• Đời sống xã hội

Giữ "lửa" cho nghề truyền thống

19/01/2017 22:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 22:50

STO - Khi công nghiệp hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, một số nghề truyền thống không còn thị trường tiêu thụ rộng rãi như trước kia. Đứng trước những thăng trầm của cuộc sống, những trái tim yêu nghề vẫn miệt mài với từng sản phẩm để mặt hàng thủ công có vị thế riêng trong lòng người tiêu dùng.

Nét cọ tô điểm ngày xuân

Ánh nắng của ngày lập xuân đang ươm vàng từng đóa cúc nở rộ trước sân nhà, như tôn thêm sắc màu của những bức tranh kiếng trong suốt được cô Triệu Thị Vui, ấp Phước Thuận, xã Phú Tân (Châu Thành) đang phơi để kịp cho đợt giao hàng sắp đến. Dù chính thức vẽ tranh chỉ khoảng 3 năm nay, so với những tay cọ có thâm niên trong xã thì cô Vui còn là lớp “hậu bối”, nhưng tay nghề của cô Vui cũng đủ để tạo nên từng đường nét điêu luyện trong mỗi tác phẩm của mình.

Cô Vui bên bức tranh trên kiếng rực rỡ sắc màu vừa được hoàn thành.

Dù không còn thịnh hành như 20 năm về trước, nhưng nghề vẽ tranh trên kiếng tại xã Phú Tân hiện vẫn có khách hàng từ An Giang, Trà Vinh đến đặt hàng qua đầu mối của cô Vui. Mấy năm qua, cô Vui được xem là cầu nối giữa khách hàng và các thợ làm nghề tại xã, hễ có mối đặt hàng, cô đem vật liệu đến từng thợ đặt họ vẽ gia công. 

Theo cô Vui, ngày xưa, cả xóm có đến mấy chục hộ sinh sống bằng nghề này, nhưng giờ điểm lại không hết đầu ngón tay. “Hồi đó, có người chỉ chừng 9 - 10 tuổi đã cầm cọ vẽ, nhưng bây giờ chỉ còn những người lớn tuổi như tôi. Nghề này không phải cứ chấm phá vài nét cọ là có tác phẩm bán được, mà phải qua nhiều công đoạn, đặc biệt là sự khéo léo và óc thẩm mỹ của người vẽ. Đề tài vẽ tranh cũng khá phong phú, nhưng chủ đề được vẽ nhiều nhất là câu chuyện kể về cuộc đời của đức Phật Thích Ca, phong cảnh chùa hay những địa danh nổi tiếng”, cô vui trải lòng.

Bền chặt như chiếu Vĩnh Châu

Bước vào tháng 11, từ khoảng 4 giờ sáng, những ngôi nhà ở ấp Hòa Nam và Hòa Thành của xã Lạc Hòa (TX. Vĩnh Châu) đã sáng ánh đèn, bởi đây là mùa cao điểm của nghề dệt chiếu lác phục vụ thị trường tết. Chiếu Lạc Hòa rất bền, có thể sử dụng đến 4 - 5 năm mới thay. 

Nghề dệt chiếu tại xã Lạc Hòa vẫn được các chị lớn tuổi truyền nghề lại cho con cháu.

Làm nghề dệt chiếu từ lúc lên 10 tuổi, đến nay, bà Lý Thị Kiên đã có thâm niên 50 năm trong nghề và là một trong những hộ ít ỏi còn gắn bó với cái nghề truyền thống này. Không giấu niềm tự hào về nghề dệt chiếu lác truyền thống của xã mình, bà Kiên kể: “Tuy không còn nhộn nhịp như những năm về trước, nhưng nghề dệt chiếu ở xóm này vẫn được chị em lớn tuổi chúng tôi duy trì. Hiện đang có khách hàng đặt tôi dệt 10 chiếc chiếu, nên công việc cũng hơi bận rộn”. Ngồi kế bên khung dệt, em Lý Thị Loan tiếp lời: “Năm 17 tuổi, em đã dệt chiếu thành thạo, nên lúc mới nghỉ học, có nhiều bạn rủ đi làm, nhưng em quyết định ở nhà phụ ba mẹ trồng hành tím và dệt chiếu để giữ nghề. 6 năm nay, ngày nào em cũng phụ mẹ dệt chiếu, có khi em còn là thợ dệt chính và chỉ nửa ngày, em đã dệt xong 1 chiếc chiếu”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Hòa Lê Hoàng Vũ, trước đây nghề dệt chiếu rất phổ biến tại địa phương, ngoài 2 ấp Hòa Nam và Hòa Thành còn có ấp Ca Lạc với khoảng 40 hộ làm nghề. UBND xã đã từng hỗ trợ khung dệt cho các hộ duy trì nghề, nhưng do nguyên liệu khan hiếm và thị trường bó hẹp, nên trong xã chỉ còn khoảng 12 hộ làm nghề. Chiếu Lạc Hòa luôn được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, nên xã cũng có hướng quy hoạch lại vùng nguyên liệu để duy trì và phát triển nghề truyền thống này.

Mặn mà bánh tráng Bà Lèo   

Khi Tết Nguyên đán đang cận kề, cũng là lúc các hộ làm bánh tráng ở xóm Bà Lèo, ấp Vĩnh Xuyên, thị trấn Mỹ Xuyên (Mỹ Xuyên) tất bật chuẩn bị góp mặt thị trường tết. Bởi vậy, mới hơn 8 giờ sáng, cô Diệp Thị Thanh đã chuẩn bị xong buổi cơm sáng cho gia đình, để kịp thời gian tráng xong số bột được pha sẵn trước đó. Cô Thanh kể: “Mấy ngày giáp tết như vầy, khách đặt bánh tráng nhiều lắm, nên phải thức dậy từ 4 giờ sáng mới kịp làm hàng giao cho khách. Tôi làm nghề bánh tráng này từ lúc còn con gái cho đến giờ. Mình sống với nó lâu rồi, nên “bỏ thì thương, vương thì... cực”, bởi thị trường đâu còn được như ngày xưa”.

Gần tết là lúc các hộ làm nghề phơi bánh tráng trắng cả khoảng sân trước nhà.

Đưa chiếc ống lăn để lấy chiếc bánh vừa được tráng đặt ra tấm vỉ, cô Thanh thố lộ: “Bánh tráng đúng tiêu chuẩn phải tròn, có màu trắng trong, vị hơi mặn, khô nhưng vẫn dai, dẻo, không có vị chua và nhất là phải có hương thơm của loại gạo làm ra nó, nhưng không được đưa bất kỳ chất phụ gia độc hại nào vào để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm”. Cũng chính nhờ đặt chất lượng và an toàn thực phẩm lên hàng đầu nên cô Thanh luôn có khách tìm đến tận nhà để đặt hàng. Ông Tài tiếp lời vợ: “Tuy bây giờ ở xóm này không còn cảnh cả trăm nhà làm bánh tráng như những năm 1990, nhưng thương hiệu bánh tráng Bà Lèo vẫn có vị thế riêng trong lòng người tiêu dùng nhờ uy tín chất lượng, người tiêu dùng vẫn cảm nhận được hương vị đặc trưng của bánh tráng Bà Lèo so với bánh tráng công nghiệp”.

Dù đã qua thời vàng son, nhưng bằng sự đam mê cộng chút hoài niệm, không ít người vẫn đang ra sức giữ gìn, phát huy những nghề truyền thống, để con cháu mai sau có thể tiếp nối, làm giàu thêm vốn quý dân tộc trên bước đường hội nhập. Và đó cũng là lý do vì sao, trong bộn bề của những ngày tết, chúng ta vẫn bắt gặp những sản phẩm truyền thống, mang đậm nét văn hóa cộng đồng ba dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa đang sinh sống trên mảnh đất Sóc Trăng này.

THIỆN HẢI

Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: