• Biển đảo quê hương

ASEAN cần hợp tác để yêu cầu luật pháp quốc tế thực thi trên Biển Đông

30/08/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Điện tử VOV
  • Thứ Sáu, 30/08/2019 | 06:00

Chuyên gia Biển Đông Vũ Thanh Ca chia sẻ ý kiến về sự vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên biển Đông.

Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Dư luận lo ngại các hành vi vi phạm của Trung Quốc trên Biển Đông làm suy giảm lòng tin, gia tăng căng thẳng, dẫn tới nguy cơ mất an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không.

PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. (Ảnh: EVN).

Phóng viên VOV đã phỏng vấn PGS.TS Vũ Thanh Ca, nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và khoa học công nghệ, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phân tích về những hành động phi pháp này của Trung Quốc:

PVXin ông cho biết những nguy cơ nào đặt ra cho khu vực liên quan đến việc Trung Quốc gần đây có hành vi xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông?

TS Vũ Thanh Ca:  Khu vực mà Trung Quốc xâm phạm vào vùng biển Việt Nam là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở phía đông nam của Biển Đông. Thực ra, hiện nay, trong thời điểm này, các nước ASEAN và Trung Quốc đang đàm phán để ký kết Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Quan điểm của các nước ASEAN và Việt Nam mong muốn COC này phải tuân thủ luật pháp quốc tế, tuy vậy Trung Quốc lại không muốn tuân thủ luật pháp quốc tế, mà chỉ là quy định giữa Trung Quốc và khu vực, loại những nước bên ngoài khu vực ra khỏi những hoạt động ở Biển Đông.

Trước khi có phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về vụ kiện Biển Đông giữa Philipines và Trung Quốc, thì Trung Quốc có các chiến thuật. Ví dụ như chiến thuật “Tằm ăn lá dâu”, từng bước gặm nhấm và chiếm trọn Biển Đông hay thứ hai là chiến thuật “Cây bắp cải”, tức là dùng rất nhiều lực lượng cho các lớp khác nhau để mà bao vây, khu lập, vô hiệu hóa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các nước Đông Nam Á, có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

Thứ ba nữa là chiến lược Vùng xám, tức là Trung Quốc dùng tất cả các lực lượng dân sự để o ép các nước. Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế đã vô hiệu hóa chiến lược “Tằm ăn lá dâu” của Trung Quốc, tức là khẳng định rõ ràng rằng không có cơ sở pháp lý để cho tuyên bố chủ quyền trong đường lưỡi bò của Trung Quốc, và các đảo trên khu vực quần đảo Trường Sa là không có vùng đặc quyền kinh tế và toàn bộ các đảo này không tạo thành một vùng biển để mà tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế như một thể thống nhất.

Do vậy, Trung Quốc nghiên cứu thay đổi chiến thuật của mình và chiến thuật lần này của Trung Quốc là sử dụng chiến thuật “Cây bắp cải” và chiến thuật Vùng xám.

PVTheo đánh giá của ông, với hành vi điều tàu khảo sát  Hải dương Địa chất 8 trở lại Bãi Tư Chính, mục tiêu của Trung Quốc là gì?

TS Vũ Thanh Ca: Mục tiêu thực sự của Trung Quốc là cô lập Việt Nam để lấy Việt Nam làm tấm gương cho các nước khác nhằm đạt lợi thế trong đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, tạo điều kiện cho Trung Quốc có khả năng hoạt động trong tương lai.

Hoạt động của Trung Quốc cực kỳ nguy hiểm cho khu vực, bởi nó làm suy giảm lòng tin. Hiện nay, muốn đàm phán COC thành công và trên cơ sở của luật pháp quốc tế thì tất cả các quốc gia phải tin tưởng vào nhau, phối hợp với nhau để cùng xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử công bằng và hợp lý nhất và chỉ có thể đàm phán trung thực trên cơ sở lòng tin với nhau thì mới có thể đạt tới kết quả.

Cách làm của Trung Quốc sẽ làm phá vỡ tiến trình COC, đồng thời ảnh hưởng tới an ninh an toàn hàng hải, tự do hàng hải hàng không trên khu vực Biển Đông, ảnh hưởng tới toàn khu vực và thậm chí là toàn thế giới.

Bởi vì chúng ta biết, Biển Đông là một nơi có tới gần một nửa lượng hàng hóa trên thế giới vận chuyển qua Biển Đông và những cường quốc trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc có lượng hàng hóa vận tải qua Biển Đông cực lớn, nên sự gián đoạn của lượng hàng hóa qua Biển Đông có thể gây bất ổn cho kinh tế khu vực và thậm chí suy thoái toàn cầu.

PVĐây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, trước đó Trung Quốc đã hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam năm 2014. Đánh giá thế nào về sự nghiêm trọng và mức độ vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc lần này ?

TS Vũ Thanh Ca: Lần này khu vực Trung Quốc vi phạm cách xa cực nam của đảo Hải Nam tới 600 hải lý. Theo giới hạn tối đa của thềm lục địa quốc tế theo UNCLOS là 350 hải lý nhưng phải là thềm lục địa thoai thoải ra phía ngoài. Do vậy hoàn toàn không có cơ sở nào để Trung Quốc nói rằng đây là vùng biển tranh chấp.

Tuyên bố về cái gọi là đường 9 đoạn đã bị phán quyết của tòa trọng tài vô hiệu hóa năm 2016 nên việc vi phạm của Trung Quốc cực kỳ nghiêm trọng và nghiêm trọng hơn trong bối cảnh Trung Quốc và các nước liên quan đang đàm phán COC, kêu gọi giữ hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

PVCác quốc gia trong khối ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Philippines… cần phải phối hợp như thế nào để đối phó với các hành vi của Trung Quốc hiện nay, thưa Tiến sĩ Vũ Thanh Ca?

TS Vũ Thanh Ca: Đường lưỡi bò của Trung Quốc vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác xung quanh Biển Đông như Malaysia, Philippines, Bruney.

Riêng đối với Indonesia, vùng biển phía bắc đảo Matrona là khu vực cực kỳ giàu hải sản, cách cực nam đảo Hải Nam gần 800 hải lý thế nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố đó là vùng biển của Trung Quốc. Đường lưỡi bò chồng lấn một cách phi pháp lên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước và Trung Quốc gọi phần chồng lấn phi pháp đó là tranh chấp chủ quyền.

Tôi cho rằng các nước trong khối ASEAN phải nhận thức được vấn đề này và cùng nhau hợp tác để yêu cầu luật pháp quốc tế được thực thi trên Biển Đông.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quỳnh Hoa/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: