• Biển đảo quê hương

Ký sự:

Hành trình về địa chỉ đỏ - Kỳ 5

17/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Anh Thụy
  • Thứ Sáu, 17/02/2017 | 06:00

Chuồng cọp kiểu Mỹ, Chuồng bò và lời cáo chung cho 113 năm nhà tù Côn Đảo

Côn Đảo - hẳn đó là hai tiếng gợi lên trong lòng không ít người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế hình ảnh về một địa ngục trần gian - nơi thân xác và nhân phẩm của con người bị chà đạp đến tận cùng trong những “trại cải huấn”. Những nhà tù ghê rợn vẫn còn đó, vết thương chiến tranh vẫn còn trong thân xác và cả tâm hồn những cựu tù. Nhưng Côn Đảo không phải là nơi chỉ để đến và cảm nhận quá khứ đau thương, bi hùng và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của bao lớp chiến sĩ cộng sản yêu nước mà Côn Đảo còn được ban cho sự hấp dẫn bởi thiên nhiên và con người hiếu khách nơi đây, là một thực thể tồn tại của quá khứ và hiện tại, của địa ngục và thiên đường…

Sau khi tháo dỡ Chuồng cọp kiểu Pháp, chính quyền Mỹ ngụy nhanh chóng xây dựng hệ thống trại Phú Bình mà người tù đặt biệt danh là Chuồng cọp kiểu Mỹ với 384 phòng giam chia thành 4 khu: AB, CD, EF, GH; mỗi khu có 2 dãy, mỗi dãy 48 phòng biệt lập. Năm 1971, Trại Phú Bình xây dựng hoàn thành và được chúng đưa vào sử dụng. Đây là một trại giam điển hình kiểu Mỹ, do chuyên gia Mỹ thiết kế xây dựng, trên có song sắt tương tự như Chuồng cọp kiểu Pháp nhưng không có hành lang bên trên, mái lợp bằng tôl ximăng rất thấp, trời nắng hắt xuống như thiêu như đốt.

Lối vào Chuồng cọp kiểu Mỹ. Ảnh: THẾ BẰNG

Nếu ở Chuồng cọp kiểu Pháp, cách tra tấn chủ yếu là về thân thể thì tại Chuồng cọp kiểu Mỹ, người tù lại bị tra tấn khủng khiếp về tinh thần. Tại đây, tù nhân không còn bị cùm chân nhưng trong phòng giam không có bệ, tù nhân phải nằm dưới nền nhà hứng chịu khí ẩm ướt, khí đất xông lên khi về khuya. Tù nhân phải tiểu tiện, đi ngoài vào thùng gỗ, mỗi khi đấu tranh sẽ bị phạt không cho đổ thùng vệ sinh vài hôm hay kéo dài hàng tuần lễ hoặc lâu hơn nữa… Phân và nước tiểu bê bết trên mình của 8 đến 10 người tù trong một phòng biệt giam khoảng 5m2, chưa kể buổi trưa nắng oi bức với mùi ô uế xông lên.

Đã hơn 40 năm kể từ khi hệ thống nhà tù Côn Đảo bị giải thể nhưng khi bước đến khu Chuồng cọp này, cái cảm giác rờn rợn như vẫn còn đó. Với lối thiết kế này, ngay cả khi không có người ở thì mùi ẩm mốc cũng làm cho khách tham quan cảm thấy khó chịu. Thật không thể hình dung được khi còn đang sử dụng với chức năng làm phòng giam, với ngần ấy con người và các thứ mùi (hơi người, phân, nước tiểu) trộn lẫn làm sao người ta có thể sống được. Nhìn vào những dãy nhà lạnh lùng vẫn còn đó, chúng tôi mường tượng về cảnh khi nhà tù đang hoạt động. Cảnh quan đó càng khủng khiếp bao nhiêu thì nghị lực và ý chí sống của những người tù càng trở nên kiên cường bấy nhiêu.

Một trong những món đòn thâm độc của địch là tra tấn tù nhân bằng âm thanh. Mỗi cánh cửa của mỗi phòng giam đều thiết kế một cửa kéo nhỏ chừng vài tấc để cai ngục có thể kéo lên nhìn vào bên trong. Chúng thường mở cánh cửa sắt ra kiểm tra rồi đóng dập lại thật mạnh, tiếng vang dội lên đinh tai nhức óc khi lần lượt 48 phòng giam trong 1 dãy và liên tiếp 8 dãy với 384 lần dội vào đầu vào lồng ngực của tù nhân. Chưa cần đến đòn roi, tù nhân cũng chết dần chết mòn bởi lối kiến trúc này.

Di tích Khu biệt lập Chuồng bò. Ảnh: ANH THỤY

Để chứng minh cho sự kinh khủng của hình thức tra tấn bằng âm thanh, anh Đỗ Quốc Vương - thuyết minh viên của Ban Quản lý Di tích Côn Đảo bước đến một cánh cửa phòng giam, đẩy cửa quan sát lên rồi nhanh chóng dập mạnh xuống. Chúng tôi đang đứng ngoài phòng giam nhưng cái âm thanh chát chúa đó vang lên như trong một hộp cộng hưởng làm người ta cảm thấy tức ngực. Một vài thành viên trong đoàn chúng tôi thử lại âm thanh đó, một vài tiếng dập cửa lại vang lên và lúc này các nữ thành viên phải yêu cầu dừng hẳn việc đó vì không thể chịu đựng được.

Rời Chuồng cọp kiểu Mỹ, chúng tôi đến Khu biệt lập Chuồng bò. Với suy nghĩ sẵn trong đầu hẳn “chuồng bò” cũng là một biệt danh tù nhân đặt cho khu giam giữ này tương tự trường hợp Chuồng cọp kiểu Pháp và Chuồng cọp kiểu Mỹ. Nhưng không, Chuồng bò thực sự là khu trại chăn nuôi phục vụ cho bộ máy cai trị tù. Những năm cuối thế kỷ thứ 19, sở Chuồng bò là nơi chăn nuôi bò sữa, heo, gà, vịt, bồ câu… Thời thực dân Pháp, Chuồng bò có 9 phòng giam để giam giữ tù nhân ở sở này. Nằm kề bên là 24 hộc nuôi heo và đối diện là 2 chuồng nuôi bò và 1 hầm chứa phân, nước thải từ chuồng nuôi bò.

Sang thời Mỹ ngụy, sau khi Chuồng cọp kiểu Pháp bị phát hiện và công luận kịch liệt lên án, Chuồng bò được gấp rút sửa chữa, dẹp bỏ 24 hộc chứa heo và xây dựng lại gồm 3 khu: A, B, C. Tổng cộng có 33 phòng biệt giam. Từ năm 1973, Chuồng bò là văn phòng của Tiểu ban điều tra khai thác thuộc Ban Chuyên môn của địch. Những người tù chúng tình nghi trong hoạt động đấu tranh bị đưa về đây để khai thác. Ban Chuyên môn áp dụng nhiều hình thức điều tra tàn bạo như đánh đập bằng củi đòn, nẹp 2 thanh tre vào ống chân… Nhiều tù nhân đã bị bại liệt, tàn phế bởi đòn tra tấn và chế độ đày ải ở Chuồng bò. Anh Vương cho biết thêm: “Theo một vài nhân chứng kể lại, ngoài các hình thức tra tấn đó, bọn chúng còn đày đọa người tù bằng cách ngâm họ trong hầm chứa phân, nước thải từ chuồng nuôi bò. Đây cũng là trại giam mở cửa giải phóng cuối cùng kết thúc 113 năm “Địa ngục trần gian Côn Đảo” vào khoảng 8 giờ sáng ngày 1-5-1975”.

Hệ thống Nhà tù Côn Đảo bị giải thể cũng là lời cáo chung cho chế độ đàn áp người tù kéo dài 113 năm qua các thời đại. Một bức màn đen tối của giai đoạn lịch sử đã được kéo qua, mở ra một giai đoạn mới cho Côn Đảo - một thiên đường nghỉ dưỡng làm nao lòng biết bao du khách cả trong nước và quốc tế. Được nhiều tổ chức về du lịch của thế giới bình chọn là “điểm đến hoang sơ đầy bí ẩn”.

ANH THỤY

Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: