• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 4

01/02/2017 21:49 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Tư, 01/02/2017 | 21:49

Thủ phủ Trường Sa

8 giờ sáng ngày thứ ba của chuyến hải hành, tàu cặp cầu cảng của đảo Trường Sa (đảo duy nhất tàu cặp được đảo, còn lại phải neo đậu từ xa rồi dùng xuồng chuyên dùng chở vào). Các chiến sĩ hải quân với quân phục chỉnh tề xếp hai hàng thẳng tắp, long trọng đón đoàn công tác.

Băng qua đường băng rộng, kia là cột mốc chủ quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên đảo Trường Sa. Thượng tá Nguyễn Đại Dương – đảo trưởng đảo Trường Sa báo cáo tình hình chung trên biển đảo năm 2007 và 4 tháng đầu năm 2008. Theo đó, đã phát hiện 14.000 máy bay các loại, trong đó có nhiều máy bay trinh khám; hàng trăm lượt tàu thuyền đánh cá, tàu hàng trong và ngoài nước hoạt động ở khu vực này. Tình hình năm 2008 diễn biến phức tạp, nhưng 100% chiến sĩ an tâm công tác; huấn luyện đạt loại giỏi; 100% chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, cảnh giác; giúp hàng chục lượt tàu gặp nạn, bão hay cấp cứu, cung cấp nước ngọt, lương thực thực phẩm cho các ngư dân.

Trường Sa! Không xa đâu Trường Sa ơi! Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Đoàn công tác tỉnh ta do đồng chí Phan Lệ Hồng đại diện cùng lãnh đạo các tỉnh bạn ra tại cột mốc trao quà cho quân dân trên đảo Trường Sa và tranh thủ chụp ảnh, quay phim lưu niệm. Bằng tấm lòng đất mẹ bao la, các đoàn đã sẻ chia những tình cảm ngọt ngào, đằm thắm nhất với Trường Sa thân yêu. Chúng tôi nhớ mãi câu tuyên thệ của chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa tại cột mốc chủ quyền: “Xin hứa với tổ tiên với thế hệ mai sau: Lực lượng hải quân Việt Nam quyết tâm bảo vệ bằng được chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, của quần đảo Trường Sa nói chung…”.

Tấm lòng Sóc Trăng với biển đảo Trường Sa yêu quý. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Đảo trưởng kiêm Chủ tịch lâm thời UBND huyện Nguyễn Đại Dương còn cho biết thêm: Đảo Trường Sa ở vĩ độ 8038’30” Bắc, kinh độ 111055’55” Đông, nằm ở phía Nam và là đảo lớn của quần đảo Trường Sa, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 254 hải lý. Đảo có hình dáng gần như một tam giác vuông, dài 630 mét, chiều rộng nhất khoảng 300 mét, diện tích toàn đảo khoảng 0,2km2. Là đảo nổi, mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng trên đảo là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim. So với mặt nước biển lúc thủy triều xuống thấp nhất, mặt đảo cao khoảng 2,4 – 2,8 mét.

 Đảo nằm trên nền san hô, ở phí Đông rộng, thoai thoải; phía Tây hẹp, dốc. Trên đảo giếng nước lợ, nằm ở độ sâu khoảng 2 mét, thuận tiện cho tắm, giặt, tưới cây. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có Trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới. Ở vĩ độ thấp, gần xích đạo, số ngày nắng nóng trên đảo nhiều, trên dưới 300 ngày trong năm. Nằm giữa biển khơi, chịu sự chi phối của 3 khối gió mùa Đông Bắc, Đông Nam và Tây Bắc thường xuyên thay nhau mang hơi nước từ biển thổi vào, gây hư hại cho các trang thiết bị vũ khí và sự sinh trưởng của cây cối. Những tháng mùa mưa, thời tiết mát mẻ hơn, nhưng lại hay có giông, gió bất thường, ảnh hưởng đến các hoạt động trên đảo. Thực vật ở đảo sinh trưởng kém do sự khắc nghiệt của khí hậu. Xung quanh đảo có nhiều loài ốc, cá, hải sâm. Chim có một số loài, nhiều hơn cả là cò và một số chim di trú theo mùa.

Trường Sa - phong ba thủy chung bên nhau. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió. Trên thực tế, nhiều năm qua, ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và một số địa phương ven biển Nam bộ mỗi khi ra bờ, ra khơi sản xuất, bất ngờ có bão, giông, đau ốm, bệnh tật… phần nhiều đã đến đảo Trường Sa tạm lánh, cấp cứu, điều trị, tiếp nhận nước ngọt, lương thực thực phẩm và rau xanh. Với vị trí thuận lợi, đảo Trường Sa hoàn toàn có thể trở thành địa chỉ cung ứng dịch vụ nghề cá, cảng biển. Mùa biển lặng, tàu thuyền tập thể, cá nhân của các cơ sở đánh bắt xa bờ và các nước trong khu vực đến Trường Sa đánh bắt hải sản. Sản lượng cá ngừ ở Trường Sa khá lớn, dễ đánh bắt, dễ tiêu thụ.

Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, đảo được giải phóng vào ngày 29-4-1975. Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng, phát triển và chiến đấu, đến nay, đảo có Đảng bộ gồm các chi bộ: cơ quan, tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, các cụm chiến đấu 1 - 2 - 3, phân đội tăng, pháo binh… Với những thành tích đó, năm 1985, đảo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng Huân chương chiến công hạng II – III; cờ thi đua của Thủ tướng, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Hải quân…

Niềm vui lính đảo. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Đoàn công tác được bố trí thành 3 tổ đi thực địa, xâm nhập với các chiến sĩ. Đoàn Sóc Trăng biên chế tổ 3 cùng các tỉnh: Vĩnh Long, Tiền Giang và Bạc Liêu, đi vùng 3. Trên đảo có rất nhiều cây xanh, chủ yếu là cây bàng, bàng trái vuông, cây phong ba, bão táp, cây tra, rau muống biển, rất quý đối với nơi này. Tôi đã tranh thủ chụp ảnh và hái vài lá phong ba, bão táp về làm kỷ niệm vì chỉ ở đảo này mới có mà thôi. Đồng chí Phan Lệ Hồng tóm tắt khen ngợi sự chịu đựng gian khổ trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng các chiến sĩ vẫn giữ được cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp. Những dòng áp phích nỗi bật trên đảo: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” hay “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan”… càng chứng minh phương châm sống của quân dân huyện đảo anh hùng. Đồng chí Thúy Hằng bộc bạch: “Trước đây, chỉ biết Trường Sa qua sách vở, báo đài, nay rất vinh dự được đặt chân đến, quá đỗi bồi hồi. Với vai trò là cán bộ Đoàn,  khi về sẽ tuyên truyền cho ĐVTN biết về chủ quyền đất nước và những cảm nhận thực tế từ Trường Sa thân yêu”.

Nhà ở, cấp cho các gia đình cán bộ làm việc ở Trường Sa. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Tối đến là các tiết mục văn nghệ, ảo thuật do Đoàn Văn công Quân chủng Hải quân phục vụ. Trước đó, Bộ Tư lệnh Hải quân làm lễ trao tặng Kỷ niệm chương; đoàn Sóc Trăng có các đồng chí: Phan Lệ Hồng, Lâm Phương, Hoàng Minh Lý vinh dự được nhận. Các anh chị văn công đã đem lời ca tiếng hát từ đất liền gửi cả tấm lòng mình vào bằng sự sôi động, nhiệt huyết. Các chiến sĩ cũng đâu kém, dạn dĩ lên sân khấu song ca hoặc đơn ca. Nhiều chiến sĩ hái những bông hoa có săẵn trên đảo làm quà tặng và cổ vũ rất nhiệt tình. Không khí càng thêm ấm cúng, sôi động hơn khi Chuẩn Đô đốc cùng ca phục vụ lính đảo. Những hình ảnh ấy, cứ khắc ghi mãi trong tim tôi có lễ đến suốt cuộc đời, bởi nghĩa tình mặn nồng mà sâu lắng giữa đất liền và hải đảo.

Mầm non tương lai của đảo. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Phút chia tay Trường Sa đầy cảm động. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Đoàn Sóc Trăng được bố trí nghỉ tại cụm chiến đấu số 1. Các chiến sĩ trẻ nhường giường cho đoàn, ra ngoài đường băng “trải chiếu phơi sương” hoặc ra trạm quan sát trực chiến. Chúng tôi cùng trò chuyện cùng các chiến sĩ đến khuya lắc khuya lơ mà không hay. Thượng tá Hoàng Minh Lý khẳng khái bảo: “Tôi rất khâm phục và tự hào về quân dân Trường Sa sẵn sàng hy sinh bảo vệ đảo. Là bộ đội biên phòng từ đất liền ra, sau chuyến đi này tôi rất thấm thía và sẽ áp dụng những bài học kinh nghiệm nơi này vào thực tiễn của địa phương: Tăng cường tình đoàn kết, giữ vững lập trường chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi cũng là những người lính bảo vệ Tổ quốc xin được chia sẻ tình cảm với những đồng đội, đồng chí nơi vùng biển, hải đảo thiêng liêng này”…

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: