• Biển đảo quê hương

Ký sự:

Hành trình về địa chỉ đỏ - Kỳ 3

13/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Anh Thụy
  • Thứ Hai, 13/02/2017 | 06:00

Trại Phú Hải và những người tù lừng lẫy

Côn Đảo - hẳn đó là hai tiếng gợi lên trong lòng không ít người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế hình ảnh về một địa ngục trần gian - nơi thân xác và nhân phẩm của con người bị chà đạp đến tận cùng trong những “trại cải huấn”. Những nhà tù ghê rợn vẫn còn đó, vết thương chiến tranh vẫn còn trong thân xác và cả tâm hồn những cựu tù. Nhưng Côn Đảo không phải là nơi chỉ để đến và cảm nhận quá khứ đau thương, bi hùng và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của bao lớp chiến sĩ cộng sản yêu nước mà Côn Đảo còn được ban cho sự hấp dẫn bởi thiên nhiên và con người hiếu khách nơi đây, là một thực thể tồn tại của quá khứ và hiện tại, của địa ngục và thiên đường…

Nhiều bảng đá gắn trước phòng giam đều có tên một người tù đặc biệt - đồng chí Tôn Đức Thắng. 15 năm ở địa ngục trần gian Côn Đảo là quãng thời gian thử thách khắc nghiệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng, nhưng đó cũng là quãng đời đầy vinh quang khi Bác Tôn thực sự biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng.

Nhắc đến Bác, không thể không nhắc đến chế độ cặp rằng (caporal) hầm xay lúa. Để đày đọa người tù, thực dân Pháp bắt lao động khổ sai trong hầm xay lúa nhưng hầm này lại được xây khá kín, không đảm bảo thông thoáng nên đa phần tù nhân lao động ở đây đều chết vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp hoặc bị đánh đập do không hoàn thành phần việc. Thâm độc hơn, chúng dùng “tù trị tù”, tức là lập một tù thường phạm hung hãn nhất để làm cặp rằng quản lý các tù nhân khác. Đa phần các tù thường phạm đều tranh giành vị trí cặp rằng này.

Cảnh phục dựng lao động khổ sai trong hầm xay lúa. Ảnh: ANH THỤY

Để mượn tay các tù thường phạm hòng giết chết đồng chí Tôn Đức Thắng, chúng đề nghị cho đồng chí làm cặp rằng. Tuy nhiên, khi đã trở thành cặp rằng, đồng chí phân chia công việc hợp lý, mở các lớp văn hóa và chính trị trong tù nên dần chiếm được cảm tình của các tù nhân khác. Chúng lại phải thuyên chuyển đồng chí Tôn Đức Thắng đến lao động khổ sai ở vị trí khác. Biết đồng chí Tôn Đức Thắng là một thợ sửa máy lành nghề, từng học tại Trường Cơ khí Á Châu (L’école des Mécaniciens Asiatiques) và từng làm công nhân ở nhà máy Ba Son (Sài Gòn - nay là TP. Hồ Chí Minh), chúng sắp xếp đồng chí làm việc tại Sở Lưới để chuyên sửa canô. Năm 1945, chiếc canô Bác Tôn sửa mang tên Giải Phóng được Bác cầm lái đưa một số đồng chí trong Ban lãnh đạo trở về đất liền.

Nếu hầm xay lúa gắn liền với tên tuổi đồng chí Tôn Đức Thắng thì khu đập đá khổ sai lại làm rạng danh nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh. “Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn/Lừng lẫy làm cho lở núi non…/Những kẻ vá trời khi lỡ bước/ 
Gian nan chi kể sự con con” - thân thể đang bị giam cầm và phải lao động khổ sai nhưng ý chí của người tù ấy thì “cao ngất trời” và có lẽ với ông, cái cách mỗi tảng đá vỡ ra cũng chỉ như những nụ cười hào sảng giữa đất trời biển đảo xa xôi này.

Hiện nay, khu đập đá khổ sai vẫn còn giữa lòng trại Phú Hải là một kiến trúc được xây tường dày, không mái che. Khi trở thành di tích, nơi đây đã được Ban Quản lý Di tích Côn Đảo cho gắn hai bảng lưu niệm, một viết nội dung bài thơ Đập đá ở Côn Lôn của cụ Phan Chu Trinh, một viết nội dung: “Nơi đây thực dân Pháp dùng để đày ải người tù lao động tại chỗ. Năm 1908, cụ Phan Chu Trinh đã bị phạt lao động ở khu đập đá khổ sai này…”. Cũng chính tại khu đập đá khổ sai này, năm 1918, ông tú Phạm Cao Chẩm - một nhân sĩ yêu nước và người thanh niên Nguyễn Trọng Thạc - một tướng tài (con trai của cụ Nguyễn Thiện Thuật), thủ lĩnh nghĩa quân Bãi Sậy đã hi sinh cùng 81 người tù khổ sai trong cuộc nổi dậy ngày mồng 4 tết Mậu Ngọ, dưới làn đạn súng máy do tên chúa đảo Andouard chỉ huy bắn giết.

Cũng tại phòng giam số 3 đã để lại dấu ấn với cuộc vượt ngục vô tiền khoáng hậu của đồng chí Lê Văn Việt - Trung đội trưởng 5F100 biệt động Sài Gòn - Gia Định cùng 2 bạn tử tù là đồng chí Lê Hồng Tư và Phạm Văn Dẫu. Gọi là vô tiền khoáng hậu vì với lịch sử nhà tù Côn Đảo 113 năm có rất nhiều cuộc vượt ngục xảy ra nhưng tất cả đều được tổ chức khi tù nhân đang lao động khổ sai, còn ở đây lại là vượt ngục ngay trong phòng giam, mà lại là phòng giam tù tử hình được canh gác cẩn mật hơn hẳn.

Để thực hiện vượt ngục, các đồng chí đã gồng gánh nhau lên để trổ mái nhà, quan sát hành động của cai ngục. Biết mỗi ngày có từ 5 đến 10 phút không có người canh gác do cai ngục đổi ca, các đồng chí đã tranh thủ chớp lấy thời cơ này để vượt ngục vào đêm 12-10-1966. Tổ chức vượt ngục thoát khỏi nhà giam thành công, các đồng chí tìm nơi ẩn náu chờ lúc thuận tiện để về đất liền tiếp tục hoạt động cách mạng. Tuy nhiên điều kiện khắc nghiệt của nhà tù Côn Đảo lại không có cơ sở cách mạng ẩn náu, vì thế 3 đồng chí lần lượt đã bị địch phát hiện bắt lại và đánh đập, tra tấn dã man, cộng với vết thương cũ ở bụng, đồng chí Lê Văn Việt đã hy sinh ngày 30-11-1966. Cũng chính sau cuộc vượt ngục này mà lần đầu tiên trong lịch sử nhà tù Côn Đảo, chúng phải cho giăng dây thép gai tất cả phòng giam tại Trại Phú Hải.

Còn rất nhiều người tù nổi tiếng với các câu chuyện hoặc có thể là giai thoại gắn liền với nhiều địa danh tại Côn Đảo, mà có lẽ phải thêm nhiều kỳ báo nữa cũng không thể nào kể ra hết. Hệ thống nhà tù Côn Đảo với Trung tâm cải huấn trại Phú Hải được mệnh danh là địa ngục trần gian. Tuy nhiên, hệ thống nhà tù này còn có nhiều cơ sở với các phương thức đày đọa con người còn hơn cả địa ngục mà chúng tôi xin được phép thông tin đến quý độc giả trong kỳ tiếp theo.

ANH THỤY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: