• Văn hóa - Thể thao

Gà trong văn hóa dân gian Việt Nam

19/01/2017 10:16 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 10:16

Trong 12 con giáp, gà cầm tinh một năm. Năm nay Đinh Dậu là năm của gà. Tuy gà là vật nuôi để lấy thịt và trứng, nhưng hình ảnh gà để lại nhiều ấn tượng, đẹp có xấu có, trong tâm thức người Việt; bởi nó gần gũi với người chẳng kém gì chó, mèo. Tất nhiên, gà không quen sống thành phố, nhưng ở nông thôn, hầu như không nhà nào không có gà. Vì vậy, gà để lại khá nhiều hình ảnh trong địa hạt của văn hóa dân gian.

Trong tranh dân gian làng Hồ, ít nhất gà góp mặt trong 5 tranh:

1. Tranh gà trống với dáng đứng oai vệ của bậc dũng tướng, lại khoác trên mình bộ áo quần sặc sỡ biểu thị sự giàu có, lịch lãm của dân công tử. Người xưa quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc quân tử. Gà còn gáy sáng báo hiệu một ngày mới, như chiếc đồng hồ báo thức gọi cả làng dậy để mỗi người làm tròn phần việc của mình: trẻ thì đi học, người lớn ra đồng, đi chợ; gà còn đánh thức mặt trời chiếu sáng cho vạn vật mỗi sớm mai.

2. Tranh gia đình gà, biểu tượng của một gia đình hạnh phúc luôn quây quần bên nhau: có cha gà như trụ cột, có khả năng bảo vệ, gầy dựng kinh tế, đưa gia đình đi đó đi đây cuối xóm cùng làng mà không cảm thấy chút âu lo, sợ sệt; có mẹ gà luôn che chở, chăm chút, quan tâm đến đàn con; có anh, chị, em gà yêu thương, vô tư chơi đùa bên nhau. Tất cả mọi thành viên góp phần tạo nên một không gian đầm ấm, yên bình.

3. Tranh mẹ con nhà gà, biểu trưng cho tình mẫu tử. Mẹ không quản ngại khó nhọc đưa đàn con đi kiếm miếng ăn. Con nào khỏe thì chạy theo mẹ, con nào yếu thì mẹ cõng đi. Tất cả bao quanh mẹ. Khi bắt được mồi, ánh nhìn mẹ gà rạng rỡ, lũ con cũng vui lây. Miếng mồi nhỏ không đủ với sức ăn sức lớn của cả đàn con. Nhưng sự đoàn kết, gắn bó yêu thương chính là sức mạnh tinh thần mà mẹ gà muốn truyền lại cho mấy đứa con.

4. Tranh gà đá (gà chọi), biểu tượng cho lòng dũng cảm. Khi lâm trận cả hai đều anh hùng: anh hùng thể hiện qua sự công bằng, không dùng trò mưu chước để chiếm phần lợi cho mình trước khi vào trận; anh hùng thể hiện qua việc dùng sức mạnh của chính mình phân định thắng thua với đối thủ, chớ không dùng quỷ kế, mưu ma của kẻ tiểu nhân để hại người quân tử.

5. Tranh bé trai với chú gà trống (tranh Vinh hoa), tượng trưng cho ước muốn hiển đạt văn võ song toàn. Người hiển đạt không chỉ có tri thức mà còn phải có sức mạnh. Người hiển đạt phải là người quân tử, không thể thiếu: nhân, nghĩa, tín, dũng. Lòng nhân chính là sự ứng xử giữa người với người; đó phải là tâm của bậc thánh nhân, chớ không phải là lòng của kẻ tiểu nhân. Người có nhân cách phải có nghĩa, không lấy oán báo ân, không bất nghĩa với đấng sanh thành, không phụ nghĩa với thầy cô. Người đáng tin phải biết giữ chữ tín. Không nói rồi quên lời. Bởi một lần “thất tín” vạn lần “bất tin”. Người lớn phải là người có dũng, dám nhận thiếu sót của mình, không đổ lỗi cho khách quan, người khác.

Trong kho tàng thành ngữ, tục ngữ, ca dao, gà được đúc kết qua nhiều đơn vị ngôn ngữ dân gian:

Gà có thói quen đi ngủ sớm, bởi chạng vạng tối là gà không thấy đường lên chuồng. Do vậy, ai có mắt nhìn cái này hóa ra cái khác, người ta gọi “quáng gà”, nói thành ngữ so sánh thì “lờ đờ như gà ban hôm” hay “ngây ngô như gà mờ” hoặc “trông gà hóa cuốc”...

Ngoài ra, gà còn có tập tính mà ta thường thấy qua dáng dấp lơ láo, ngơ ngác của chúng. Do vậy, người Nam bộ mới chê những người lớ ngớ, khù khờ là “gà mở cửa mả”, nói nhẹ nhàng hơn là “gà con mất mẹ” hay “gà tơ đi lạc”.

Có khi gà cũng quậy phá, bươi bới khiến chủ nhà dù hiền mấy cũng không chịu nỗi, nên mới nói nặng lời quở trách “vắng chúa nhà, gà vọc niêu tôm”, ý nói: “gà không thấy chủ nhà thường hay chạy vào trong bếp bới móc nồi niêu đựng tôm phá phách”, tương tự như: “vắng chúa nhà, gà bới bếp” và làm cho một số người không rõ đầu đuôi truyền miệng nhau là “vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm”.

Gà không chỉ quậy phá nhà chủ mà con phá làng, phá xóm bằng cách bươi trấu, bới phân, phá thóc; nên người hàng xóm quá bực mình mà quở mắng và trách lây cả chủ: “trấu trong nhà để gà ai bới”, hay “chuồng phân nhà chẳng để cho gà người bới” hoặc “hoài thóc ta cho gà người bới”.

Không rõ gà có đi học ngày nào và có biết viết chữ hay không; mà khi thấy ai viết chữ xấu người ta lại so sánh với gà: “chữ như gà bới”, “viết như gà bới”.

Gà có đôi chân không chỉ để đi và chạy mà còn là phương tiện để mưu sinh. Nên nếu chẳng may bị què thì thật là khổ, bởi không thể đi xa mà cũng không thể bươi kiếm ăn được nên đành chấp nhận thiên hạ chê bai là “gà què ăn quẩn cối xay” vậy.

Gà mái nhiều con cũng có tính xấu, chẳng hạn làm điều gì đó rồi lại phân bua là mình không làm, nên người quá rành gà mới bảo: “gà đẻ gà cục tác”. Có điều, tính xấu của người ngồi lê mách lẻo lại gán cho gà “lép bép như gà mổ tép” thì quả là oan! Mặt khác, hung hăng là tâm tính của gà trống; đàng này nhiều chị gà mái có tính hung dữ không kém, nên người mới sợ mà bảo: “gà mái đá gà cồ” hoặc nói cho văn vẻ là “nữ kê tác quái”.

Khi gà giò chuẩn bị cho bước trưởng thành thì chúng hay tập dượt đá nhau, khiến người nhìn thấy hiểu lầm là chúng chẳng thương yêu gì nhau mà phán một câu chê trách nặng lời là “đồ ngu” nên mới ra lời khuyên dạy chúng: “Khôn ngoan đối đáp người ngoài, Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.

Cũng khổ cho gà khi khách đến nhà thì chủ hay làm tiệc đãi khách, trừ phi không có hoặc hà tiện thì mới bắt vịt thế vào. Lâu dần, khách ăn quen nên khi đến nhà ai thì gợi ý chủ một cách lộ liễu: “Khách đến nhà, chẳng gà thì vịt”. Lại còn nhận xét gà ăn với lá chanh thì ngon nên mới đặt điều kiếm chuyện với gà là “con gà cục tác lá chanh”.

Về món gà “luộc” hay “phay” trong văn hóa ẩm thực thì dân hai miền Nam, Bắc lại có những sở thích trái ngược nhau thiệt ngộ: người miền Nam thích gà xé, còn người miền Bắc lại khoái gà chặt; người miền Nam ăn gà với rau răm, người miền Bắc lại dùng nó với lá chanh; người miền Nam quen khẩu vị ăn gà chấm muối ớt, nhưng người miền Bắc quen khẩu vị ăn gà với muối tiêu; người miền Nam ngán ăn gà với xôi nên ăn với cháo, còn người miền Bắc lại khoái ăn gà với xôi hơn với cháo. Biết vậy, nên tùy tập quán văn hóa ẩm thực của khách mà chủ nhà có thể thay đổi phương cách nấu ăn thích hợp.

Nhưng dù gì, hiểu biết để chọn gà nuôi hoặc thịt cũng được đúc kết thành kinh nghiệm chung: “gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua; gà trắng chân chì, mua chi giống ấy?”. Nếu nuôi lấy trứng thì lại là chuyện khác: “nuôi gà phải chọn giống gà, gà di giống bé nhưng mà đẻ mau”.

Ngày tết vui chơi, xin nhắc bạn nhớ canh chừng kẻ gian. Chớ để mất đồ mà “chửi như mất gà” thì cũng làm phiền hàng xóm. Chúc bạn đọc năm Dậu làm ăn phát đạt, hanh thông; không phải cảnh “vạ vịt chưa qua, vạ gà đã đến”!

HUỲNH CÔNG TÍN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: