• Nông nghiệp

Lời tâm tình đầu xuân của nhà khoa học - Anh hùng lao động - kỹ sư Hồ Quang Cua: Dấu ấn quá khứ - triển vọng tương lai

19/01/2017 23:08 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 23:08

STO - Từ một nền nông nghiệp khá lạc hậu sau khi tái lập tỉnh (tháng 4-1992), đến nay, cây lúa Sóc Trăng đã có những bước tiến nhảy vọt. Đầu xuân mới, xin điểm lại những dấu ấn quá khứ để “cởi bớt gánh nặng” tương lai trong quá trình thăng tiến của một nghề có nhiều lao động nhất tỉnh Sóc Trăng - nghề trồng lúa.

Dấu ấn tự hào

Cuối năm 1992, khi sản lượng lương thực của tỉnh mới đạt 827.000 tấn, nhưng với tầm nhìn xa, lãnh đạo tỉnh đã có chủ trương đầu tư nâng cao phẩm chất lúa gạo, bằng việc trồng thử nghiệm giống lúa thơm Khao-Dawk-Mali 105 và xuất ngân sách mua trên 600 tấn giống lúa này để đầu tư cho sản xuất vào năm 1993. Năm 1997, diện tích trồng giống lúa thơm Khao-Dawk-Mali 105 của tỉnh đã đạt 7.000ha và đến năm 1999, sản lượng lúa của tỉnh đã đạt 1,7 triệu tấn, gấp đôi so với lúc mới tái lập tỉnh.

Sau khi Nghị quyết Tỉnh Đảng bộ lần thứ X đề ra mục tiêu: “...Ổn định lương thực ở mức 2 triệu tấn/năm, nhưng nâng cao chất lượng lúa gạo...”, các giống lúa thơm Sóc Trăng liên tiếp được ra đời và làm nên tên tuổi của mình trên thị trường trong và ngoài nước. Đến năm 2013, khi Chính phủ phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp”, Sóc Trăng đã có diện tích trồng lúa thơm gần 30%. Mới đây, giống lúa thơm ST20 được đưa vào danh sách giống lúa “Xây dựng thương hiệu quốc gia”.

Không chỉ sản xuất trong tỉnh, lúa thơm Sóc Trăng còn được nông dân vùng tôm - lúa tỉnh Kiên Giang ưa chuộng đưa vào sản xuất. Ảnh: X.T

Trong hành trình 25 năm, cây lúa Sóc Trăng còn để lại những dấu ấn về những tiến bộ trong sản xuất và tiêu thụ lúa, như: cơ cấu giống lúa thu gọn theo nhu cầu thị trường, khi hiện toàn tỉnh còn dưới 10 giống chủ lực, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng: RVT, IR50404, Tài nguyên mùa, OM5451, ST5, ST20, OM4900...; tỷ lệ sử dụng giống xác nhận ngày càng tăng (ước có trên 40% giống gieo sạ đạt cấp xác nhận 1 và 2); cỏ dại và lúa cỏ trên đồng ngày càng giảm thiểu; chủng loại giống ngày càng đồng nhất trên từng cánh đồng lớn, dù là có liên kết sản xuất hay chưa; liên kết nông dân và doanh nghiệp ngày càng mở rộng, chặt chẽ và có định hướng chủng loại.

Nhận diện tồn tại, thách thức

Hiện nay, khi cây lúa thơm đã được chọn tạo để có thể sản xuất một cách dễ dàng (thậm chí có giống dễ trồng hơn cây lúa thường) thì lại phát sinh một số vấn đề, đặt chúng ta trước một thách thức không nhỏ, không dễ giải quyết, nhưng phải giải quyết nếu muốn cho người nông dân tăng thêm thu nhập, thương hiệu lúa gạo Sóc Trăng dày công xây dựng lâu nay được duy trì và phát huy thêm.

Kỹ sư Hồ Quang Cua giới thiệu sản phẩm gạo thơm ST19 mới và ST 21-3 tại Hội thi Gạo ngon lúa thơm năm 2016. Ảnh: PA

Nhìn ra khu vực, các nước chung quanh ta, như: Myanmar, Thái Lan, Campuchia đều có tiềm năng về giống lúa thơm bản địa; trong đó, Thái Lan và Campuchia đều có hướng đi rõ ràng và gặt hái không ít thành công. Riêng Thái Lan hiện nay đang hướng đến gạo chức năng và sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị. Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại mải mê theo quán tính (tăng vụ và tăng sản lượng) và chậm điều chỉnh. Năm 2005, ông Trương Thanh Phong (khi đó là Tổng Giám đốc Vinafood 2) đã yêu cầu: “Lúa thơm phải là hướng đi chính”, nhưng mãi đến đầu năm 2016, bộ giống lúa thơm do các viện nghiên cứu đăng ký khảo nghiệm còn rất ít và chưa tích tụ đủ các yếu tố di truyền để tạo nên phẩm chất cao và khả năng kháng bệnh tốt. Mặt khác, việc gạo (chủ yếu là gạo thơm) của 16 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, có mẫu tồn dư đến 3 loại hoạt chất, trong đó có 2 chất trừ lem lép hạt và khoang cổ bông là một hồi chuông báo động cho việc kém an toàn thực phẩm của gạo Việt Nam, nhưng cũng gợi cho các nhà nghiên cứu phải chọn giống lúa thơm kháng đạo ôn (đạo ôn lá và đạo ôn cổ bông).

Giải pháp cho tương lai

Trong bối cảnh cạnh tranh và yêu cầu khắt khe về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm từ các nước, Sóc Trăng cần đặt ra một chỉ tiêu riêng và tập trung nguồn vốn - hiện đang tản mạn - vào một chương trình mục tiêu: “Nâng cao phẩm chất, độ an toàn thực phẩm, hướng tới sản xuất theo chỉ dẫn địa lý để xây dựng thương hiệu gạo Sóc Trăng”. Tôi xin đề xuất các nhóm hoạt động chính:

Một là, tiếp tục đầu tư kinh phí để “Chọn tạo lúa thơm mới thích ứng biến đổi khí hậu, kháng nhiều sâu bệnh chủ yếu, đặc biệt là rầy nâu và đạo ôn” để tạo từng loại sản phẩm đặc thù. Để tranh thủ thời gian, việc chọn tạo cần nối tiếp, do vậy cần cấp tiếp các đề tài liền lạc nhau, không đợi xong đề tài mới cấp tiếp đề tài mới. Qua đó, chúng ta sẽ có nhiều giống lúa qua sàng lọc của sản xuất thử và chọn lọc của thị trường mới có được nhiều giống lúa tốt, rồi chọn lọc tiếp để đưa vào xây dựng thương hiệu quốc gia. Với tiềm lực sẵn có, bằng nỗ lực tự thân, tiến sĩ Trần Tấn Phương - Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng đã có trong kho lưu trữ hàng ngàn tổ hợp lai lúa thơm. Với kinh nghiệm lai tạo trên 10 năm, với việc lai tích lũy các yếu tố thơm qua nhiều đời, khả năng chọn dòng phân ly tiến tới ổn định để ra giống mới là rất cao. Chúng ta cần rất nhiều giống thuần khác nhau để chọn giống thích ứng biến đổi khí hậu và kháng mạnh sâu bệnh chủ yếu.

Hai là, tiếp tục đầu tư dài hạn cho việc phun nấm xanh trên đồng ruộng nhằm tạo “tàn dù sinh học” ngăn cho dịch hại đặc biệt là “rầy nâu không phát triển thành dịch”. Chúng ta đã có kinh nghiệm này trong giai đoạn dịch rầy nâu bắt đầu từ năm 2006. Thành công trong việc khống chế rầy nâu thông qua “Quy trình sản xuất nấm xanh tại nông hộ” đã được Cục Bảo vệ thực vật công nhận là tiến bộ kỹ thuật năm 2009; được cơ quan FAO của Liên Hợp quốc hỗ trợ kinh phí triển khai, hàng chục tỉnh đến Sóc Trăng học tập kinh nghiệm.

Nấm xanh gây bệnh cho côn trùng hại cây trồng, đã được nhân loại biết đến từ 141 năm trước, nhưng không phát triển được, vì không tạo lợi nhuận lâu dài cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy cần phải được Nhà nước đầu tư, do: thứ nhất chi phí không lớn, thứ nhì chỉ cần 5% diện tích lúa được phun luân phiên sẽ khống chế dịch rầy nâu. Sóc Trăng sẽ đi vào lịch sử nông nghiệp Việt Nam là tỉnh đầu tiên thực hiện việc áp dụng giải pháp sinh học trên toàn tỉnh, trong điều kiện chỉ còn vài năm nữa là chu kỳ dịch rầy nâu lần thứ 4 sẽ quay trở lại.

Hai sản phẩm ST19 mới và ST 21-3 do Kỹ sư Hồ Quang Cua (người đứng thứ 3 từ phải sang) lai tạo đoạt giải nhất, nhì tại Hội thi "Gạo ngon lúa thơm năm 2016. Ảnh: PA 

Ba là, chỉ hỗ trợ nông dân sản xuất lúa giống nếu có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, để tránh lãng phí nguồn lực như đã xảy ra lãng phí trong thời gian qua. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước nhất thiết phải đi vào nơi sản xuất có hiệu quả. Giống đầu tư cho tái sản xuất giống nhất thiết phải được kiểm định và từ nguồn tác giả, các chuyên gia di truyền học đều biết rõ đều này.

Bốn là, xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo VietGAP để tạo lòng tin cho khách hàng. Sau sự kiện Mỹ “nhốt” hàng của 16 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vào Mỹ năm 2016, có nhiều doanh nghiệp đã đến Sóc Trăng để tìm mua lúa được chứng nhận VietGAP vì họ rất lo sợ; một doanh nghiệp nhỏ bị nhốt vài ngàn tấn gạo là phá sản. Việc sản xuất theo VietGAP cần phải làm thực chất, các chuyên viên kỹ thuật ở các trạm huyện cần được tập trung vào các mô hình. Tổ chức tư vấn và chứng nhận cũng cần được chọn lọc kỹ càng để tránh di họa về sau (khách hàng phát hiện trong gạo có tồn dư hóa chất chẳng hạn). Hàng chục, hàng đôi ba chục mô hình sản xuất theo VietGAP mỗi vụ lúa có được thực chất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ tạo tiếng tăm cho gạo Sóc Trăng.

Đầu xuân, những trăn trở về cây lúa thơm được viết lên, nhưng con én sao làm nên mùa xuân (?!). Vì vậy, một hội thảo góp ý về “Các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị nông sản Sóc Trăng” chắc chắn là sẽ có chất lượng hơn để đóng góp cho quê hương Sóc Trăng giàu mạnh.

KS. HỒ QUANG CUA

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: