• Văn hóa - Thể thao

Du xuân trên đất Sóc Trăng

19/01/2017 10:04 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 10:04

STO - Ngày gần cuối năm, nhận được cuộc gọi của anh bạn từ miền Bắc bảo rằng tết này muốn đưa gia đình vào miền Nam cho biết không khí tết của Tây Nam bộ nhưng lại gợi ý chỉ muốn khám phá miền Nam theo kiểu thấy trên phim “Đất phương Nam”. Tôi nhận lời, cũng khá băn khoăn nhưng mặt khác lại nghĩ đây cũng là dịp hay để giới thiệu cho bạn bè mình biết Sóc Trăng có rất nhiều điều thú vị khác nữa.

Suy đi tính lại, tôi “thiết kế” tour cho bạn mình gồm 4 địa điểm vừa đủ để đi trong ngày, gồm: khu nhà vườn của hộ gia đình chú Nguyễn Văn Tẩn tại ấp Phương An 3, xã Hưng Phú, Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Sóc Trăng, xã Mỹ Phước (Mỹ Tú), bãi biển Hồ Bể (TX. Vĩnh Châu), Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó (Trần Đề). Sau khi thu xếp xong công việc, anh cùng vợ và hai cháu nhỏ bay vào miền Nam ấm áp trong tiết trời mùa xuân.

Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó

Kế hoạch cũng đã bàn rất kỹ và liên lạc trước với các điểm đến nên chiều tối gia đình anh đến Sóc Trăng, sáng sớm ngày mai, chúng tôi khởi hành chuyến “du xuân đất Sóc Trăng” luôn. Khu nhà vườn của hộ gia đình chú Nguyễn Văn Tẩn vẫn chưa hình thành khu du lịch nhưng tôi biết đến nhờ trước đó mấy tháng có dịp đến cùng đoàn famtrip (viết tắt của cụm từ familiarization trip - hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) do Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh tổ chức. Xuôi theo Quốc lộ Quản lộ Phụng Hiệp để tìm đến nhà chú Tẩn khá thuận lợi, nhà và khu vườn của chú tọa lạc ngay hai bên quốc lộ.

Chưa hết “mùng” nên thường người nông dân vẫn chưa lo việc đồng áng nhưng nghe có khách du lịch, tinh thần đam mê ngành này của chú lại nổi lên và sẵn sàng phục vụ. Mời đoàn chúng tôi vào nhà, chú thím đã chuẩn bị sẵn những trái dừa tươi ướp lạnh rồi rót vào ly mời khách. Sau một lúc nghỉ mệt và chuyện vãn, chú Tẩn vào nhà lấy mấy bộ áo bà ba chuẩn bị sẵn cho chúng tôi thay ra, chỉ tiếc rằng không nghĩ đến việc đoàn du lịch có trẻ em nên chú thím không có đồ bà ba size nhỏ phù hợp. Chỉ những chiếc lưới, trúm, nơm... ở chái nhà, chú Tẩn bảo đó sẽ là những thứ giúp chúng tôi có bữa ăn trưa. Lỉnh kỉnh xách theo các “ngư cụ”, chúng tôi cùng chú băng qua bên kia đường. Sát bờ kênh, chú đã chuẩn bị sẵn xuồng nhỏ. Chúng tôi vượt qua một đoạn kênh khá xa để đến được ruộng lúa của gia đình chú. Hai bên bờ kênh cặp lộ là vườn tạp rồi đến vườn tràm, vườn cam, vườn quýt... Ở những chỗ thích hợp, chú Tẩn chỉ cho chúng tôi cách thả lưới, đặt trúm. Nước không sâu lắm, chỉ ngang đầu gối và diện tích ruộng lúa cũng không thật sự to nhưng có lẽ do di chuyển trong kênh nhỏ khá lâu nên vừa được ra đến đồng rộng, người ta như có cảm giác tất cả mênh mông quá. Chú Tẩn buông sào và nhảy xuống ruộng trước. Hai đứa trẻ cũng xông xáo không kém, chúng chạy loanh quanh đến đục cả nước. Kéo tấm lưới, chúng tôi vây lũ cá rồi tụm lại bắt cho vào thùng. Cá tự nhiên nên kích thước không lớn lắm, nhưng cũng có con to gần bằng bàn tay. Mê quá, tôi cũng quên hỏi chú Tẩn những con cá lạ đó là cá gì.

Quay xuồng dọc lại bờ kênh để trở về, chúng tôi ghé lại để thu hồi những chiếc trúm và lưới đã thả khi nãy. Nhiều chiếc trúm đã có lươn vào, lưới cũng có nhiều cá sặc mắc lưới. Chúng tôi về đến nhà thì cũng đã trưa, “chiến lợi phẩm” chúng tôi tìm được, thím Tẩn mang đi chế biến khá tươm tất với các món: lươn hấp nước dừa, cá chiên và thích nhất là những con cá sặc được chiên vàng, giòn rượm chấm nước mắm me.

Sau khi đã dùng bữa trưa, tạm biệt gia đình chú thím Tẩn, chúng tôi xuôi theo Tỉnh lộ 940 để đến rừng tràm Mỹ Phước tham quan Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy. Dù vẫn còn trong thời gian nghỉ tết nhưng khu di tích cũng phân công cán bộ trực. Sau khi dâng hương ở Đền tưởng niệm, chúng tôi cùng hướng dẫn viên đi vào rừng tràm theo con lộ đal. Trong kháng chiến, để vào được khu căn cứ chỉ có thể lội bưng, băng rừng hoặc đi bằng đường thủy nhưng hiện nay có thể sử dụng cả đường thủy lẫn đường bộ. Đi sâu vào trong rừng tràm, các hạng mục được phục dựng theo đúng vị trí của các công trình thời kháng chiến, gồm: trạm giao liên, thông tin, kinh tài, hội trường, nhà làm việc, Văn phòng Tỉnh ủy và các hầm tránh pháo, hầm bí mật.

Anh bạn tôi tỏ ra khá thích thú với địa điểm tham quan này, vì ở đây đúng chất “rừng phương Nam” mà lại còn là nơi giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng của dân tộc, nhất là công cuộc kháng Mỹ cứu nước của Đảng bộ và quân dân tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả miền Nam nói chung. Muỗi tại điểm di tích khá nhiều, đốt chúng tôi khiến da nổi đầy mẩn đỏ. Điều này làm tôi chợt nghĩ đến sự gian khổ của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ cách mạng sống, hoạt động tại đây trong kháng chiến đã kiên cường bám trụ và chiến đấu đưa cách mạng đến ngày thắng lợi.

Các hạng mục phục dựng trong Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy.

Chiếc xe của chúng tôi tiếp tục lại lăn bánh thẳng tiến về TX. Vĩnh Châu và hướng ra bãi biển Hồ Bể. Với đặc điểm nằm gần cửa sông đổ ra biển nên nước biển nơi đây mang nặng phù sa, vì vậy có màu vàng nâu đặc trưng chứ không trong xanh như ở những vùng biển khác. Bãi biển này còn khá hoang sơ do người dân địa phương ít có thói quen tắm biển, thỉnh thoảng chỉ có vài tốp thanh niên, học sinh đi ngang qua đây và tự phát rủ nhau tắm biển. Những năm gần đây, tỉnh đã lập dự án và xúc tiến kêu gọi đầu tư. Hiện nay, Hồ Bể dần hình thành nên như một khu du lịch với các quán nước nằm cạnh bãi biển và có cả nhà tắm lại bằng nước sạch. Tôi cũng khá ái ngại với màu nước biển không được bắt mắt lắm này, nhưng bạn tôi thì lại lạc quan: “Chú không biết ở nhiều điểm du lịch người ta còn phải trả tiền để tắm bùn hay sao? Ở đây mình được tắm miễn phí thế này còn gì bằng”.

Sau khi tắm biển thỏa thích, chúng tôi lại lên xe tiếp tục cuộc hành trình hướng về Quốc lộ Nam Sông Hậu để tranh thủ ghé Khu du lịch sinh thái Mỏ Ó (Trần Đề). Xe dừng lại, chúng tôi bước xuống đi theo đường dẫn ra một nền được xây trên các cột cao vươn thẳng ra biển, dọc hai bên là các chòi được dùng làm khu ẩm thực. Chúng tôi dùng bữa chiều tại đây với các món đặc sản tươi sống của biển được bày bán tại chỗ. Nhiều món có thể gọi là hải vị, như: cua hấp, sò huyết rang me, tôm nướng... nhưng gia đình bạn tôi lại ấn tượng nhất với món cá thòi lòi biển nướng muối ớt. Còn gì thú vị hơn sau 1 ngày du xuân muộn khắp nơi để về đây vừa thưởng thức hải sản tươi sống vừa đón gió lộng từ biển?!...

Chuyến du xuân đất Sóc Trăng của chúng tôi kết thúc trong ngày để hôm sau gia đình anh bạn tôi phải về lại TP. Hồ Chí Minh thăm viếng bạn bè và du xuân ở thành phố nhộn nhịp nhất của miền Nam thêm 1 ngày. Khi tạm biệt, gia đình anh cảm ơn rối rít vì lần này đã được sống như trong không khí của bộ phim “Đất phương Nam” mà cả gia đình đều yêu thích. Tôi cảm ơn anh và gia đình vì nhờ có chuyến đi mà tôi cũng phát hiện quê hương mình tươi đẹp và đáng quý biết dường nào.

Trên đường đưa anh và gia đình ra bến xe, tôi đề nghị bác tài bật bài hát “Đất phương Nam” của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ. “Nhắn ai đi về miền đất phương Nam/Trời xanh mây trắng, soi dòng Cửu Long giang/Mênh mông rừng tràm, bạt ngàn dừa xanh/Từng chang đước đong đưa, nhớ người xưa từng ở nơi này...”. Thấm đậm tình đất, tình người đất phương Nam. Và có lẽ, gia đình anh bạn tôi sẽ nhớ mãi về Sóc Trăng như một “đất phương Nam” thu nhỏ...

THUẬN LỢI

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: