• Biển đảo quê hương

Ký sự:

Hành trình về địa chỉ đỏ - Kỳ 2

10/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Anh Thụy
  • Thứ Sáu, 10/02/2017 | 06:00

Trại Phú Hải - Địa ngục trần gian

Côn Đảo - hẳn đó là hai tiếng gợi lên trong lòng không ít người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế hình ảnh về một địa ngục trần gian - nơi thân xác và nhân phẩm của con người bị chà đạp đến tận cùng trong những “trại cải huấn”. Những nhà tù ghê rợn vẫn còn đó, vết thương chiến tranh vẫn còn trong thân xác và cả tâm hồn những cựu tù. Nhưng Côn Đảo không phải là nơi chỉ để đến và cảm nhận quá khứ đau thương, bi hùng và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của bao lớp chiến sĩ cộng sản yêu nước mà Côn Đảo còn được ban cho sự hấp dẫn bởi thiên nhiên và con người hiếu khách nơi đây, là một thực thể tồn tại của quá khứ và hiện tại, của địa ngục và thiên đường…

Ngày thứ hai ở Côn Đảo, chúng tôi bắt đầu với việc đến tham quan các “trại cải huấn” - theo cách gọi hoa mỹ của Mỹ - Ngụy, trong khi thực chất là những nhà tù, nơi hành hạ thân xác và cả tâm hồn con người đến độ khiến người ta có cảm tưởng ước gì chúng chưa từng tồn tại trên thế gian này. Trong lịch sử 113 nhà tù Côn Đảo, chính quyền thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập tại đây. Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, chức năng của hệ thống nhà tù ở Côn Đảo bị giải thể. Năm 1979, Khu di tích lịch sử Côn Đảo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích quốc gia, với 17 di tích thành phần. Đi cùng đoàn chúng tôi trong ngày hôm đó là anh Đỗ Quốc Vương - thuyết minh viên của Ban Quản lý Di tích Côn Đảo.

Thanh niên Sóc Trăng trước Trại Phú Hải. Ảnh: ANH THỤY

Điểm đến đầu tiên của đoàn là trại Phú Hải, được xây dựng từ năm 1862, còn có tên gọi là Lao 1 (thời Mỹ - ngụy đổi tên là trại Cộng Hòa, trại 1 rồi trại Phú Hải). Đây là trại giam lớn nhất và cổ nhất ở Côn Đảo mang đậm dấu tích tù đày khổ sai tàn ác của thực dân Pháp đối với các tù nhân chính trị. Ngay trên cổng trại là một gác canh, qua đó cũng đủ thể hiện sự canh phòng cẩn mật của địch đối với nhà tù này. Bước qua chiếc cổng hẹp, hình ảnh đập vào mắt đầu tiên không phải sự khủng khiếp mà trái lại lại trông như một công viên với cây xanh và còn có cả một nhà nguyện nữa. Đó cũng là bộ mặt mà của trại giam mà chính quyền thực dân và Mỹ ngụy muốn phơi ra để người ta nhìn thấy. Chỉ khi đi sâu vào, sự thật mới dần lộ ra.

Bằng giọng nói trầm ấm và đầy truyền cảm, anh Vương chia sẻ: “Từ năm 1896, thực dân Pháp đã cho xây dựng trại giam kiên cố tại đây với 10 phòng giam tập thể; 1 phòng giam tù đặc biệt; 2 dãy xà lim; khu lao động khổ sai đập đá; hầm xay lúa, vừa là nơi làm khổ sai (xay lúa) vừa là nơi đày ải nghiệt ngã đối với tù nhân, thời Mỹ ngụy chuyển thành bệnh xá. Ngoài ra còn có các công trình phụ, như: câu lạc bộ, phòng hớt tóc, nhà bếp, nhà ăn, giảng đường, nhà nguyện, phòng trật tự, nhà kho, văn phòng giám thị và sân vườn…”.

Trước một số khám (phòng giam) được gắn một bảng bằng đá ghi lại tên tuổi một số người tù là những chí sĩ yêu nước hoặc những nhà cách mạng và một số kỷ niệm tại khám đó. Như trên bảng đá Khám 6 ghi nội dung: “Nơi đã giam giữ các chiến sĩ cách mạng kiên cường và các sĩ phu yêu nước. Trong đó có đồng chí: Nguyễn Duy Trinh; chí sĩ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế. Thời Mỹ đây là phòng chết điển hình của trại”; hay bảng đá Khám 7 ngoài tên các tù nhân còn viết thêm dòng: “Nơi ra đời của tờ báo bí mật Tiến Lên do 2 đồng chí Phạm Hùng, Lê Văn Lương phụ trách thời kỳ 1930 - 1939”.

Hình ảnh bên trong Khám 6. Ảnh: ANH THỤY

Bước đến gần cửa của Khám 6, anh Vương mở một cánh cửa nhỏ chừng vài tấc để lộ ra một hốc tường. Trong hốc tường là một lỗ tròn nhỏ thông vào phòng giam. Nhìn chung, các khám, phòng giam đều có cấu trúc giống nhau. Tất cả các phòng đều có hệ thống khóa hộp như thế này. Bên trong khám 6 là hệ thống cùm chân được đặt trên các bệ ngồi. Để du khách dễ hình dung quang cảnh khi nhà tù hồi còn đang hoạt động, Ban Quản lý di tích đã bố trí 95 tượng người tù trên các bục. Các tượng tù nhân được khắc họa với thân thể suy nhược, tay chân khẳng khiu và ánh mắt như nhìn xa xăm. Họ đang nhìn gì, đang nghĩ gì? Phải chăng những con người vĩ đại đó vẫn lo cho vận nước trong cảnh tù đày, khi “thân thể ở trong lao” nhưng “tinh thần ở ngoài lao”, vẫn một lòng hướng vế quê hương, Tổ quốc.

Anh Vương cho biết, mỗi phòng giam như vậy được thiết kế để giam giữ từ 50 đến 90 người, trong những giai đoạn cao điểm, chúng giam giữ đến 180 người. Để chứa được số tù nhân nhiều đến thế, chúng cùm xen kẽ, một tù ngồi trên bục, một tù nằm dưới đưa chân ngược lên. Những thời điểm bình thường thì tù nhân còn được đi lại trong phòng giam, khi đất liền có biến động, chúng cùm chân tất cả tù nhân có khi kéo dài vài tháng. Thời gian đó, tù nhân phải đi vệ sinh tại chỗ. Chúng bố trí 3 thùng vệ sinh để tù nhân có nhu cầu vệ sinh thì phải chuyền tay nhau. 180 con người nhưng chỉ có 3 thùng vệ sinh, hầu như không có lúc nào người tù được nghỉ ngơi vì muốn sử dụng thì phải đánh thức những người tù khác để chuyền tới cho mình.

Còn xà lim là khu biệt giam. Đây cũng là một ngón đòn trong tra tấn tâm lý của chúng, để cho những người tù bị chúng đánh giá là “cứng đầu, cứng cổ” phải giam riêng, hòng gây hoảng loạn tinh thần của họ. Tuy nhiên có những giai đoạn chúng làm ngược lại, nghĩa là xà lim thiết kế chỉ giam được từ 1 đến 2 người chúng lại giam 15 đến 20 tù nhân.

Nhà tù Côn Đảo nói chung và Trại Phú Hải nói riêng còn gắn liền với tên tuổi của những người tù và các câu chuyện đã trở thành bất hủ, mà chúng tôi xin phép sẽ mang đến cho độc giả trong kỳ sau.

ANH THỤY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: