm. Nhờ nuôi tôm, Sao Ta đã có sự thuyết phục khách hàng tốt nhất về việc kiểm soát chất lượng sản phẩm. Và nhất là trại tôm đã biến vùng đất 160ha bỏ hoang thành nơi tạo ra của cải xã hội khá tốt, tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động. Cũng khá bất ngờ, nhờ nuôi tôm, Sao Ta mới hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận năm tài chính 2016.

Khi tôi hỏi Tổng Giám đốc Hồ Quốc Lực còn những dự tính gì sắp tới, anh bật mí: “Sao Ta đang xây dựng nhà máy mới, cũng làm thủy sản đông lạnh xuất khẩu, nhưng tập trung gia công cho khách hàng nước ngoài”. Anh giải thích thêm: “Nguyên liệu thủy sản hiện nay chưa thừa cho chế biến xuất khẩu, nên nhà máy làm gia công để tạo việc làm, để tăng đồng lời và nếu nguyên liệu trong tỉnh tăng lên, Sao Ta có ngay nhà máy để chế biến. Nguồn thủy sản để gia công thì rất lớn, chủ yếu là cá - tôm - mực đánh bắt từ tàu lớn ngoài khơi xa. Trước đây, hàng này về các nhà máy chuyên gia công ở Trung Quốc. Thời cuộc thay đổi, đây là một cơ hội kinh doanh không nhỏ cho Sao Ta nói riêng, cho ngành chế biến thủy sản đông lạnh xuất khẩu Việt Nam nói chung. Anh Hồ Quốc Lực cũng trải lòng khi cho biết, đang chuyển dần công việc cho các đội ngũ kế cận. Theo anh, đây là sự cần thiết và đang là thời điểm thích hợp.

Trăn trở và mong đợi điều tốt đẹp

“Anh còn trăn trở gì với công việc, với ngành nghề?” - tôi hỏi. Trầm ngâm giây lát, Tổng Giám đốc Sao Ta chia sẻ: “Đó là tình trạng vệ sinh an toàn thực phẩm con tôm. Hiện nay, các lô hàng tôm có tồn lưu chất cấm bị khách hàng trả về từ các thị trường trọng điểm ngày càng nhiều, thiệt hại không nhỏ cho chủ hàng. Tình trạng năng suất thấp trong chế biến thủy sản chưa khắc phục được, khiến thu nhập người lao động chưa tốt. Đó còn là tình trạng các doanh nhân ý thức cộng đồng chưa cao, chỉ coi nặng quyền lợi riêng, hệ lụy là gây thiệt hại cho đồng nghiệp, cộng đồng, xã hội. Tất cả xuất phát từ đạo đức, từ ý thức. Giáo dục đạo đức xã hội của mình còn yếu và thiếu, ít nhiều dẫn đến ý thức xã hội còn nhiều sai lệch và mỗi cá nhân còn có cái nhìn mơ hồ về việc làm của mình”. Cũng theo anh Hồ Quốc Lực, năng suất người lao động thấp, không phải do khâu tổ chức mà nặng khâu ý thức. Công đoạn hoặc công việc nếu làm kỹ, có thể chậm một chút sẽ không tốn người kiểm tra, sẽ không phải làm lại. Trong khi việc làm cẩu thả có thể tạo ra phế phẩm, thiệt hại chung. Việc tuyên truyền của doanh nghiệp tuy có tác dụng tích cực nhưng rất chậm, bởi sức ỳ lưu trú trong suy nghĩ đã quá dài và nặng nề. Chúng ta đang chủ trương nâng số lượng doanh nghiệp của cả nước. Đó mới là bề nổi, ngoài chuyện cần quan tâm điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách khuyến khích đầu tư thì cần đi vào bề sâu như vấn đề nêu trên thì mới đồng bộ, sự phát triển của doanh nghiệp mới bền vững.

Một mùa xuân nữa lại về, thuyền trưởng dạn dày kinh nghiệm đã bước vào tuổi sắp rời tàu, nhưng con tàu Sao Ta sẽ còn tiến tới mạnh mẽ hơn; bởi con tàu thường xuyên được tu bổ chắc chắn, trên tàu đã có định vị và hành trình rõ ràng, nhất là với đội ngũ vận hành đã có rất nhiều năm tôi luyện trong nghề. Chia tay, anh nói vài tháng nữa khánh thành nhà máy mới, mời nhà báo tới tham quan. Lời mời, làm tôi chợt nhớ, có lần anh nói: “Thương trường là cuộc chạy đua trường kỳ, phải luôn biết phối sức mới tới đích. Phối sức ở đây là luôn biết mình, biết người; biết điều chỉnh mình kịp lúc, phải luôn nắm bắt thời cơ mà chạy trước”.

Vào xuân, hai chậu mai vàng trước sân Công ty Sao Ta đã sớm hé nụ, như báo tin thêm một năm doanh nghiệp hoàn thành kế hoạch, người lao động sẽ đón Tết Đinh Dậu tươm tất hơn, bù lại bao ngày vất vả. Con tàu Sao Ta luôn vươn mình tiến về phía trước, hy vọng rằng Sao Ta sẽ luôn xứng đáng với tên của mình, ngôi sao của chúng ta!

PHƯƠNG THUẬN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: