• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 6

02/02/2017 16:45 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 02/02/2017 | 16:45

Lễ tưởng niệm trên biển và đảo Phan Vinh

Từ đảo Đá Tây đến đảo Phan Vinh, tàu sẽ đi ngang qua đảo Trường Sa Đông, đảo Đá Đông, bãi Châu Viên. Trên hành trình đó, buổi tối đoàn công tác tổ chức ăn cơm tập thể trên boong tàu. Sau mấy ngày đêm lênh đênh trên biển, hôm nay mới có dịp gặp mặt đông đủ các thành viên trong đoàn. Buổi ăn cũng thịnh soạn vì được đổi món liên tục; nhưng vẫn đảm bảo 4 món và bảo đảm tiêu chuẩn dinh dưỡng. Tuy vậy, có vài thành viên không dự được do say sóng còn nằm trong phòng. Đoàn công tác Sóc Trăng có mặt đầy đủ, kể cả người dễ “bị say” là Thúy Hằng (Tỉnh đoàn).

Tờ mờ sáng, mặt trời vừa nhú lên khỏi biển Đông trong sắc màu rực rỡ, tàu đến đảo Phan Vinh, thả neo ngoài khơi và làm lễ tưởng niệm 64 anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ đảo trên quần đảo Trường Sa này, trước khi “đổ bộ” lên đảo Phan Vinh. Mặc dù nơi đây không phải là “Nghĩa trang đỏ”, nhưng tục lệ mỗi chuyến đi biển đều làm lễ tưởng niệm khắc ghi công ơn các anh hùng liệt sĩ. Chúng tôi đã được thông báo trước, nhưng cũng cảm thấy bùi ngùi và xúc động vô cùng trước sự chuẩn bị chu đáo và sự nghiêm trang, thành kính của tất cả thành viên trong đoàn công tác.

Lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ trên đảo Phan Vinh. ẢNH: VĂN NGỌC NHUẦN

Vào cuối năm 1987 đầu năm 1988, trên bãi ngầm Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin (nay Trung Quốc chiếm đóng trái phép) đã diễn ra những trận chiến đấu quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam anh hùng để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trước cuộc tấn công phi lý của lực lượng tàu chiến Hải quân Trung Quốc. Trong trận chiến đấu này, 64 anh hùng liệt sĩ của Hải quân Việt Nam anh dũng hy sinh và vĩnh viễn nằm lại lòng biển cả. Các anh là những người đã gắn bó với quần đảo Trường Sa từ những ngày đầu mới giải phóng, tạm gác riêng tư, bất chấp hiểm nguy, dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, xương máu cho sự nghiệp bảo vệ toàn vẹ lãnh thổ chủ quyền biển, đảo Trường Sa. Trước bàn thờ trên boong tàu, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Cộng Hòa và những người có mặt trên chuyến tàu này dâng những nén hương, bó hoa tươi thắm và nghiêng mình kính cẩn tưởng nhớ các anh. Mong hương hồn các anh yên nghỉ ngàn thu giữa lòng biển mẹ, che chở cho quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Chuẩn Đô đốc xúc động: “Trong niềm biết ơn vô hạn và xúc động sâu sắc này, chúng tôi xin thề trước linh hồn các đồng chí và nhắn nhủ đến thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa – vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Trường Sa là của đất mẹ Việt Nam. Theo tập quán những người đi biển, chúng tôi xin được thắp nén hương và thả vòng hoa tưởng niệm hương hồn các đồng chí!”.

Tiếng nhạc bi hùng vang lên trong niềm thương cảm, tiếc nuối không nguôi. Chúng tôi mỗi người một nén hương thắp lên bàn thờ giản dị trước lá cờ Tổ quốc và một nhánh hoa tươi từ từ thả xuống biển giữa muôn vàng sóng biếc. Những giọt nước mắt thánh thót của các thành viên trên tàu lăn theo nhành hoa hòa tan vào lòng biển cả. Tôi tin, các anh sẽ đón nhận được những tấm lòng từ đất liền gởi gắm đến các anh  -  những người anh hùng trong thế hệ mới. Ba hồi còi tàu vang lên, rền trên mặt biển chòng chành, rợn sóng…

Đảo Phan Vinh còn gọi là đảo Hòn Sập, có tọa độ 8058’ vĩ Bắc và 113041’30” kinh độ Đông, nằm cách bãi đá Tốc Tan khoảng 13 hải lý về phía Tây Bắc và cách bãi đá Châu Viên do Trung Quốc chiếm giữ trái phép khoảng 47 hải lý về phía Đông. Đảo có dạng gần tròn, đường kính khoảng 50m, nằm ở phía Đông Bắc trên một nền san hô hình vành khuyên, dài khoảng 5 hải lý, theo hướng Đông Bắc – Tây Nam. Ở phía Tây của vành san hô này có một xác tàu đắm luôn nhô cao trên mặt nước biển. Đảo không có giếng nước ngọt, không có cây xanh. Lúc thủy triều xuống thấp nhất, người ta có thể lội bộ từ đảo đến xác tàu đắm. Ở giữa vành đai san hô là một hồ nước sâu. Rìa ngoài vành san hô ở hướng Bắc và Đông Bắc đến bờ đảo dài khoảng 100m; cũng hướng này, cách đảo khoảng 7.000m có bãi san hô, khi thủy triều xuống thấp thì bãi san hô này nổi lên, hiện nay đã xây dựng được một nhà lâu bền gọi là Phan Vinh B. khi không có sóng to, gió lớn, tàu thuyền thường độ bộ lên đảo theo hướng từ phía Nam đi lên và tiếp cận đảo. Tại điểm này có một lạch được dọn sạch đá san hô, rất thuận tiện cho việc chèo xuồng ra vào đảo. Khi thủy triều xuống còn khoảng 0,4 – 0,5m, người ta có thể lội bộ qua thềm san hô để vào đảo mà nước chỉ sâu đến đầu gối. Tại thềm san hô tận cùng phía Tây của vành san hô hình khuyên, cách mép sóng khoảng 200m có một bãi san hô, khi thủy triều xuống còn 1,7m thì bãi này bắt đầu nhô lên khỏi mặt nước và thủy triều còn khoảng 1,5m thì bãi đá nổi cao thành một bãi san hô dài khoảng 50m, rộng từ 5 – 10m.

Ghi mãi các anh hùng hi sinh giữ đảo. ẢNH: VĂN NGỌC NHUẦN

Hiện nay, trên đảo đã lắp đặt 2 Trạm thu tín hiệu truyền hình vệ tinh. Trong dịp kỷ niệm 15 năm giải phóng quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ đảo Phan Vinh rất vinh dự, tự hào khi đảo được mang tên người anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh – Thuyền trưởng tàu không số (quê ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Anh đã anh dũng hy sinh trên con đường huyền thoại – đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, mãi mãi để lại tuổi thanh xuân thắm sắc biển xanh. Phát huy truyền thống đoàn Trường Sa anh hùng, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chiến sĩ đảo Phan Vinh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc, được công nhận “Đơn vị quyết thắng” các năm 1980, 1981, 1984, 1991, 1993, 2003, 2004, 2005… Nhiều cá nhân được tặng thưởng huân chương các loại. Tự hào với những thành tích đạt được, các thệ hệ cán bộ, chiến đảo Phan Vinh luôn sát cánh bên nhau, đồng cam cộng khổ, đoàn kết, một lòng khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thay mặt đoàn công tác Sóc Trăng, đồng chí Phan Lệ Hồng trao quà cho các chiến sĩ trên đảo Phan Vinh anh hùng. Đồng chí Lâm Phương – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xúc động và quả quyết: “Trong công tác tuyên truyền sắp tới, cần phải tiếp tục khẳng định chủ quyền biển, đảo; nêu cao lòng yêu nước, ý thức bảo vệ chủ quyền; coi đó là quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam. Nêu bật hình ảnh người chiến sĩ Hải quân – dũng cảm, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng trấn giữ các đảo tiền tiêu của Tổ quốc; không ngại khó khăn gian khổ, kể cả với tính mạng của mình. Qua đó, cần xây dựng tình cảm trong sáng cho mọi người, nhất là đối với thế hệ trẻ, sinh viên, học sinh bằng tinh thần hướng ra biển Đông. Sẵn sàng cảm thông và làm một việc gì đó có ý nghĩa vì các chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm đứng ở tuyến tiền tiêu để bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: