• Biển đảo quê hương

KÝ SỰ: Mùa xuân trên biển, đảo Tây Nam - Kỳ cuối

24/01/2017 15:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: N.D
  • Thứ Ba, 24/01/2017 | 15:02

Ấm lòng xuân xa xứ

Chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình lênh đênh trên biển để sang quần đảo Nam Du, xã An Sơn, huyện Kiên Hải (Kiên Giang). Nơi đây còn rất hoang sơ, với 21 hòn đảo lớn nhỏ, được tạo hóa xếp đặt khéo léo. Từng đảo lớn nhỏ, cao thấp nằm đan xen nhau, tạo thành một thế trận vững chắc giữa đại dương.

Chiếc tàu HQ 637 từ từ cập cảng Nam Du, đoàn cán bộ đi chúc tết lên cảng trong sự hiếu kỳ của bà con xứ đảo. Dọc cầu cảng là những xe đẩy bán đủ loại đồ ăn vặt, tuy không nhiều như trong đất liền nhưng cũng được cho là khá phong phú. Lời mời của người bán hàng rong, mùi thơm của trái cây, của bánh mới ra lò đều bị át đi bởi mùi đặc trưng của các loại cá khô, cá tươi.

Theo lịch trình, đoàn công tác sẽ đến thăm và chúc tết UBND xã An Sơn, Đồn Biên phòng 742, trạm ra đa 600. Để tiện cho việc thăm hỏi, chúc tết, cũng như đảm bảo thời gian di chuyển, đồng chí Tạ Quang Nam - Phó Tư lệnh Vùng 5 Hải quân quyết định mời lãnh đạo các đơn vị cùng lên trạm ra đa.

Trong tiết trời se se lạnh, mọi người tản bộ lên điểm tập kết, đường trải nhựa nhưng độ dốc khá cao. Trạm ra đa 600 có độ cao khoảng 320m so với mực nước biển, nằm ở đỉnh núi, xa khu dân cư. Trạm xây nhiều bồn chứa nước mưa. Lượng nước trữ chỉ đủ dùng cho đơn vị khoảng nửa năm. Do khan hiếm nên việc sử dụng nước phải theo định lượng, có kế hoạch. Song, không vì thế mà doanh trại kém xanh. Ở đây quanh năm các bồn hoa, chậu kiểng, vườn rau được chăm sóc tốt tươi, xanh mượt. Mỗi lần đặt chân lên một điểm đảo, trong các cuộc trò chuyện, chúng tôi luôn cảm thấy bối rối, sợ hỏi thăm không khéo sẽ làm họ chùn lòng.

Nhưng trái ngược với điều đó, tất cả đều thể hiện niềm tự hào được làm nhiệm vụ nơi biển, đảo tiền tiêu, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của đất nước. Như câu chuyện của anh Nguyễn Văn Triều (quê Hải Dương). Anh công tác ở trạm ra đa 600 đã 10 năm, chỉ 2 lần về quê ăn tết với vợ con. Nhớ gia đình, anh chỉ gọi điện hỏi thăm, chúc tết, động viên vợ con vui vẻ đón xuân khi thiếu vắng người chồng, người cha, phải vì nhiệm vụ là trên hết.

Còn đối với anh Phùng Văn Ba, ở TP. Rạch Giá (Kiên Giang) đường về nhà chỉ mất vài tiếng đồng hồ đi tàu nhưng anh vẫn cùng đồng đội đón xuân nơi đảo xa 4 năm liền. Anh Ba chia sẻ: “Có nhiều đồng đội nhà ở xa nên có đợt đăng ký về tết tôi đều nhường. Mình hiểu cảm giác ngóng trông của gia đình như thế nào nên rất thông cảm. Người thân luôn động viên để tôi an tâm công tác”.

Thăm và chúc tết cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ảnh: N.D

Theo đồng chí Đinh Văn Phong - Trạm trưởng trạm ra đa 600, đơn vị đã có kế hoạch cụ thể, chặt chẽ trước, trong và sau tết. Cán bộ, chiến sĩ vui tươi, phấn khởi vì được đoàn lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến thăm, tặng quà. Ở đảo xa, thiếu thốn đủ thứ nhưng tết của các chiến sĩ hải quân trên đảo lại vô cùng ấm cúng và chan chứa tình cảm. Bữa cơm mừng tết sớm trên trạm ra đa đầy đủ những món ăn quen thuộc từ thịt kho, dưa hành, giò, đến món bánh tét, bánh chưng quen thuộc. Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức buổi giao lưu văn nghệ của sĩ quan, chiến sĩ, các thành viên trong đoàn công tác và nhân dân xã đảo.

Tạm xếp lại bộ quân phục hải quân nghiêm khắc thường ngày, các anh thoải mái trải lòng mình theo tiếng nhạc, điệu múa điêu luyện, giọng hát trầm ấm, thiết tha làm xao xuyến lòng người. Anh Trần Quốc Cường (quê ở Quảng Bình) bộc bạch: “6 năm làm nhiệm vụ ở trạm ra đa, tôi chưa lần nào về quê đón tết. Mới đầu thì buồn nhưng giờ quen nên thấy cũng bình thường. Hơn nữa, trên đảo này không chỉ có chúng tôi mà có tất cả bà con trên đảo, người dân ở đất liền hướng về đây bằng tất cả tình cảm. Đó cũng là niềm an ủi lớn lao cho những người lính xa nhà”. 

Buổi chia tay đầy lưu luyến, chị Bích Hạnh, diễn viên nhà hát Tây Đô trong đoàn công tác của TP. Cần Thơ tranh thủ hát tặng các anh thêm bài “Nơi đảo xa”.

Đưa chúng tôi xuống bến cảng, cái bắt tay siết chặt làm cho những người lần đầu ra đảo rưng rưng nước mắt. Tàu chuẩn bị rời khỏi đảo Nam Du khi màn đêm buông xuống để trở về Phú Quốc. Xa xa, ánh đèn nhà dân ven đảo tỏa sáng lung linh in bóng trên mặt nước. Trên đỉnh núi, ánh sáng trạm ra đa quét sáng từng vệt dài và ngọn hải đăng lóe lên. Mặt biển phập phồng theo từng cơn sóng. Mây bồng bềnh, trăng giữa tháng chạp trôi nhè nhẹ, tròn và sáng đến nao lòng.

Vẫy tay chào tạm biệt Nam Du, tạm biệt người lính đảo, khoảnh khắc ấy, chúng tôi mong sao sẽ có nhiều hơn những chuyến tàu chở mùa xuân từ đất liền ra đảo, chở cả tình yêu thương, lời động viên của đồng bào cả nước để các anh vững vàng tay súng làm nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo cực Nam của Tổ quốc.

N.D

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: