• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ 7

02/02/2017 16:50 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Năm, 02/02/2017 | 16:50

Huyền thoại đảo Tiên Nữ

Sáng sớm, khi biển còn chìm trong giấc ngủ. Sóng nhẹ nhàng, gió mơn man như những lời ru mà không “nổi giận”, “lắc mình” như những ngày qua, chúng tôi đã thấy tòa nhà hình lục giác, 3 tầng, khiêm tốn nổi trên mặt biển. Đây là nơi được đón ánh mặt trời đầu tiên của Tổ quốc.

Trong các đảo nổi, đảo chìm, bãi ngầm mà chúng tôi đặt chân đến, có lẽ đây là nơi đóng quân “khiêm tốn” nhất, nhỏ nhất, lại ở tận cùng cực Đông, xa nhất trong quần đảo Trường Sa. Đảo này cũng là nơi hứng chịu bão đầu tiên khi đi ngang quần đảo. Tuy không nói ra, nhưng mọi người trong đoàn công tác đều cảm nhận được sự vất vả, thiếu thốn, thiệt thòi nhất và nhất là các chiến sĩ luôn phải cảnh giác, cả đường biển, đường không của lực lượng người nhái, tàu thuyền, máy bay nước ngoài trực chờ, xâm phạm chủ quyền lãnh hải nước ta, mà địch nhắm là đảo Tiên Nữ.

Phút quý hiếm thăm đảo Tiên Nữ. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Đảo Tiên Nữ là đảo chìm thuộc quần đảo Trường Sa, nằm ở vĩ độ 8025’ Bắc và 114039’ kinh độ Đông, cách Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) gần 400 hải lý, cách đảo Tốc Tan 33 hải lý về phía Đông. Chiều dài nhất khoảng 9km, chiều rộng nhất khoảng 8km, cao trung bình 0,3m. Đảo là một vành đai san hô khép kín, gắn với câu chuyện huyền thoại về một người con gái xuất hiện giữa biển khơi, mang đến bình yên cho vùng này.

Trượng úy Cao Hồng Hải – Đảo trưởng đảo Tiên Nữ, quê ở Quảng Ninh giải thích thêm: Theo truyền thuyết, trước kia, lòng hồ là miệng một núi lửa đã tắt, trong đó có nước ngọt quanh năm dù xung quanh là biển cả mênh mông. Vào những đêm trăng thanh gió mát, nhất là những đêm trăng rằm soi sáng, lung linh cùng sóng bạc, các nàng tiên nữ thường hay bay xuống nơi đây tắm, vì cảnh thơ mộng, hữu tình. Do say sưa đùa giỡn, có một nàng tiên nữ đến khi trời sáng mới hay nhưng quên đường về. Vì vi phạm luật trời, Thiên đình cho nước mặn tràn vào lòng hồ để các nàng không còn cơ hội xuống tắm nữa và nàng tiên nữ ấy bị hóa thạch thành hòn đảo này. Hai cụ rùa do quên nhiệm vụ, say sưa cùng cảnh vật, không nhắc nhở các nàng nên cùng chung số phận và phải ở lại đảo để bảo vệ nàng tiên nữ ấy. Mỗi khi ngư dân đi ngang qua đây, thành tâm khẩn nguyện thì có một người con gái thường hay xuất hiện, mang bình yên đến, mọi việc sẽ tốt lành. Và cụ rùa cũng sẽ phù hộ cho tàu thuyền, ngư dân được bình yên.

 Khi thủy triều xuống còn khoảng 0,7m, có những gò san hô nổi lên, nhiều và cao nhất là rìa Bắc và rìa Đông của đảo. Ở rìa Đông có 2 hòn đá “mồ côi” luôn cao hơn mặt nước biển, ngư dân gọi là hòn cụ Rùa rất thiêng. Khi thủy triều xuống còn 0,1m, toàn bộ vành đai ngoài mép san hô đều nổi cao lên, có thể đi bộ quanh đảo. Thềm san hô quanh đảo có chiều rộng từ 300 – 500m. Phía trong vành đai san hô là hồ. Chiều dài hồ khoảng 7,5km, chiều rộng hồ khoảng 3,4km.

Điều kiện thời tiết, thủy văn của đảo Tiên Nữ mang đặc điểm kiểu thời tiết, thủy văn của quần đảo Trường sa, mát về mùa hè, ấm về mùa đông; có 2 mùa mưa và mùa khô. Mùa Đông từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đây là thời kỳ sóng biển tương đối êm ả, ít giông, bão và không có thời tiết bất thường xảy ra. Chế độ thủy triều của đảo là nhật triều, một lần nước lên, một lần nước xuống. Lượng mưa phân bố không đều, về mùa khô cả tháng không có giọt nước mưa, về mùa mưa có ngày lên đến 300mm.

Tin vui hình ảnh từ đất liền. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Đảo Tiên Nữ có vị trí chính trị, quân sự, kinh tế quan trọng, nằm trong khu vực 3 của quần đảo Trường Sa. Từ đảo Tiên Nữ đến các đảo Tốc Tan, Núi Le, Phan Vinh và một số đảo ở phía Nam của quần đảo Trường Sa khoảng cách không xa, thuận tiện cho việc trao đổi thông tin, gặp gỡ, tiếp xúc giữa các đảo và là địa chỉ tin cậy của ngư dân các địa phương ra khơi đánh bắt trong khu vực này. Đảo nằm ngoài cùng của sườn phía Đông quần đảo Trường Sa, như một vị trí tiền tiêu của đảo, dể phát hiện mục tiêu từ xa tới; cùng với các đảo trong quần đảo tạo thành lá chắn ngoài cùng, bảo vệ sườn phía Đông của đất nước. Xung quanh đảo có nhiều loài tôm cá quý hiến, như: cá ngừ, cá mú, cá tráp, tôm hùm, rùa biển dễ dàng bắt, khai thác, chế biến phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Hiện trên đảo đã có nhà lâu bền, vừa là nơi học tập, sinh hoạt, công tác, ăn ở, nghỉ ngơi, vừa là công trình chiến đấu phòng thủ của đảo. Trong lòng hồ có phao buộc tàu, luồng ra vào có tiêu chỉ dẫn thuận tiện cho tàu thuyền.

Đại diện đoàn công tác Sóc Trăng cùng các tỉnh bạn đã trao những phần quà cho đảo. Ai ai cũng hồ hởi, nhất là khi các chị, các em trong đoàn văn công phục vụ, trông như “Lân gặp pháo” vậy. Ở đảo nuôi rất nhiều chó, chúng quấn quít bên chân như người nhà đi xa mới về. Tôi “dụ khị” hết mấy cục kẹo dừa mới chụp được ảnh chúng phóng xuống biển làm nhiệm vụ. Thiếu úy Lê Văn Sáng, sạm đen vì nắng, quê ở Nghệ An, chỉ tay ra chỗ lòng hồ, cho biết thêm: “Ở đây cá nhiều vô số, anh em đánh bắt để cải thiện bữa ăn. Còn nuôi chó vừa cho vui và vừa bảo vệ đảo nữa”. Xung quanh chân đảo khi chúng tôi ngồi nghỉ, từng đàn cá sặc sỡ, nhiều chủng loại bơi lội tung tăng, có nhiều con rất to, chẳng hề sợ nguy hiểm gì cả.

Lính cận vệ không hưởng lương. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Trong những năm qua, các chiến sĩ đảo Tiên Nữ luôn xử lý tốt các tình huống người nhái, tàu thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền lãnh hải nước ta. Các vụ việc luôn được giải quyết kịp thời, đúng đối sách, đảm bảo an toàn và báo cáo kịp thời với cấp trên, không để xảy ra các tình huống bất ngờ, bị động. Hàng năm, bộ đội trên đảo tập trung bổ sung các phương án chiến đấu, phòng ngự, bảo vệ đảo. Đặc biệt, đảo chú trọng đến các phương an đánh địch đổ bộ bằng đường biển, tập kích bằng đường không, đánh địch tập kích ban đêm; tổ chức hiệp đồng chiến đấu với các tổ, cụm chiến đấu, tàu trực và các đảo trong cụm. Tuy hoạt động tàu thuyền nước ngoài xung quanh khu vực đảo thường xuyên diễn ra, tăng cả về số lượng, cường độ và thời gian nhưng đảo vẫn luôn giữ đúng đối sách, vừa bảo vệ được đảo vừa giữ được môi trường hòa bình.

Ở hải đảo, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân đã quan tâm, giúp cải thiện rất nhiều về vật chất và tinh thần, nhưng trong đoàn công tác vẫn cảm nhận được sự hy sinh quyền lợi chính đáng của cá nhân những người đang ngày đêm âm thầm canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Điều này càng làm chúng tôi “áy náy” khi tình cờ đọc được những bài báo tường, những dòng nhật ký trên đảo. Tuy vậy, các anh vẫn kiên cường vượt qua những trở ngại đời thường ấy và luôn được sưởi ấm lòng, tăng thêm ý chí chiến đấu khi có người yêu, người vợ động viên. Tôi xin mạo muội trích dẫn nguyên văn một đoạn thơ của đất liền gửi ra mà tôi vô tình đọc được để độc giả cùng chia sẻ:

“Trái tim anh ở nơi Trường Sa ấy,

Chắc buồn và lạnh lắm phải không anh?

Nhưng không sao đã có em bên cạnh

Đốt lửa hồng sưởi ấm trái tim anh…”

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: