• Văn hóa - Thể thao

TÙY BÚT - Những mùa xuân đã qua

19/01/2017 22:01 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 22:01

STO - Nói đến mùa xuân là nói đến cái không khí se se lạnh của từng cơn gió bấc thổi về miên man trong những buổi chiều tà nhàn nhạt nắng. Khi nói đến mùa xuân cũng là nói đến những ngày tết cổ truyền của dân tộc và trong tâm khảm của mỗi con người luôn chứa đựng những ký ức hoài niệm của tuổi thơ từng được tung tăng vui chơi, được ăn ngon, mặc đẹp, với những bao lì xì dầy cộm trong túi - cả năm chỉ có một lần.

Nói đến mùa xuân là nói đến cái không khí se se lạnh của từng cơn gió bấc thổi về miên man trong những buổi chiều tà nhàn nhạt nắng. Khi nói đến mùa xuân cũng là nói đến những ngày tết cổ truyền và đó là những ngày mà đám trẻ nít cứ nôn nao “so đi, đếm lại” từng ngày để coi bao giờ tết đến. Và đây đó trong tâm khảm của mỗi con người luôn chứa đựng những ký ức hoài niệm của tuổi thơ từng được tung tăng vui chơi, được ăn ngon, mặc đẹp, với những bao lì xì dầy cộm trong túi - cả năm chỉ có một lần.

Ở quê thời đó, năm nào cũng vậy, cứ vào tầm 20 tháng chạp, lúa ngoài đồng đã chín rộ thì nhà nhà tất bật thu hoạch cho kịp ngày đón tết. Trên những cánh đồng “cò bay thẳng cánh”, đâu đâu cũng nghe tiếng đập lúa thình thịch vang vang từ những chiếc bồ đập lúa sừng sững. Lúa cắt tới đâu, bồ đập kéo tới đó, như kiểu “cuốn chiếu”, tuy thu hoạch tà tà vậy nhưng cứ chuẩn bị “vô tết” thì những “sân lúa” ngoài ruộng hay sân lúa trước nhà đều có những đống lúa cao nghều nghệu.

Hồi đó ở miệt ruộng, chuyện “trồng chơi, ăn thiệt” là chuyện bình thường vào những tháng cận tết, như trồng vài chục dây dưa hấu, vài liếp rau cải, vài chục bụi bắp cải, bông cải... để ăn tết. Nhưng một mớ để ăn, mớ còn lại “chia” cho hàng xóm để gọi là kiếm ít tiền lì xì cho “sắp nhỏ”. Trái dưa hấu hồi xưa chỉ “roi roi”, nhìn không đẹp lắm nhưng rất ngọt vì “trồng để ăn” nên chủ yếu xài phân chuồng. Hàng xóm đến chia vài cặp “dưa chưng” thì gia chủ lựa những cặp tốt nhất, ngon nhất và “khuyến mãi” thêm một, hai bắp cải, bông cải để gọi là nghĩa cử hiếu đễ với ông bà.

Càng vào sát mí tết thì không khí trong quê càng rộn ràng hơn. Nhưng việc “mần heo chia thịt” được coi là xôm tụ nhất. Heo nuôi cả năm mới vô được cỡ trăm ký, với những gia đình nghèo thì đó là cả một tài sản, vừa dành “ăn tết”, vừa dành chi xài cho những tháng nông nhàn... Nững ngày cận tết, thỉnh thoảng trong xóm tiếng heo bị chọc huyết kêu inh ỏi trong tầm thời gian 3, 4 giờ sáng. Thợ làm heo là những thanh niên lực điền trong xóm với mức thù lao là vài ký thịt, mỡ... Tờ mờ sáng, bà con hàng xóm lục đục kéo đến, người thì chia vài ký thịt, người chia vài ký mỡ, người chia mớ lòng non, tim, gan, phèo, phổi... một loáng là hết sạch. Tiền “chia” thịt được quy ra lúa và gia chủ “chịu khó” cho người vác lúa về. Số tiền bán được mua bánh mứt, thèo lèo - cứt chuột (kẹo đậu phộng trắng và đen) và những nhu yếu phẩm khác dành cho những ngày tết thêm thịnh soạn. Những ngày hàng xóm làm heo, đám trẻ nít chúng tôi mỗi khi nghe tiếng heo kêu eng éc là vội vã chui ra khỏi mùng đi coi người lớn làm heo và nhất là được ăn ké vài tô cháo huyết nóng hổi. Trong khí trời lành lạnh của buổi sớm mai, bưng tô cháo huyết bốc khói thơm lừng lựng “vừa thổi, vừa ăn” là điều hạnh phúc nhất trần đời.

“Ngày quết bánh phồng, tối coi nồi bánh tét”, là hình ảnh của vùng quê ngày trước. Cứ vào tầm 4, 5 giờ sáng, tiếng quết bánh phồng nhịp chày đôi “cùm - cụp, cùm - cum” khiến đám trẻ chúng tôi nôn nao đến lạ thường. Hình ảnh những chiếc bánh phồng tròn trịa như mặt trăng được phơi lên những chiếc chiếu còn mới tinh đã trở thành huyền tích trong những vùng quê hôm nay. Bánh phồng quết xong thì cũng bắt đầu giai đoạn gói bánh tét. Có thể nói, đây là công việc của giới “chân yếu, tay mềm”. Những tàu lá chuối được rọc ra, phơi cho héo héo từ buổi sáng, được trải ra để từ từ với những công đoạn đòi hỏi sự khéo léo của những người phụ nữ chân quê. Những đòn bánh tét được thực hiện khá đơn giản với lớp nếp bao quanh nhân mỡ, hành, đậu xanh hoặc chuối xiêm chín, bên ngoài bọc lớp lá chuối có dây lát buộc chặt. Tuổi thơ của tôi, tết năm nào tôi cũng được ngồi “canh me” nồi bánh tét trong đêm khuya. Mặc dù trời đã khuya nhưng trong cái không khí ấm áp của mùa xuân, nội thường kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về những cái tết xưa, về chuyện giặc giã tản cư, vùng quê nội ngày trước... Đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên được những giây phút ngồi canh nồi bánh cùng với bà và những câu chuyện mà bà đã gieo vào tuổi thơ tôi...

Những năm đó, dù “thiếu ăn, thiếu mặc” nhưng lại là những cái tết vui “nhứt xứ Ba Xuyên”. Sau 1975, hàng hóa vải vóc khan hiếm, bọn trẻ chúng tôi tuy chỉ có duy nhất một bộ đồ đẹp vào dịp tết, nhưng rất vui. Vì vừa được mặc đồ mới, vừa được ăn ngon, đi chơi và quậy phá thả ga. Với bộ đồ “nhứt y, nhứt quỡn”, chúng tôi ngày ngày, cứ hết đảo “đầu trên, xóm dưới”, thì cuốc bộ ra chợ la cà với đám bạn học đi chúc tết thầy, cô. Với số tiền lì xì rủng rỉnh trong túi, đôi khi hứng chí kéo nhau lên xe đò ra tuốt thị xã chen lấn mua vé coi phim. Coi ở rạp này vừa xong thì kéo qua rạp khác... Nhớ chiếc ghế trong rạp Hòa An, Nhị Trưng sao mà cứ phập phều, khiến mấy đứa “hai lúa” tụi tôi ngồi mà cứ sợ bật ngửa ra sau. La cà mãi cho tới 5, 6 giờ mới kéo nhau băng tắt đường đồng đi về vì hết xe.

Ngày nay, những sinh hoạt, vui chơi “ba ngày tết” đa dạng hơn nhiều, nên hồn tết có phần nhạt nhưng cũng còn lưu giữ nhiều nét xưa. Cái đọng lại của ngày xưa trong hồn tết hôm nay đó là cái thú sắm tết, chơi cây cảnh và hoa ngày tết, là xin chữ cầu phúc tài lộc, là chỉnh trang bàn thờ cúng gia tiên, là thời khắc quần tụ cùng nhau chào đón giao thừa, là trao nhau những lời chúc tốt đẹp năm mới, là mừng tuổi người già và trẻ nhỏ... Những nét văn hóa đó là hồn tết được trao truyền từ muôn xưa đến nay chưa hẳn đã phôi phai và không dễ gì bị đánh mất. Và có một điều rằng, hình như càng hiện đại, người ta lại có nhu cầu tìm về và phục dựng cái truyền thống, bởi chỉ có thế mới níu giữ được ký ức dân tộc, mới thấy thiêng liêng hơn trong cuộc sống đời thường.

THIÊN LÝ

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: