• Văn hóa - Thể thao

Nghệ nhân Đồng Hoàng Nam - cánh chim không mỏi

19/01/2017 09:51 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 09:51

STO - Một chiều cuối năm, rảo bước trên đường Lê Văn Tám - Phường 3 (TP. Sóc Trăng) trong khí trời se lạnh, cơn gió chuyển mùa xào xạc tán bàng trước ngõ nhà ai. Chợt dạ bâng khuâng, lòng lâng lâng dạt dào xúc cảm với tiếng đàn, lời hát văng vẳng vang ra từ tư gia nghệ nhân ưu tú Đồng Hoàng Nam (thường được gọi với tên Út Quắn), hòa với những lời hát bay bỗng, tiếng đàn nhặt khoan lúc như nước chảy róc rách bên khe suối, lúc lại sống động như bao đợt sóng trào, có khi êm đềm, sóng sánh ánh trăng vàng trên mặt sông giữa đêm rằm tháng chạp; khi lại nhẹ nhàng như ngọn xuân phong. Phía trong nhà, tốp học trò và thân hữu đang say sưa với từng chữ đờn, câu hát. Ngôi gia của lão nghệ nhân hơn chục năm nay là điểm gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và những kỷ niệm buồn vui của những tri âm đã trót mang cái nợ, cái duyên với đờn ca tài tử. Cũng chính tại nơi đây, người nghệ sĩ già vẫn sống hết mình cho nghiệp tổ như con tằm vẫn ngày ngày lặng lẽ nhả những sợi tơ vàng tô điểm cho cuộc đời thêm hương sắc. Tâm huyết truyền nghề cho thế hệ sau với mong muốn bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử mãi trường tồn với thời gian, phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn ngày càng rộng khắp.

Lão nghệ nhân ở tuổi bát thập dạo lại bản đờn tri âm hồi tưởng một thời đã xa, thời vẫy vùng khắp các sân khấu cải lương cả nước từ Nam ra Bắc, đi đến đâu ông và đồng nghiệp cũng nhận được nhiều tình cảm từ khán giả mộ điệu qua các vở diễn được dàn dựng công phu. Đãi khách thêm một lớp nam xuân qua chất giọng cao vút của môn sinh Đỗ Thị Ngọc Gấm, lão nghệ nhân từ từ đưa khách lên chuyến tàu thời gian hồi tưởng về một thuở xa xưa.

Sinh ra trên vùng đất Vĩnh Lợi (Thạnh Trị) trong gia đình nhạc lễ nên ngay từ nhỏ, Đồng Hoàng Nam đã có điều kiện làm quen các loại nhạc cụ. Ai cũng nghĩ cậu thiếu niên sẽ nối nghiệp gia đình nhưng thân phụ ông thì không nghĩ vậy mà hướng con theo con đường học vấn. “Ba tôi lúc đầu không cho tôi theo nghiệp ca hát này đâu. Tôi chỉ được dạy đánh chập chã để giải trí thôi. Ông bắt tôi theo học chữ nho làm nghiệp. Rồi có một bận tranh thủ lúc mọi người trong đội nhạc lễ của gia đình nghỉ trưa, tôi thử chơi các loại nhạc cụ theo trí nhớ lúc quan sát mọi người luyện tập, mọi người hết sức bất ngờ. Thấy tôi có khiếu lại yêu thích nên ba tôi cho theo học nhạc lễ luôn, đó là năm 1950”.

Truyền nghề cho học trò.

Sau khi nhanh chóng lĩnh hội tất cả những gì được truyền dạy, ông chính thức được đi làm nhạc lễ cùng dàn nhạc của gia đình; từ đó, có điều kiện gặp gỡ và làm quen với nhiều nghệ sĩ, cùng các loại hình nghệ thuật khác; trong đó ông đặc biệt chú ý đờn ca tài tử và ngày càng thấy mê và yêu môn nghệ thuật này. Thế là, theo học 20 bản tổ tại nhà nhạc sĩ giáo Dạn tại ấp Mỹ Tây, xã Mỹ Quới (nay là xã Mỹ Quới - TX. Ngã Năm) là một nhạc sư nổi tiếng miền Tây Nam bộ về bộ môn đờn ca tài tử vào năm 1951. Năm ấy, Đồng Hoàng Nam vừa bước qua tuổi 14. Chỉ trong vòng mấy năm đã có thể trao đổi nghề nghiệp, chia sẻ sự am hiểu, cũng như có thể sử dụng, biểu diễn các loại nhạc cụ: đờn kiềm, đờn cò, đờn tranh, đờn tam, đờn tì bà và các điệu thức trong 20 bản tổ cùng các bậc tiền bối của loại hình này và bắt đầu đi dạy nhạc tài tử khắp các xứ trong, ngoài tỉnh. Rong ruổi như lữ khách độc hành tìm tri âm, tìm thử thách để hoàn thiện bản thân, mài giũa thêm nghề nghiệp.

Trong quá trình “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” ấy, ông đã phát hiện và tập hợp nhiều bạn bè, học trò tài năng thành lập nên gánh hát cải lương do ông làm “bầu” kiêm soạn giả và đạo diễn đi biểu diễn khắp nơi được bà con khen ngợi; tiếp đó, tham gia Đoàn Văn công huyện Châu Thành vào năm 1962. Đến năm 1966 được điều động về Đoàn cải lương Chuông Vàng làm nhạc trưởng chuyên dạy đờn, ca cho diễn viên và nhạc công của đoàn với nhiệm vụ phục vụ chiến trường, phục vụ nhân dân. Tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, nhiều diễn viên, nhạc công anh dũng hy sinh, ông được Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Sóc Trăng giao nhiệm vụ tuyển chọn diễn viên, xây dựng lại đoàn. Sau ngày đất nước thống nhất, được phân công làm Trưởng Đoàn cải lương Hậu Giang 2, rồi Trưởng Đoàn văn công Sông Hậu.

Đến năm 1992, khi tách tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và Sóc Trăng, ông làm Trưởng Đoàn cải lương Tây Đô (Cần Thơ). Thời điểm này, hầu hết các đoàn cải lương của các tỉnh đều vất vả, riêng đoàn của ông thì lúc nào cũng sáng đèn sân khấu, bởi ông là người tiên phong trong việc mời các tài danh sân khấu từ TP. Hồ Chí Minh về cộng tác với đoàn nên đi đến đâu cũng được bà con ủng hộ nhiệt tình; tình hình đời sống anh, chị, em nghệ sĩ trong đoàn tương đối ổn định. Trong quá trình đó, ông cũng không quên truyền nghề, đào tạo những hạt nhân cho cải lương, cho đoàn hoạt động ngày càng tốt hơn. Nghe ở đâu có người hát hay, đàn giỏi là ông lại tìm đến “mục sở thị” rồi tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nếu yêu thích thì thuyết phục theo nghiệp tổ. Đó là những viên ngọc thô được ông gọt giũa không quản ngày đêm để mong một ngày tỏa sáng trên sân khấu. Có những “đệ tử” đã thành danh từ sự chỉ bảo, truyền nghề của ông, như nghệ sĩ ưu tú Hoàng Đông, nghệ sĩ Thu Vân...

Đến năm 2000, ông nghỉ hưu nhưng vẫn miệt mài với các hoạt động nghệ thuật của địa phương và làm Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa tỉnh Sóc Trăng. Ông Đoàn Tùng - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Sóc Trăng, tâm tình: “Anh Út Quắn là người có tâm và nhiệt huyết với đờn ca tài tử, góp công xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Nhà anh chính là nơi để mọi người, anh em chúng tôi tụ họp và sinh hoạt đờn ca hàng tháng”.

Bây giờ, khi ở cái tuổi bát thập, ông lại “hối hả” truyền nghề cho những tri âm có cùng đam mê với mong muốn phong trào đờn ca tài tử trên địa bàn ngày càng phát triển rộng khắp. Hầu như lúc nào ông cũng bận rộn và dành phần lớn thời gian cho những học trò theo học tại lớp đờn ca tài tử tại gia có gần 100 môn sinh theo học với đủ thành phần và lứa tuổi, lớp học của ông không bao giờ thu học phí; trao đổi lời hát tiếng đờn với những bạn hữu gần xa; tổ chức sinh hoạt cho CLB Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa tỉnh. Tham gia sáng tác lời mới cho 20 bản tổ. “Chú mày biết đó, tôi thì không còn sống được bao lâu nữa đâu, tranh thủ quỹ thời gian còn lại để truyền lại cho thế hệ sau những gì mình đã học, đã tích cóp được trong một đời làm nghệ thuật, hầu góp phần nhỏ nhoi làm sống lại phong trào đờn ca tài tử, truyền bá lòng yêu bộ môn nghệ thuật cải lương của dân tộc cho thế hệ trẻ, không để cho cải lương, đờn ca tài tử phải mai một” - nghệ nhân Đồng Hoàng Nam chia sẻ.

Bởi thế, mỗi lần có dịp chứng kiến bà con ở quê hay ở bất cứ nơi nào trong tỉnh trao đổi lời ca, tiếng hát trong các buổi sinh hoạt đờn ca, ông đều cố gắng nghe thật kỹ rồi phân tích điểm hay và chưa hay qua những lời hát tiếng đàn để mọi người chia sẻ, khắc phục, bổ sung cho hay hơn và đôi khi còn ngỏ ý muốn mọi người đến lớp tại gia để chia sẻ nhiều hơn. Cũng từ các chuyến đi, ông đã có nhiều phát hiện thú vị về những tài năng đờn ca tài tử, hun đúc niềm đam mê và truyền nghề cho họ. Nghệ sĩ trẻ Đỗ Thị Ngọc Gấm tâm tình: “Ngoại giúp em thấy yêu bộ môn đờn ca tài tử hơn, muốn được học hỏi nhiều hơn từ ngoại ở nghề, đạo đức, phong cách. Ngoại luôn hy vọng em sẽ nối nghiệp, đi theo con đường của ngoại”.

Trời đã tắt nắng từ lâu, đèn đã rực sáng trên những con đường thành phố, buổi sinh hoạt của câu lạc bộ đờn ca tài tử cũng kết thúc, khách từ giã ra về. Người nghệ nhân già lại chuẩn bị đón nhóm học trò mới nhận vào học nghề. Hớp vội ngụm trà, vuốt lại mái tóc đã in đậm bóng thời gian, lão nghệ nhân vẫn đầy chất nghệ sĩ của một thời lãng tử, hào hoa với đôi bàn tay như nhảy múa khi nâng dây bấm phím mấy cung đàn. Ai đó cao hứng ngâm nga “Dẫu cho núi lở non mòn/Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”. Lời ca tiếng hát lại vang lên trong ngôi gia nhỏ ngày trời đất giao mùa mang hương xuân tô thắm cho đời.

HOÀNG PHÚC

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: