• Biển đảo quê hương

KÝ SỰ: Mùa xuân trên biển, đảo Tây Nam - Kỳ 2

19/01/2017 21:35 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 19/01/2017 | 21:35

Xuân về trên đảo Thổ Chu

Đảo Thổ Chu nằm trong quần đảo Thổ Chu, thuộc xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc ( Kiên Giang), cách Phú Quốc 110km và cách TP. Rạch Giá 220km về hướng Tây Nam, là nơi gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của dân ta trong thời kỳ kháng chiến. Thổ Chu là đảo lớn nhất trong quần đảo với diện tích khoảng 14km2. Các đảo còn lại có diện tích nhỏ hơn bao gồm: Hòn Mô, Hòn Cao, Hòn Từ, Hòn Nước, Hòn Keo Ngựa, Hòn Nhạn và Hòn Cao Cát. Các cơ quan trên đảo gồm có UBND xã Thổ Châu, Trung đoàn 152 thuộc Quân khu 9, Đồn Biên phòng 770, trạm rada 610 Vùng 5 Hải quân.

Cột mốc chủ quyền trên đảo Thổ Chu. Ảnh: N.D

Hành trình đầu tiên của chúng tôi trong chuyến thăm, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, nhân dân tuyến biển, đảo Tây Nam bắt đầu từ Phú Quốc đến đảo Thổ Chu lúc 22 giờ đêm. Sau khi trưởng đoàn kiểm tra và thông báo quân số có mặt đầy đủ, con tàu HQ 637 bắt đầu lướt sóng ra khơi... Vượt qua chặng đường dài trên biển, 6 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã đến đảo Thổ Chu - một trong những đảo phía Tây Nam của Tổ quốc. Đảo Thổ Chu thuộc xã đảo Thổ Châu, trung bình mỗi ngày có đến 700 chiếc tàu các loại ra vào. Nhìn từ xa, đảo Thổ Chu trông giống như một đàn khủng long đang mò cá dưới biển, nước biển xanh thẫm một màu, cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn gỗ quý. Tàu cập cảng Thổ Chu. Buổi sáng ở đây trong veo, từ màu nước biển đến bầu không khí mát lành, mằn mặn mùi gió biển. Những chiếc ghe, chiếc tàu sơn xanh viền đỏ tấp nập ra vào, điểm xuyến cho buổi sáng thêm sắc màu tươi vui, nhộn nhịp. Cuộc sống mỗi ngày của biết bao gia đình, bao con người bắt đầu trên những con tàu, chiếc ghe đó.

Theo ông Đỗ Văn Dừng - Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn so với đảo Phú Quốc và càng khó khăn hơn so với đất liền nhưng người dân nơi đây luôn cố gắng xây dựng xã đảo ngày càng phát triển. Hiện tại, xã đảo Thổ Châu có duy nhất 1 ấp gồm 8 tổ nhân dân tự quản, có 601 gia đình sinh sống với 2.000 nhân khẩu. Đảo có trường cấp 1, cấp 2 với 237 học sinh, có trạm y tế khang trang, bưu điện, trạm thu và phát sóng điện thoại di động. Con đường quanh đảo Thổ Chu dài 5,2km có vốn đầu tư 102 tỉ đồng, tạo điều kiện cho người dân trên đảo đi lại thuận tiện hơn. Nhân dân trên đảo hàng năm chuyển bãi đánh bắt theo mùa, từ tháng 9 đến tháng 4 âm lịch tập trung ở bãi Ngự, từ tháng 5 đến tháng 8 âm lịch tập trung ở bãi Dong.

Cầu cảng tấp nập thuyền neo đậu. Ảnh: N.D

Có mặt tại cảng cá Thổ Chu, nơi đây có hàng trăm chiếc tàu đánh cá lớn nhỏ, đậu san sát. Anh Nguyễn Văn Quang, một trong những ngư dân trên đảo có hàng chục năm bám biển, tranh thủ rửa tàu, sắp xếp ngư cụ chuẩn bị lên bờ đón tết. Dù mới trải qua một chuyến ra khơi nhưng anh không hề có dấu hiệu của sự mệt mỏi. Làn da bánh mật đặc trưng của người dân vùng biển vốn đã trải qua nhiều nắng mưa luôn ánh lên sự mạnh mẽ, rắn rỏi. Anh Quang chia sẻ: “Làm cả năm rồi, có mấy ngày tết mình phải nghỉ ngơi sum họp với gia đình, vui xuân cùng hàng xóm nữa chứ. Đón năm mới trên đảo bình dị lắm, gần như bà con chỉ quanh quẩn ở đây, nhà này chúc tết nhà kia rồi cũng xong mấy ngày xuân. Bình thường ai cũng bận làm ăn, có dịp được ngồi lại trò chuyện, uống chung trà, ly rượu là rất quý”. Theo lời anh Quang kể, nghề biển là nguồn sinh kế chính của gia đình, nó cũng ăn sâu trong máu. Nên dù việc khai thác thủy sản ngày càng khó khăn, anh vẫn quyết tâm bám biển, bám đảo vươn lên.

Dạo một vòng quanh trên đảo, người dân nhộn nhịp mua sắm nào thịt, rau, hoa quả, bánh kẹo để chuẩn bị đón thêm một năm mới đầy đủ, ấm no. Đoạn đường trung tâm trên đảo Thổ Chu không dài lắm, nhưng có rất nhiều chỗ buôn bán các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết. Bà Trần Thị Nguyệt vui vẻ cho biết: “Ngoài này chỉ sẵn cá, mực còn những mặt hàng khác thì khan hiếm hơn. Thế nên mỗi người dân nơi đây đều mong chờ chuyến tàu cuối năm mang hàng tết từ đất liền ra đảo. Bình thường tôi chỉ mua bán các đồ nhựa phục vụ cho nghề biển nhưng giờ tranh thủ lấy thêm các mặt hàng như bình hoa, dĩa đựng trái cây và bánh, mứt, hạt dưa... để bán tết”.

Con đường dân sinh trên đảo. Ảnh: N.D

Trên đảo Thổ Chu, người ta chẳng trồng được gì hay sản xuất được gì đáng kể, ngoài đánh bắt hải sản. Nhưng lác đác vài gia đình chuyển qua kinh doanh phòng trọ hay ăn uống, còn lại vẫn bám biển, bám với nghề cá lâu đời. Trong những ngày này, ngừng việc đánh bắt, người dân lại tất bật sơ chế các loại hải sản để bán dịp tết, nhiều nhất là mực một nắng. Tham quan một vòng, chúng tôi thấy hầu như nhà nào cũng có một giàn phơi, những con mực to, căng mình đón nắng mùa xuân. Chị Lê Ánh Hồng, người có nhiều năm kinh nghiệm làm mực, giải thích: “Mực một nắng phải được làm từ mực thật tươi và phơi giữa trời nắng. Khi bề mặt ngoài vừa se lại (sờ không dính tay) thì lật lên phơi cho đến khi se đều hai mặt. Thời gian phơi chỉ chừng 2 đến 3 tiếng là đạt. Dịp tết loại này đưa vào đất liền bán rất hút hàng. Chúng tôi có thêm thu nhập để sắm tết”.

Việc đi lại, sắm tết trên đảo Thổ Chu tuy không ồn ào, náo nhiệt như trong đất liền nhưng không khí ngày xuân vẫn ngập tràn trong từng căn nhà nhỏ. Hầu hết những người dân trên đảo Thổ Chu đều đến từ những miền quê xa xôi của Tổ quốc, chỉ có một số ít là người dân gốc ở đây. Hơn nữa, với vị trí là hòn đảo ở cực Nam Tổ quốc, đảo Thổ Chu còn là nơi lưu lại của nhiều phương tiện đánh bắt thủy, hải sản, khi họ không kịp về quê lại tạt vào đảo Thổ Chu... Tết trên đảo Thổ Chu, tạm gát bộn bề công việc, quây quần với nhau, rồi kể nhau nghe về quê hương, xứ sở, bình dị nhưng nghĩa tình, đưa người dân đảo xích lại gần nhau hơn.

NGỌC DIỄM

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: