• Biển đảo quê hương

Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017 - 2021:

Đưa pháp luật đến vùng biên giới biển

28/10/2019 11:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 28/10/2019 | 11:00

STO - Xác định tầm quan trọng của Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng biên giới, hải đảo, Đồn Biên phòng Trung Bình, BĐBP Sóc Trăng thường xuyên phối hợp với địa phương tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao từ nhận thức đến hành động cho cán bộ, nhân dân, đặc biệt là ngư dân đang khai thác, đánh bắt trên biển.

Lực lượng biên phòng trực tiếp đến các gia đình để nhắc nhở thực hiện quy định khi ra khơi đánh bắt. Ảnh: Phước Liêu

Để hành động đúng pháp luật

Theo đại úy Nguyễn Huỳnh Nhanh - Chính trị viên phó, kiêm Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Trung Bình, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhân dân vùng biên giới biển được đơn vị thực hiện thường xuyên và nghiêm túc. Điển hình là từ đầu năm 2019 đến nay, đồn đã phối hợp tuyên truyền Luật Quốc phòng, Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo năm 2018; tuyên truyền quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác biên phòng; các nghị định, hiệp ước, quy chế biên giới, các công ước có liên quan đến biên giới biển, đảo...

Tỉnh Sóc Trăng hiện có trên 1.000 tàu đánh cá, trong đó huyện Trần Đề có 540 phương tiện, nhiều nhất là ở thị trấn Trần Đề và xã Trung Bình, đây là địa bàn biên giới biển do đồn quản lý. Từ đó, Đồn Biên phòng Trung Bình cũng đặc biệt chú trọng tuyên truyền Nghị định số 71/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định gồm 4 chương, 30 điều quy định chi tiết, cụ thể về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển, cũng như trách nhiệm của các cơ quan, các tổ chức và cá nhân trong xây dựng, quản lý và bảo vệ khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Ông Trần Văn Xếp ở thị trấn Trần Đề chia sẻ: “Hiện nay, tôi đã nắm vững các quy định, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản. Nhận biết được vị trí đường ống dẫn khí nằm dưới đáy biển nhằm phòng ngừa, tránh các hoạt động gây mất an ninh, an toàn và nguy cơ cháy nổ cho đường ống”. Ông Xếp cũng thông tin rằng, trong quá trình khai thác, hoạt động, ngư dân luôn phối hợp chặt chẽ với biên phòng, nếu phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật trên biển cũng kịp thời thông báo để lực lượng chức năng ngăn chặn, xử lý.

Nỗ lực phối hợp gỡ “thẻ vàng”

Trong bối cảnh Ủy ban châu Âu (EC) đã ra cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu của Việt Nam vào 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành ven biển tập trung vào cuộc chỉ đạo, quyết liệt thực hiện các giải pháp cấp bách để khắc phục các khuyến nghị của EC. Sóc Trăng có nghề khai thác biển khá phát triển cũng chịu ảnh hưởng chung, đòi hỏi phải có sự chuyển đổi theo hướng nghề cá có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn đã xây dựng nhiều giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả 4 nhóm kiến nghị như: hoàn thiện khung pháp lý; theo dõi hệ thống giám sát; thực thi pháp luật; thực hiện công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Đồng thời, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 87 đối với việc triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với từng kích cỡ tàu đánh bắt khác nhau, thời gian hoàn thành lắp đặt chậm nhất là đến ngày 1-4-2020.

Đồn Biên phòng Trung Bình đã phối hợp với Chi cục Thủy sản Sóc Trăng và địa phương tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, vận động, phổ biến đến ngư dân về các cảnh báo “thẻ vàng”, Luật Thủy sản năm 2017, các quy định và chế tài xử phạt đối với tàu không lắp thiết bị giám sát hành trình, lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như cung cấp danh mục các đơn vị chuyên cung cấp thiết bị và dịch vụ giám sát hành trình tàu cá uy tín, chất lượng cho ngư dân… Đặc biệt, khi chủ phương tiện đến trạm kiểm soát biên phòng làm thủ tục xuất bến đều được cán bộ cục hướng dẫn, nhắc nhở ghi nhật ký hành trình khi đánh bắt.

Anh Nguyễn Trường Giang - chủ tàu cá Trường Giang đồng tình với việc gắn thiết bị giám sát: “Tôi thấy việc lắp đặt hệ thống giám sát hành trình rất có lợi ích. Vì ngư dân chúng tôi có lúc còn chưa nắm rõ được các vị trí, tọa độ cũng như khu vực nguy hiểm. Mặt khác, mình là chủ phương tiện, có lúc không trực tiếp tham gia đánh bắt thì cũng kiểm tra được tàu đang hoạt động tại khu vực nào thông qua phần mềm được kết nối trên điện thoại di động nên yên tâm hơn”.

Đại úy Nguyễn Huỳnh Nhanh cho biết, công tác phối hợp tuyên truyền được đồn thực hiện bằng nhiều hình thức như phát tờ rơi, áp phích, loa phát thanh và trực tiếp gặp các chủ tàu để tuyên truyền, hướng dẫn. Qua tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát, nhận thức của ngư dân và doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Đến thời điểm này không có tàu cá của địa phương vi phạm về khai thác bất hợp pháp vùng biển nước ngoài. Những việc làm này đã góp phần đảm an toàn cho ngư dân, đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển
1. Xây dựng, lắp đặt trái phép các công trình, thiết bị hoặc có hành vi gây tổn hại đến sự an toàn của công trình biên giới.
2. Thải, nhấn chìm hay chôn lấp các loại chất độc hại, chất thải công nghiệp, chất thải hạt nhân hoặc các loại chất thải độc hại khác gây ô nhiễm môi trường; bắn, phóng, thả các chất gây hại hoặc có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, sức khỏe của con người, môi trường, an toàn xã hội.
3. Nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
4. Tổ chức, chứa chấp, dẫn đường, chuyên chở người xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh trái phép.
5. Luyện tập, diễn tập với bất kỳ kiểu, loại vũ khí nào, dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam.
6. Bay vào vùng cấm bay; bắn, phóng, thả các phương tiện bay có nguy cơ gây hại cho quốc phòng, an ninh, kinh tế, an toàn hàng không; hạ xuống các tàu thuyền, vật thể trái với quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Quay phim, chụp ảnh, vẽ cảnh vật, ghi hình, thu phát vô tuyến điện ở khu vực hạn chế hoạt động, vùng cấm.
8. Khai thác, trục vớt tài sản, đồ vật, cổ vật khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.
9. Mua bán, trao đổi, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma túy, hàng hóa, vật phẩm cấm lưu hành, kim khí quý, đá quý, ngoại hối; đưa người, hàng hóa lên tàu thuyền hoặc từ tàu thuyền xuống trái phép.
10. Phương tiện đường thủy neo, trú đậu không đúng nơi quy định hoặc làm cản trở giao thông hàng hải, đường thủy nội địa trong khu vực biên giới biển nếu nơi đó quy định về neo, trú đậu.
Hành vi được coi là khai thác thủy sản bất hợp pháp
1) Khai thác thủy sản không có giấy phép;
2) Khai thác thủy sản trong vùng cấm khai thác, trong thời gian cấm khai thác; khai thác, vận chuyển thủy sản cấm khai thác; khai thác loài thủy sản có kích thước nhỏ hơn quy định; sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm;
3) Khai thác trái phép loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm;
4) Khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển thuộc quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực, quốc gia và vùng lãnh thổ khác;
5) Khai thác thủy sản vượt sản lượng theo loài, khai thác sai vùng, quá hạn ghi trong giấy phép;
6) Che giấu, giả mạo hoặc hủy chứng cứ vi phạm quy định liên quan đến khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
7) Ngăn cản, chống đối người có thẩm quyền thực hiện kiểm tra, giám sát sự tuân thủ các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản;
8) Chuyển tải hoặc hỗ trợ cho tàu đã được xác định có hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, trừ trường hợp bất khả kháng;
9) Không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ hoặc không vận hành thiết bị thông tin liên lạc và thiết bị giám sát hành trình theo quy định;
10) Không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định;
11) Tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam thủy sản, sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác thủy sản bất hợp pháp;
12) Không ghi, ghi không đầy đủ, không đúng, không nộp nhật ký khai thác thủy sản, không báo cáo theo quy định;
13) Sử dụng tàu cá không quốc tịch hoặc mang quốc tịch của quốc gia không phải là thành viên để khai thác thủy sản trái phép trong vùng biển quốc tế thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực;
14) Sử dụng tàu cá để khai thác thủy sản không theo quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong vùng biển quốc tế không thuộc thẩm quyền quản lý của tổ chức quản lý nghề cá khu vực.

Phước Liêu

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: