• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 5

02/02/2017 14:27 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Năm, 02/02/2017 | 14:27

Đảo Đá Tây và bài thơ bất hủ

5 giờ sáng, chúng tôi phải lên đường cho đúng hành trình. Chia tay đảo Trường Sa lớn trong muôn vàn luyến tiếc, bịn rịn. Các chiến sĩ ra tận cầu tàu tiễn đưa. Cùng những bàn tay vẫy chào nhau nhưng lần này sao mà nghẹn ngào, xúc động vô cùng, vì không biết đến bao giờ mới có dịp trở lại Trường Sa yêu dấu. Nhiều chị không cầm được lòng đã thút thít khóc, cả trưởng đoàn của tôi lệ cũng ướt bờ mi dù tôi biết chị cũng rất cố kiềm lòng. Ai cũng nấn ná mãi đến khi đảo mờ dần giữa sóng biển trùng khơi. Điệp khúc bài hát “Gần lắm Trường Sa” vang lên da diết, bùi ngùi cùng sóng biển. Tàu chòng chành nỗi nhớ hướng thẳng về hướng Đông Bắc để đến đảo Đá Tây.

Những dãi cát trắng lộ thiên trên đảo Đá Tây. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Sau 3 giờ lênh đênh trên biển, đảo Đá Tây xuất hiện với 3 cụm đảo nổi trên mặt biển, xung quanh chân đảo sóng bủa vây trắng xóa. Từ xa nhìn, chúng tôi thấy tại cụm đảo chính (Đá Tây A) có một ngôi nhà lâu bền mới 3 tầng do ta xây dựng, một nhà lâu bền cũ đã xuống cấp trầm trọng nối liền nhau bằng cầu dẫn và một cảng dịch vụ nghề cá trên bãi cát trắng chạy dài, lô nhô đá san hô. Các chiến sĩ hải quân ra tận chân đảo đón tàu, trông ai cũng rạng rơỡ như đón người thân lâu ngày gặp lại. Cũng cánh nhà báo được ưu tiên lên đảo trước, tranh thủ gặp các chiến sĩ nắm bắt thông tin. Tại cổng chính tòa nhà lâu bền, tấm biển bằng gạch ốp tường màu đỏ khắc tên đảo, vĩ độ, kinh độ khẳng định chủ quyền của đất nước. Trên cùng tòa nhà là đài quan sát nhìn ra 4 phương 8 hướng, có cả ống nhòm tầm xa. Biển xanh hôm nay yên ả như đón chào mọi người trong niềm hân hoan vô tận.

Trong khi chờ các chuyến xuồng chở đoàn đại biểu và Chuẩn Đô đốc vào đảo, chúng tôi được đại úy Nguyễn Xuân Triệu – Đảo trưởng đảo Đá Tây giới thiệu: Đảo Đá Tây nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, có tọa độ 8052’ vĩ độ Bắc, 111021’ kinh Đông, cách đảo Trường Sa khoảng 22 hải lý về phía Đông Bắc, là một trong những đảo có vị trí quan trọng trên quần đảo. Đảo Đá Tây có hình quả trám, nằm theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, ở giữa là lòng hồ có độ sâu không đồng đều. Chiều dài của đảo phân ra thành 4 đảo nhỏ riêng biệt được phân cách bằng các luồng. Ở bãi san hô phía Đông có một doi cát nổi lên, chỗ cao nhất khoảng 0,7m. Do địa hình đặc thù, cấp trên đã xây dựng, bố trí trên đảo Đá Tây 3 điểm đóng quân là Đá Tây A, B, C trên biển và một cảng dịch vụ nghề cá.

Đến với đảo Đá Tây. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Thời tiết ở đây cơ bản có 2 mùa: Mùa khô và mùa mưa. Mùa khô từ tháng 2 đến tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 1 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 26 – 300C, thấp nhất là 150C, cao nhất có khi lên đến 360C. Độ ẩm trung bình hàng năm từ 70 - 80%, cao nhất là 97%, thấp nhất là 60%. Độ ẩm mang theo nhiều hơi nước mặn làm cho trang bị vũ khí, khí tài nhanh chóng xuống cấp và lương thực thực phẩm nhanh chóng bị hư hỏng. Mỗi năm ở đây có hơn 130 ngày có gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Gió Đông Bắc thổi từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, gió mùa Tây Nam thổi từ tháng 5 đến tháng 10. Tháng 4 là tháng có ít gió mạnh nhất, đây là thời điểm chuyển tiếp từ gió mùa Đông Bắc sang gió mùa Tây Nam. Từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm thường có bão đi qua khu vực đảo, có những tháng cao điểm mưa to, gió lớn gây khó khăn cho tàu ra neo đậu làm nhiệm vụ tại đảo.

Trên đảo Đá Tây cũng như các đảo khác trong quần đảo Trường Sa, vấn đề trồng rau xanh luôn được quan tâm nhằm cung cấp thêm vi chất dinh dưỡng, cải thiện bữa ăn hàng ngày. Rau được trồng trong các khay nhựa vì nơi này là đảo chìm, không có cục đất chọi chim. Các anh rất cẩn thận bắt từng con sâu, chăm sóc từng cọng lá cải xanh và rau muống. Ngoài ra, còn có giàn mồng tơi, bí đao cũng xanh tốt. Tuy nhiên, những tháng nắng không thể trồng rau xanh được vì gió muối làm chết rau cải và các cây xanh khác. Để khắc phục, các anh phải dự trữ củ, trái ăn dần, bởi vì đây là những thứ rất quý sau lương thực và nước uống nên rất tiết kiệm.

Cột mốc trên đảo Đá Tây. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Cũng là tay bắt mặt mừng, có nhiều người rưng rưng nước mắt khi nhận được thư từ quê nhà gửi ra hay khi nhận ra đồng hương trêu tàu. Đoàn Văn công Hải quân tranh thủ góc hẹp hiếm có trên tòa nhà (vì quá chật chội) hát cho bộ đội nghe và cùng nghe bộ đội hát những ca khúc về người lính đảo xa nhà, khích lệ tinh thần các chiến sĩ. Ai cũng quyến luyến như không muốn rời xa trong những khoảnh khắc hiếm hoi này. Đoàn công tác Sóc Trăng và các tỉnh bạn trao quà cho đảo. Nhiều trưởng đoàn cứ chặc lưỡi vì sự chịu đựng gian khổ, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ chủ quyền vùng biển, vùng trời thiêng liêng của những người lính tình nguyện nơi đây. Đồng chí Phan Lệ Hồng thân tình chia sẻ, động viên các chiến sĩ trẻ bằng những tình cảm của người chị, người mẹ đối với những đứa em, đứa con ruột rà thân thiết. Các chiến sĩ rất cảm động trước những tấm chân tình và dành tặng những con ốc biển, những nhánh san hô đẹp nhất để dành bấy lâu nay, xem như là món quà quý báu mà người lính có được giữa trùng khơi này.

Đảo Đá Tây cùng với các đảo trong quần đảo Trường Sa là lá chắn quan trọng bao quanh vùng biển vài dải bờ biển Nam Trung bộ và Nam bộ, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Sự liên kết giữa các đảo và cụm đảo, tuyến đảo thành một hệ thống cứ điểm tiền tiêu để ngăn ngừa và đẩy lùi các hoạt động lấn chiếm của tàu thuyền nước ngoài. Vì thế, từ lâu luôn được các nhà quân sự, khoa học, chính trị đánh giá cao.

Với vị trí ở giữa biển Đông, đảo Đá Tây có thế mạnh về dịch vụ hàng hải, nghề cá đối với tàu thuyền đi lại và đánh bắt hải sản trong khu vực, khu dịch vụ hậu cần nghề cá và hệ thống cầu cảng, hải đăng được xây dựng trên đảo Đá Tây nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp nước ngọt, dầu máy, nước đá và cũng là nơi thu mua, sơ chế lượng thủy sản khai thác được. Bên cạnh việc khai thác thủy sản xa bờ, ngày nay bà con ngư dân còn khai thác cả các loại cá cảnh, các loại rong biển có giá trị dinh dưỡng và dùng trong chế tạo mỹ phẩm.

Điều mà chúng tôi ấn tượng và nhớ mãi khi ghé thăm khu dịch vụ hậu cần nghề cá thuộc Tổng Công ty Hải sản biển Đông (Bộ Thủy sản) là nơi có bia khắc bài thơ thần bất hủ của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà” đã khẳng định chủ quyền đất nước từ ngàn năm trước:

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”…

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

 

 

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: