• Biển đảo quê hương

Ký sự:

Hành trình về địa chỉ đỏ - Kỳ 6

20/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Anh Thụy
  • Thứ Hai, 20/02/2017 | 06:00

Nghĩa trang Hàng Dương - gạch nối giữa quá khứ và tương lai

Côn Đảo - hẳn đó là hai tiếng gợi lên trong lòng không ít người Việt Nam và cả bạn bè quốc tế hình ảnh về một địa ngục trần gian - nơi thân xác và nhân phẩm của con người bị chà đạp đến tận cùng trong những “trại cải huấn”. Những nhà tù ghê rợn vẫn còn đó, vết thương chiến tranh vẫn còn trong thân xác và cả tâm hồn những cựu tù. Nhưng Côn Đảo không phải là nơi chỉ để đến và cảm nhận quá khứ đau thương, bi hùng và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của bao lớp chiến sĩ cộng sản yêu nước mà Côn Đảo còn được ban cho sự hấp dẫn bởi thiên nhiên và con người hiếu khách nơi đây, là một thực thể tồn tại của quá khứ và hiện tại, của địa ngục và thiên đường…

Ở Côn Đảo, Nghĩa trang Hàng Dương đã trở thành một điểm đến đặc biệt và là điểm đến chính trong chuyến hành trình của nhiều đoàn khách phương xa. Nghĩa trang Hàng Dương ở vào vị thế đặc biệt không chỉ vì là nơi yên nghỉ nhiều vị anh hùng liệt sĩ qua các thời kỳ mà đây còn là nơi những người tù Côn Đảo đã anh dũng chiến đấu với chế độ lao tù và sự đàn áp tàn bạo của kẻ thù; đây còn là nơi yên nghỉ của một nữ trung hào kiệt - chị Võ Thị Sáu. 

Thanh niên Sóc Trăng tại cổng chào Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: ANH THỤYt

Nghĩa địa đầu tiên của Côn Đảo được lập ở khu vực Chuồng bò (Di tích Bãi sọ người), sau dời đến Hàng Keo. Sau năm 1934 và nhất là giai đoạn năm 1941, sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã tiến hành giết hại hàng ngàn tù nhân. Nghĩa địa Hàng Keo không còn chổ chôn người chết, thực dân Pháp mới mở tiếp Nghĩa địa Hàng Dương (nay là Nghĩa trang Hàng Dương) để chôn tù.

Chúng tôi đến Nghĩa trang Hàng Dương lần đầu trong chuyến hành trình về địa chỉ đỏ vào lúc giữa trưa. Đường đến nghĩa trang khá rộng rãi và sạch đẹp, bãi đỗ xe cũng khá rộng. Những ấn tượng đầu tiên về nghĩa trang này dễ làm người ta có cảm giác nơi đây không giống với nghĩa trang liệt sĩ ở các địa phương khác. Cổng chào của nghĩa trang đơn giản chỉ là một khung hình vuông được lát đá đen nhưng với kích thước khá hoành tráng gợi cho du khách cảm giác về những vị anh hùng liệt sĩ đơn sơ, giản dị nhưng vô cùng vĩ đại. Qua lối cổng chào này, chúng tôi đi bộ một đoạn đường khá dài để đến đài tưởng niệm. Dù giữa trưa nắng nhưng đoạn đường đi rất mát mẽ bởi nghĩa trang trồng khá nhiều cây xanh cho bóng mát. Hai bên đường, các bãi cỏ được trồng và cắt tỉa cẩn thận, nhiều tượng điêu khắc theo phong cách nghệ thuật sắp đặt được đặt trên các bãi cỏ.

Dâng hương tại Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: ANH THỤY

Những tác phẩm điêu khắc này nếu không nhìn kỹ dễ khiến người ta lầm tưởng đây là các tác phẩm chưa hoàn thành nhưng thật ra, đó chính là ý tưởng của tác giả nhằm biểu hiện những tường đá, gông cùm đã bị người tù phá bỏ và vứt lại nơi Nghĩa trang Hàng Dương này. Một trong những tượng đài khiến nhiều người phải chú ý đến trong nghĩa trang là tượng đài Trao áo. Tượng được tạc theo câu chuyện có thật về việc đồng chí Vũ Văn Hiếu - nguyên Bí thư đầu tiên của khu mỏ Hòn Gai (1930) trao áo cho cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Trước những trận đòn tra tấn, đày đọa của kẻ thù, biết mình không thể sống nổi, trước lúc đi xa, ông cởi tấm áo tù duy nhất của mình khoác lên người đồng chí Lê Duẩn và thì thào trăn trối: “Ráng sống mà phục vụ cách mạng”. Cảm kích trước tình đồng chí, đồng đội, nhà thơ Tố Hữu đã viết nên hai câu thơ: “Chết còn trút áo cho nhau/Miếng cơm dành để người sau ấm lòng”.

Sau khi dâng hương ở tượng đài chính, đoàn chúng tôi đến viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Quan sát các ngôi mộ liệt sĩ, chúng tôi thấy không được quy hoạch thẳng thớm như các nghĩa trang liệt sĩ khác mà được dựng lên theo cụm nhưng vẫn rất trật tự. Như đoán biết suy nghĩ của chúng tôi, anh Đỗ Quốc Vương - thuyết minh viên của Ban Quản lý Di tích Côn Đảo cho biết: “Nghĩa trang Hàng Dương rộng 19 ha, khi tôn tạo nghĩa trang vào cuối năm 1992, các cấp lãnh đạo đã chỉ đạo “tìm được hài cốt ở đâu thì dựng bia ngay tại đó”. Qua đó đã hình thành nên 4 khu A, B, C, D với 1.921 mộ phần (trong đó chỉ có 713 mộ có tên tuổi)”.

Hát bên mộ bậc anh thư Võ Thị Sáu. Ảnh: ANH THỤY

Mộ của chị Võ Thị Sáu nằm ở khu B. Với tấm lòng của người dân đảo và du khách gần xa dành cho chị, mộ phần chị được xây dựng có phần lớn và khang trang hơn các mộ khác trong nghĩa trang. Nấm mồ được trang trí đá đen, xung quanh có rào đá, đặc biệt, phía trước mộ phần là hai tấm bia mộ của chị (một là tấm bia cuối cùng do những người tù chính trị Côn Đảo đặt tại mộ chị, tấm còn lại do vợ chồng chúa đảo Tăng Tư đặt tại mộ chị vào năm 1964).

Sau khi dâng hương mộ chị Sáu và những ngôi mộ xung quanh, chúng tôi nghe anh Vương giới thiệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của chị và anh ngỏ ý với đoàn hát tặng chị bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. “Mùa hoa lê ki ma nở/Ở quê ta miền đất đỏ…”  của bài hát được vang lên, không gian bỗng trở nên như lắng lại. Hẳn nhiều người trong đoàn chúng tôi đã nghe và đã hát bài hát này rất nhiều lần trước đó, nhưng hôm nay, trước mộ chị, mọi thứ trở nên thật đặc biệt, nhiều thành viên trong đoàn chúng tôi bỗng sụt sùi nước mắt. Bởi không khí thiêng liêng nơi đây, hình như cảm nhận “có” chị đang nghe lời của chúng tôi đang hát. Có lẽ, mỗi thành viên đều có những cảm xúc và câu hỏi riêng trong đầu mình nhưng mọi thứ bỗng trở nên thật đặc biệt với tất cả chúng tôi.

ANH THỤY

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: