• Biển đảo quê hương

Ký sự Trường Sa - Kỳ cuối

08/02/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Hoàng Liên Phương
  • Thứ Tư, 08/02/2017 | 06:00

Gieo mầm xanh giữa biển khơi

Trong “rốn bão” của biển Đông, quần đảo Trường Sa thuộc đất mẹ Việt Nam vẫn hiên ngang tồn tại giữa phong ba, bão táp dập dùi, giữa cái lạnh như cắt da, cái nóng hầm hập như đổ lửa. Biển cả là vậy, có lúc dịu êm, mơn man như ru ngủ, nhưng có lúc nổi giận, gầm thét đến kinh hoàng. Trước những tính khí “thất thường” của biển cả, vậy mà những người lính hải quân Việt Nam vẫn ngày đêm kiên cường bám trụ để bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng phía cực Đông của Tổ quốc.

Đoàn cán bộ của Tỉnh ủy, HĐND, các ban ngành, đoàn thể tỉnh Sóc Trăng cùng Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam và Tư lệnh Hải quân Vùng 4 đã có chuyến công tác đầy cam go, thử thách ở quần đảo Trường Sa với 12 ngày đêm lênh đênh giữa gió to, biển động. Tuy vậy, cuộc hải hành trên 2.000 cây số kết thúc tốt đẹp và để lại nhiều ấn tượng khó quên; đặc biệt nhất là việc trồng rau xanh cải thiện bữa ăn trên các đảo chìm vốn… không có một “cục đất chọi chim”.

Sau 3 ngày lênh đênh giữa biển cả mênh mông sóng bạc đầu trắng xóa, tàu HQ 996 mới cập được cảng đảo đầu tiên cũng là đảo duy nhất mà tàu cập đảo được. Đó là đảo Trường Sa lớn, một trong những nơi có cột mốc chủ quyền lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là thủ phủ của huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND huyện Trường Sa Nguyễn Đại Dương, nước da sạm nắng, dẫn chúng tôi tham quan bãi cát trắng, đầy san hô tấp vào, đảo trưởng chỉ một vòng quanh đảo giới thiệu chi tiết về đảo Trường sa lớn cũng như tổng thể về quần đảo Trường sa thân yêu này.

Sau khi làm các thủ tục cần thiết, như thăm hỏi, động viên, giao lưu văn nghệ với các chiến sĩ; điều mà tôi quan tâm nhất là việc trồng rau xanh cải thiện bữa ăn mà khi ở đất liền tôi được nghe nhắc đến rất nhiều. Trường Sa là đảo nổi, mặt đảo bằng phẳng, thổ nhưỡng là cát san hô được phủ một lớp mùn mỏng lẫn phân chim nên có phần thuận lợi hơn trong việc trồng rau xanh so với các đảo khác. Tại các đảo Đá Tây, Phan Vinh, An Bang, Tiên Nữ, cụm nhà giàn Quế Đường, khu vực DK1… mà đoàn công tác đi qua, đa số là đảo chìm, được xây dựng trên các bãi san hô cạn hoặc thoi loi giữa biển nên không có nguồn nước ngọt ngầm và đất; chỉ có cát và nước biển, mọi việc trông vào trời mưa. Ngoài lương thực khô dự trữ, việc bổ sung thêm rau xanh rất cần thiết (chỉ sau nước uống ) nhưng địa thế như vậy rất khó khăn cho việc trồng trọt, chăm sóc. Tuy nhiên, với sự sáng tạo của anh  “Bộ đội Cụ Hồ”, các chiến sĩ hải quân cũng gieo được những mầm xanh giữa biển khơi gió lộng.

Thiếu tướng Nguyễn Cộng Hòa – Trưởng đoàn công tác cho biết thêm: “Thực vật ở Trường Sa có 2 nguồn gốc: sinh trưởng tự nhiên và do con người mang từ đất liền ra trồng. Thực vật sinh trưởng tự nhiên phổ biến là cay phong ba, cây bàng quả vuông, xương rồng, rau muống biển và một số cỏ sắc cạnh. Các loại mang từ đất liền ra như dừa, phi lao, bàng. Sinh trưởng củ thực vật rất khó khăn vì đất cằn cỗi, thiếu nước ngọt, gió mạnh, hơi nước mặn. Một số đảo thấp không có cây hoặc cây thưa thớt”. Do sự khắc nghiệt của thời tiết, việc trồng rau trên quần đảo được tính toán hết sức cẩn trọng. Những loại rau có thể chịu đựng được là cải xanh, rau muống, bí đao, mồng tơi. Đối với những đảo lớn, khi trồng rau chọn lựa những mảnh đất bằng phẳng, thấp, xung quanh được xây tường bao bọc, từng ô từng ô một để che chắn khi có bão hay gió to, nhất là những tháng giáp tết thường hay có sương muối là chết rau. Với những đảo chìm, do không có diện tích, đất phải chở từ đất liền ra nên chọn lựa trồng rau trong các khay nhựa, chỉ trồng được rau muống và cải xanh. Tùy đảo lớn nhỏ, số lượng khay nhiều hay ít, những vẫn phải đảm bảo trong bữa ăn có rau xanh. Mỗi khay như vậy, trồng được 4 hàng, mỗi hàng 6 cây.

Riêng nước tưới cho rau vào những tháng mùa khô phải tận dụng từ nguồn nước vo gạo, nước sinh hoạt hằng ngày trữ lại, vì nguồn nước mưa dự trữ là để phòng thủ;  nấu nướng, ăn uống còn thiếu hụt nói chi tới chuyện tưới cho rau. Với đảo nhỏ, việc tắm giặt, sử dụng nước trong sinh hoạt hàng ngày cũng có chỉ tiêu hẳn hoi. Chỉ những tháng mưa thì cây không sợ thiếu nước và sợ bị bão dập dùi không sống được. Mỗi ngày vào lúc sáng sớm và chiều tối, thậm chí lúc nửa đêm, mỗi đơn vị đều cử chiến sĩ ra bắt sâu, chăm chút từng cọng lá và có nhiệm vụ phủ tấm bạt nilông khi có sương muối hay bão, giông lớn làm nước biển tràn lên. Đại úy Cao Hồng Hải – Đảo trưởng đảo Tiên Nữ cho biết: “Khi hái rau vào ăn, mỗi cây cải chỉ được cắt từng chiếc lá một, lá dưới cùng ăn trước, cứ thế xoay vòng để còn chừa cho những ngày sau. Rau muống cũng vậy, cắt từng cọng xen kẽ ở mỗi khay, chứ không được cắt một lượt cả khay. Đảo nào cũng phải có một vườn rau mini để cải thiện bữa ăn”.

Sức sống từ bàn tay lính trẻ. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

Trong đoàn công tác của Sóc Trăng biết được việc trồng và chăm sóc rau xanh hết sức cực nhọc như vậy, nhiều chị đã không cầm được nước mắt khi một anh lính trẻ hái hoa bí tặng cho các chị, tượng trưng cho tấm lòng biển cả với đất mẹ dấu yêu. Các anh ôm chầm các chị như những đứa em, đứa con gặp lại người chị, người mẹ ở quê nhà. Tình cảm quân dân cá nước sao mà da diết, thiêng liêng đến thế!

Đêm trên quần đảo Trường Sa, nhìn những anh lính hải quân dùng đèn pin soi rọi từng chiếc lá cải, từng cọng rau muống, nếu lá nào bị sâu, phải tìm cho ra con sâu ấy, rồi lấy kéo cắt phần sâu ăn, chừa lá lại để tiếp tục sinh trưởng, tôi tự cảm thấy hổ thẹn cho mình. Bởi vì trong đất liền, mình đã nhiều lần phí phạm, có khi bỏ cả rổ rau dù chỉ mới heo héo hoặc chỉ có một vài lá bị sâu ăn; thậm chí khi đi ăn ở quán xá lại thừa mứa rau cải mà không biết trân trọng công sức của người trồng trọt. Sau khi chăm sóc các “vườn rau” về, các chiến sĩ nhường giường cho chúng tôi ngủ, trải chiếu phơi sương hay ra các chốt canh trực chiến suốt đêm. Chúng tôi cùng thức tâm sự với các anh tới sáng lúc nào không hay, đến khi tàu nhổ neo vẫn còn quyến luyến vì nhiều chuyện về trồng rau xanh, về đời lính chưa nói hết trong đêm.

Mỗi khi nhớ đến những “vườn rau mini” đó, tôi bỗng thấy chạnh lòng. Nhưng tôi tin các anh vẫn kiên cường vượt qua những trở ngại đời thường và luôn được sưởi ấm lòng, tăng thêm ý chí chiến đấu khi có những tấm lòng của đất mẹ luôn hướng về Trường Sa. Những mầm xanh giữa biển khơi vẫn luôn tươi tắn mỗi bận xuân về như nụ cười của các anh lúc tiễn chúng tôi xuống tàu tiếp tục cuộc hải hành đầy sóng gió. Trường Sa ơi, Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa!

Tác giả bên cây phong ba trên đảo Trường Sa. Ảnh: VĂN NGỌC NHUẦN

HOÀNG LIÊN PHUƠNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: