• Biển đảo quê hương

Gian nan nhiệm vụ giữ màu xanh cho Trường Sa

15/07/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
  • Thứ Hai, 15/07/2019 | 06:00

Do khí hậu khắc nghiệt và thổ nhưỡng khá đặc biệt nên việc trồng cây xanh trên đảo Trường Sa gặp không ít khó khăn. Để duy trì, chăm sóc cây xanh phát triển tốt, cán bộ, chiến sĩ công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã đầu tư rất nhiều công sức.

Chúng tôi đến thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), nơi được coi là "cái nôi" của cây bàng quả vuông. Các thành viên trong đoàn công tác có nhã ý muốn xin một ít quả bàng vuông mang về đất liền làm quà và làm giống. Trung tá Lê Trọng Thông, Chính trị viên đảo Trường Sa Lớn chỉ vào mấy gốc bàng cổ thụ vừa được tái sinh, cho biết: “Những gốc bàng lớn thế này mà trận bão cuối năm 2017 đã quật ngã hết. Bão tan, chúng tôi huy động nhân lực tỉa cành, dựng cây, trồng lại. Tuy nhiên, số cây bàng quả vuông còn lại sau mỗi trận bão không nhiều". Lý giải về vấn đề cây bàng quả vuông dễ bị bão làm tốc rễ, những người sống lâu năm ở đảo đều cho rằng: Do lượng đất màu phía trên mỏng, còn phía dưới toàn san hô nên rễ cây chỉ bám vào lớp đất màu bên trên. Vì thế, khi có gió lớn, cả mảng rễ cây và lớp đất màu sẽ bị tốc lên. Cây ở Trường Sa chỉ phát triển tốt ở giai đoạn đầu, sau đó chững lại. Nguyên nhân do lượng đất màu ở Trường Sa không nhiều.

Ươm trồng hoa muống biển của cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa.

Ban chỉ huy đảo giới thiệu chúng tôi xuống Cụm chiến đấu 2, một trong những đơn vị có phong trào trồng cây xanh trên đảo tốt nhất. Trung tá Bùi Văn Đệ, Chính trị viên Cụm chiến đấu 2 chia sẻ: “Để duy trì được màu xanh trên đảo, hằng năm và những quý, tháng cao điểm, chi bộ đều đưa nội dung trồng, chăm sóc cây xanh vào nghị quyết lãnh đạo; đồng thời giao đoàn thanh niên có chương trình hành động cụ thể hằng tháng, hằng tuần. Đối với Chi đoàn Cụm chiến đấu 2, chỉ tiêu hằng tuần mỗi người 20 gốc, bao gồm từ khâu chiết cành (nhân giống), đào hố, trồng và chăm sóc”. Theo các đồng chí trong Ban chỉ huy Cụm chiến đấu 2, khó nhất trong quy trình trồng và chăm sóc cây là nguồn nước tưới. Vì thế, nhiều cách làm rất sáng tạo của bộ đội trong việc tích trữ, tiết kiệm nước vừa phục vụ sinh hoạt, vừa dùng để tưới cây. Mùa mưa, tranh thủ khi đất còn mềm, đơn vị tổ chức cho anh em đào hố sẵn, sau đó ủ phân xanh và phủ độn, làm tơi xốp đất bằng các loại cỏ rác, khi cây giống ra rễ, thời tiết phù hợp sẽ tổ chức trồng. 

Chúng tôi đến đảo Đá Tây, một đảo có diện tích cần trồng cây xanh khá lớn. Dạo quanh đảo một vòng, chúng tôi thấy đất quanh đảo còn nguyên sơ, cằn cỗi. Vì vậy, để trồng được cây cần rất nhiều công sức của cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Trong lúc lượng cây xanh trên đảo chưa nhiều, nên việc chiết cây giống từ cành, ươm cây từ quả cũng hết sức khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Văn Tứ, Chính trị viên đảo cho biết: “Theo dự kiến, trước mắt chúng tôi cần khoảng 500 cây trồng các loại để phủ xanh đảo. Về giống phải dựa vào nguồn xã hội hóa và sự điều tiết giống giữa các đảo của quân chủng. Hiện nay, trên đảo đang trồng chủ yếu các loại cây bản địa, như: Cây bàng quả vuông, bàng ta, cây tra, phong ba, cây mù u và muống biển… Cũng có một số cây được đất liền đưa ra trồng phát triển tương đối tốt, như: Phi lao, hoa giấy… Vì thế, chúng tôi hy vọng nhận được sự hỗ trợ cây giống từ đất liền”. Để tạm thời khắc phục và hạn chế cây đổ khi dông bão, theo Trung tá Nguyễn Văn Tứ, khi trồng cây, ngoài lượng đất và phân bảo đảm cho cây phát triển, cần chèn các cục san hô đủ lớn làm điểm tựa cho rễ cây, để khi có gió lớn cây không bị bật gốc, ngoài ra khi cây đã phát triển phải thường xuyên cắt tỉa cành, không để cành quá rậm rạp, cản gió.

Từ ý kiến của cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, cũng như thực tế khảo sát của chúng tôi, hiện nay các đảo rất cần những loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên đảo. Điều này cần sự vào cuộc của các nhà khoa học, các viện nghiên cứu về cây trồng nhằm tìm ra những giống cây phù hợp để “thuần hóa” những giống cây trồng bản địa và đưa ra trồng ở quần đảo Trường Sa. Đồng thời, cần có các loại phân hữu cơ, đất trồng cây giàu dinh dưỡng, dễ sử dụng, dễ vận chuyển, cung cấp cho các đảo phục vụ tăng gia sản xuất và trồng cây xanh. Trước mắt, để Trường Sa có cây trồng và đủ cây phủ xanh cho các đảo, rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể... để Trường Sa thêm phong phú các loại cây.

Lê Anh Tần/Báo Quân đội nhân dân

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: