• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 11

06/02/2017 09:13 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Hai, 06/02/2017 | 09:13

Tác nghiệp ở Trường Sa

Trong chiến đi công tác ra thăm quần đảo Trường Sa, có lẽ cánh nhà báo chúng tôi là những những người “cực khổ” nhất và cũng “vinh dự” nhất. Bởi vì, theo xác định của Bộ Tư lệnh Hải quân, cách tuyên truyền hiểu quả về chủ quyền biển, đảo, nhất là về quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, kênh thông tin truyền thông sẽ góp phần tích cực, truyền bá rộng rãi nhất.

Cánh báo chí Sóc Trăng có một phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, một phóng viên của báo Sóc Trăng; riêng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Ngọc Nhuần – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thuộc biên chế của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Với 12 ngày lênh đênh chênh biển, cánh báo chí được bố chí ở tầng dưới cùng của tàu chở quân HQ 996 chung với Đoàn Văn công thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Mỗi phòng có 8 giường, bố trí có 6 người, còn 2 giường trống để dụng cụ tác nghiệp. Báo – Đài của Sóc Trăng ở cùng buồng E II chung với tỉnh Bạc Liêu và Hải Dương.

Đoàn báo chí tranh thủ tác nghiệp. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Với đặc thù công việc, cánh nhà báo là những người “xông tàu” rồi “xông đảo” đầu tiên, cảm nhận biển và tiếp xúc với các chiến sĩ hải quân trên các đảo cũng đầu tiên. Có người so bì: “Cánh nhà báo “sướng” thiệt, cái gì cũng “biết” đầu tiên hết”. Quả thật như vậy, có “cái sướng” trước với cách nhìn đó, rồi cũng có “cái khổ” riêng mà đâu phải ai cũng thấy và chia sẻ được.

Thực tế, khi hay tin được đi công tác ở Trường Sa, điều lo lắng của phóng viên là phương án tác nghiệp, sao cho có hiệu quả nhất. Bởi vì, phần lớn không quen đi biển, chỉ tượng tưởng đến “cái cảnh” tàu chòng chành, sóng lớn ập qua tàu, nước tràn cả boong; rồi cảnh lên xuống thuyền để ra vào đảo trước gió to, sóng lớn cũng đủ “khiếp vía bay hồn”, chưa kể đến việc biển “nổi giận”, chỉ cần vài cú “lắc mình” cũng làm “xanh mặt tía tai” nôn cả mật xanh, mật vàng. Phương tiện tác nghiệp cũng đòi hỏi phải bảo quản cẩn thận vì nước biển, hơi muối làm hư hao hay tệ hại hơn là rớt “cái chủm” xuống biển cả mênh mông là “đi toi”, không biết “ăn nói” ra sao với “các sếp” ở Tòa soạn, các đồng nghiệp và cảm thấy có lỗi lớn với các chiến sĩ hải đảo…

Nhận thức rõ điều đó, trước khi lên đường, chúng tôi đã tra cứu kỹ các tài liệu liên quan của những người đi trước và cả trên mạng để tìm cho mình phương án tốt nhất và hiệu quả nhất. Tuy nhiều nhà báo đã chuẩn bị kỹ nhưng vẫn bị nằm “liệt giường” vì say sóng, không tác nghiệp được. Có người “may mắn” hơn là được “đặt chân” lên đảo rồi phải vào Trạm xá “cấp cứu”. Một điều mà tôi luôn lo lắng trong lòng là khi ra tới đảo, gặp những tình cảm “xúc động quá” sẽ làm chi phối cảm xúc. Dù bài viết có thể hiện tốt, chân thật đó nhưng sẽ không mới, vì trùng lắp với những người đi trước; tôi nhủ lòng sẽ cố gắng tránh những gì có thể. Hay ở trường hợp khác, có những thông tin rất thú vị về Trường Sa, có đề tài hấp dẫn nhưng lại nằm trong vùng “nhạy cảm”, chưa được phép tuyên truyền cũng phải là điều tính trước. Tuy thế, tôi cũng có phương án tác nghiệp riêng cho mình và được thể hiện qua loạt bài ký sự về Trường Sa.

Báo chí đến với đảo xa. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Tác nghiệp trong chuyến đi công tác ở Trường Sa quả là rất khó khăn, vất vả không như ở đất liền. Biển có khi dịu êm, ru ngủ, dang rộng cánh tay đón chào, mơn trớn, rất hào phóng nhưng cũng có khi “nổi giận”, “bắt nạt” mọi người. Tàu thì cứ chòng chành với sóng biển; giấc ngủ cũng chòng chành theo; đến khi đặt chân lên đảo, thậm chí cầm chén cơm lên ăn cũng cảm thấy chòng chành; bước đi xiêu vẹo như người say rượu, chân này đá chân kia, trông rất vui mắt, buồn cười (quả thật là say sóng mà thôi). Tôi còn nhớ như in,  khi xuồng chở cánh nhà báo “đổ bộ” lên đảo An Bang, ra khỏi tàu lớn chưa đầy 300m đã có mấy anh chị nhà báo bị sóng làm cho “xổ lòng” lên lưng đồng nghiệp, ngay trên thuyền. Còn các cô trong Đoàn văn công thì quặt quại, đứng còn không xong nói chi đến bước đi, các chiến sĩ phải cõng lên đảo để “cấp cứu”. Bận về tàu cũng thế, phải dìu nhau lên tàu trong khi sóng càng dữ dội hơn. Cũng may, không có ai bị tai nạn gì; chỉ suýt tí nữa là có mấy người để lại “cặp chân” cho biển cả, làm mồi cho cá mập, vì sơ suất trong lúc lên xuống tàu và thuyền, dù đã được tập huấn kỹ càng trước lúc khởi hành.

Chưa hết, vất vả nhất có lẽ là cánh báo hình, ôm chiếc camera vật vã, nặng chịt trên vai, lên xuống xuồng chòng chành, rất khó khăn để có những khuôn hình chuẩn chứ nói chi đến có ấn tượng sâu đậm. Lên đảo mãi lúi cúi quay, lùi lại, dễ bị rớt xuống hố công sự, phóng viên báo ảnh và báo viết cũng thế, mãi mê tác nghiệp, vấp té một cái là máy ảnh “uống no” nước biển hay vở vụn ra trăm mảnh kể như “tiêu đời”. Cũng có nhiều tình huống ngoài dự kiến của cánh nhà báo đó là trường hợp lên đảo Phan Vinh. Đảo thì nhỏ, ít lính hải quân hơn đảo Trường Sa lớn, thời gian lưu đảo có hạn, toàn đảo số anh em chiến sĩ còn ít hơn cánh nhà báo (đợt này có hơn 50 nhà báo – đông nhất trong các chuyến từ trước tới giờ) nên mạnh ai cũng “xí phần”, tranh thủ lôi kéo ra góc này, góc kia “khai thác” thông tin chưa kể trên đảo có đồng hương của các tỉnh phía Bắc nên còn họp đồng hương. Đến khi Đoàn văn công phục vụ văn nghệ, tìm “khán giả”, không có một ai. Đảo phải thông báo ngưng các hoạt động khác để chiến sĩ giao lưu văn nghệ (cả năm mới có một lần được phục vụ văn nghệ). Khi lính đảo tham gia vào lúc “cao trào”, lại là “cơ hội vàng” cho cánh nhà báo tác nghiệp thể hiện trong tác phẩm của mình khi về đơn vị.

Phóng viên Tiến Sĩ của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh “độc chiến” ướt đậm mồ hôi, chạy đôn chạy đáo ghi hình, ghi âm và đôi khi, tôi lại là người cộng sự “bất đắc dĩ” của anh. Có khi ghi hình trên đảo cũng có khi ghi hình ngay trên tàu trước sóng to gió lớn; ban đêm, ban ngày cũng thế, vì nhiệm vụ đặc thù đòi hỏi phải thực hiện cho bằng được. Do ở trên tàu hay trên đảo nên lắm lúc tư thế của mỗi nhà báo không được “nghiêm chỉnh” lắm, có khi phải đứng “chàng hảng”, khi thì quỳ gối, lúc leo lên cây, nhảy xuống hố, lúc kẹp chân vào lan can tàu… trông rất tức cười. Có khi mãi lo làm nhiệm vụ hay lo chụp ảnh cho thành viên trong đoàn mà quên bẵng mình, cũng may có Nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngọc Nhuần, tôi liền nhờ anh “bấm” cho mấy kiểu về làm kỷ niệm. Điều này chứng tỏ tinh thần làm việc của mỗi phóng viên và tinh thần tương trợ rất cao trong chuyến đi.

Những cánh thư vượt hơn ngàn cây số đến với các chiến sĩ trẻ Trường Sa. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Riêng tôi, lúc nào cũng luôn tranh thủ mọi cơ hội có thể có được để “săn” đề tài, tìm “cảm hứng”, leo trèo xuống tàu, lên đảo như con lật đật; mọi ngõ ngách, trên bãi cát ở tất cả các đảo mà đoàn ghé thăm đều có “dấu chân kỷ niệm” của tôi… nên bị giãn dây chằng, nằm ngửa cũng không xong, ngồi cũng không được, chỉ nằm sấp, “mồ hôi con, mồ hôi cha” túa ra nườm nượp, những tưởng cơ hội lên các đảo khác không thực hiện được. Tôi đâm lo, vì ra tới đây mà không trực tiếp “mục sở thị” thì phí cả chuyến đi. Cũng may, các bác sĩ theo đoàn  đã tiêm thuốc giảm đau hết mấy liều, tôi mới có thể ‘đổ bộ” lên các đảo còn lại được. Buồn cười nhất là khi lên đảo Đá Tây, đi tham quan “vòng vo tam quốc” bên nhà lâu bền cũ trở lại đảo, tôi bị mấy chú chó của đảo “chặn đường” không cho về bên này. Tôi phải “xuống nước nhỏ” và “dụ khị” hết mấy cục kẹo dừa đem theo, chúng mới “tha” và còn “làm quen”, “nũng nịu”, “đòi ăn thêm” liền liếm tay, nhảy cà tưng, ngoắt đuôi, mừng húm. Hú hồn hú vía về ăn ba khía!

Thật tình mà nói, tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa cũng có cái khó riêng và cái dễ của nó khi đoàn công tác tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để cánh nhà báo xâm nhập thực tế, tiếp xúc dễ dàng với các chiến sĩ hải quân đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước. Với chúng tôi, mỗi nhà báo đều có ý thức đó, vì ít nhất một lần trong đời được đặt chân lên mảnh đất cực Đông rất đỗi thiêng liêng của Tổ quốc. Vì thế, chúng tôi đem hết sức mình, bằng sự nhạy bén, bằng tình cảm chân tình, da diết nhất của đất liền đem hơi ấm chia sẻ với bộ đội Trường Sa yêu dấu. Dù có những điều không xuất hiện trên mặt báo, không được nhắc tới trong các bài viết nhưng đó mãi mãi là những kỷ niệm khó phai trong đời làm báo của mình. Tôi lúc nào cũng trân trọng những “khoảnh khắc vàng” đáng nhớ ấy và xem như một báu vật trong đời.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: