• Biển đảo quê hương

Ký sự:

Hành trình về địa chỉ đỏ - Kỳ 4

15/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Anh Thụy
  • Thứ Tư, 15/02/2017 | 06:00

Chuồng cọp kiểu thực dân Pháp - hơn cả địa ngục trần gian

Côn Đảo - hẳn đó là hai tiếng gợi lên trong lòng không ít người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế hình ảnh về một địa ngục trần gian - nơi thân xác và nhân phẩm của con người bị chà đạp đến tận cùng trong những “trại cải huấn”. Những nhà tù ghê rợn vẫn còn đó, vết thương chiến tranh vẫn còn trong thân xác và cả tâm hồn những cựu tù. Nhưng Côn Đảo không phải là nơi chỉ để đến và cảm nhận quá khứ đau thương, bi hùng và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của bao lớp chiến sĩ cộng sản yêu nước mà Côn Đảo còn được ban cho sự hấp dẫn bởi thiên nhiên và con người hiếu khách nơi đây, là một thực thể tồn tại của quá khứ và hiện tại, của địa ngục và thiên đường…

Chiếc xe lại lăn bánh đưa chúng tôi đến Chuồng cọp kiểu thực dân Pháp - một di tích thành phần của Khu di tích lịch sử Côn Đảo. Chuồng cọp là tên mà tù nhân đặt cho khu kỷ luật này, bởi khi bị giam giữ trong những phòng giam nơi đây, họ có cảm giác bị đối xử như với một con thú hơn là một con người và các phòng giam được thiết kế hệ thống dàn song sắt kiên cố phía trên, có hành lang để gác ngục kiểm soát người tù nên cảm giác không khác gì đang sống trong những chuồng trại giam thú dữ.

Đoàn viên thanh niên Sóc Trăng trên dãy hành lang Chuồng cọp kiểu Pháp. Ảnh: ANH THỤY

Được thực dân Pháp xây dựng năm 1940, với tổng diện tích hơn 5.000m2 gồm 2 dãy chuồng cọp (mỗi dãy 60 phòng có hệ thống song sắt và mái che trên đầu và 60 phòng không có mái che được bố trí thành 4 dãy mà chúng gọi là “phòng tắm nắng”). Chuồng cọp được thiết kế không có cổng chính, chỉ có lối nhỏ thông sang Banh III (trại Phú Tường) và Banh III phụ (trại Phú Thọ). Các lối đi này thường được kịp thời ngụy trang che giấu khi địch hay tin có đoàn khách lạ đến Côn Đảo.

Năm 1962 - 1963, Mỹ ngụy cho xây thêm trại 5 che chắn phía trước và cũng có lối nhỏ thông sang Chuồng cọp. Khi bị đưa vào Chuồng cọp, thường tù nhân bị đánh đập ngất xỉu hoặc gác ngục dùng dùi cui ấn trên đầu, buộc phải lầm lũi bước đi không được ngó qua lại hay ngước nhìn nơi khác, điều này đã làm cho người tù bị mất phương hướng, không xác định mình bị giam ở trại nào. Như vậy qua các giai đoạn lịch sử, Chuồng cọp kiểu Pháp đã được xây dựng hoàn chỉnh và che chắn bởi 3 khu trại giam và vì không có cổng chính nên sự tồn tại của Chuồng cọp đã được chúng bưng bít trong suốt 30 năm (1940 - 1970).

Quang cảnh bên trong một “chuồng cọp”. Ảnh: ANH THỤY

Tù nhân trong 2 dãy chuồng cọp không lúc nào được yên, bởi luôn có những cai ngục đi lại ở dãy hành lang phía trên nhìn xuống. Chúng có thể tra tấn người tù bất cứ lúc nào bằng cách rải vôi bột và dội nước từ trên xuống. Những lúc đó, người tù muốn chạy cũng không có đường để chạy mà phải nhanh chóng cởi sạch quần áo trên người để hạn chế mức thấp nhất bị vôi bột thấm vào người tác dụng với nước gây phản ứng hóa học sinh nhiệt. Không chỉ vậy, chúng còn dùng sào nhọn bịt đồng để từ trên đâm xuống bất cứ lúc nào như cách người ta đối xử với thú dữ.

Có lẽ, khi tham quan hệ thống chuồng cọp này, không ai còn có thể nghĩ rằng những người tù được đối xử như con người. Còn tôi, tôi lại nhìn thấy, chính những người cai ngục cũng đã đánh mất nhân cách của mình. Liệu rằng họ có còn là con người khi cư xử với đồng loại như thế? Chính những con người đó, phải chăng cũng đáng để thương cảm khi sống trong môi trường đó, họ đã đánh mất bản vị con người.

Còn ở những “phòng tắm nắng”, cách tra tấn chính là lợi dụng sức nóng của mặt trời để phơi người tù. Các phòng này không có mái che nên trước khi nhốt tù nhân vào, 4 tên cai ngục sẽ đè tù nhân xuống và đánh vào các huyệt ở tay, chân nhằm làm họ mất sức không thể leo trèo được. Anh Đỗ Quốc Vương - thuyết minh viên của Ban Quản lý Di tích Côn Đảo cho biết: “Giai đoạn năm 1952, hàng ngày tại Chuồng cọp kiểu Pháp này có từ 10 đến 15 người tù chết vì những ngón đòn tra tấn của chúng”.

Phục dựng hoạt cảnh nữ tù đấu tranh bằng hình thức mổ bụng. Ảnh: ANH THỤY

Năm 1969, ngụy quyền Sài Gòn đày ra 342 nữ tù và 2 cháu bé giam tại Chuồng cọp Côn Đảo. Họ cũng bị đối xử không khác gì nam tù, nhiều lần gác ngục đàn áp bằng vôi bột và sào nhọn bịt đồng… Ngoài ra, chúng còn lợi dụng đặc điểm sinh lý của phụ nữ để đày ải, hình phạt tồi tệ nhất là không cho nước tắm rửa, không cho thùng vệ sinh… Các nữ tù đã liên tiếp đấu tranh từ thấp đến cao bằng các hình thức: hô la, tuyệt thực, mổ bụng. Để thực hiện mổ bụng, các nữ tù đã dùng chiếc thẻ bài ghi số hiệu tù nhân được mài bén. Đó là hình thức đấu tranh cao nhất và tận cùng của nữ tù Côn Đảo - là ngọn cờ hiệu triệu dũng cảm nhất, kiên quyết nhất làm cho địch phải khiếp sợ, góp phần động viên cho toàn đảo.

Năm 1970, từ Chuồng cọp, 5 học sinh, sinh viên được thả về Sài Gòn, họ đã tố cáo chế độ Chuồng cọp Côn Đảo. Tháng 7-1970, đoàn dân biểu Mỹ ra Côn Đảo, phát hiện Chuồng Cọp và tận mắt chứng kiến cảnh tù nhân bị đày đọa, hành hạ cấm cố ở đây. Tình hình đó đã buộc ngụy quyền phải tháo dỡ một phần Chuồng cọp và không sử dụng nữa. Tuy nhiên, phá dỡ Chuồng cọp kiểu Pháp không bao lâu thì chúng lại cho xây dựng hệ thống trại Phú Bình mà người tù đặt biệt danh là Chuồng cọp kiểu Mỹ. Đến đây, chúng tôi xin phép cùng độc giả tiếp tục cuộc hành trình trong kỳ kế tiếp.

ANH THỤY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: