• Biển đảo quê hương

Tích cực trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển

04/10/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: K.Thoa
  • Thứ Năm, 04/10/2018 | 06:00

STO - Trong những năm qua, việc trồng và bảo vệ rừng luôn được tỉnh coi trọng, đặc biệt đối với rừng phòng hộ ven biển. Vì vậy, diện tích rừng nói chung, rừng phòng hộ ven biển nói riêng ngày càng tăng lên, góp phần bảo vệ đê biển, giảm nhẹ thiên tai và điều hòa khí hậu, cải thiện đời sống bà con vùng ven biển.

Lực lượng đoàn viên, thanh niên phối hợp với chính quyền địa phương trồng rừng phòng hộ. 

Tỉnh ta có 72km bờ biển, khu vực bãi bồi ven biển gần 54.000ha, trong đó, bãi bồi có rừng phòng hộ trên 7.000ha, chiếm 2,6% độ che phủ rừng trong toàn tỉnh, phân bố tập trung ở huyện: Cù Lao Dung, Trần Đề và TX. Vĩnh Châu, đã tạo nên một hệ thống vành đai xanh, với hệ thực vật phong phú, đa dạng và là nơi cung cấp thức ăn, sinh sản, trú ngụ của các loài thủy sản. Hệ thống rừng phòng hộ ven biển không chỉ góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn mang nhiều lợi ích cho người dân sinh sống dưới tán rừng, phát triển kinh tế của địa phương.

Bên cạnh những tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển thì Sóc Trăng cũng được dự báo là một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng gây ra. Trước tình hình đó, vấn đề quy hoạch, phát triển rừng ngập mặn, rừng phòng hộ bảo vệ đường bờ, giảm nhẹ thiên tai và điều hòa khí hậu trở nên cấp bách.

Diện tích rừng phòng hộ ngày càng tăng và phát triển xanh tốt. Ảnh: K. Thoa

Trao đổi với chúng tôi, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng Trần Trọng Khiêm cho biết: “Nhận thức được vai trò to lớn và tầm quan trọng của rừng phòng hộ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, thời gian qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp để quản lý tốt rừng ven biển. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao nhận thức người dân trong việc khai thác bền vững nguồn lợi ven biển, dưới tán rừng”.

Để duy trì và bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án trồng và bảo vệ rừng phòng hộ mang lại hiệu quả tích cực. Chỉ trong năm 2017, tỉnh đã trồng mới thêm được gần 200ha rừng, nâng diện tích đất có rừng từ 10.600ha năm 2016 tăng lên trên 10.800ha vào cuối năm 2017, trong đó, diện tích rừng phòng hộ ven biển chiếm hơn 7.000ha. Hiện nay, ngoài diện tích rừng phòng hộ đã trồng 3,5ha thì các ngành chức năng, hội, đoàn thể, địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai trồng rừng thuộc các dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển và dự án chống xói lở, gây bồi, trồng cây ngập mặn chống xói lở bảo vệ đê biển ở các xã thuộc TX. Vĩnh Châu.

Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Hòa (TX. Vĩnh Châu) Trương Văn Vũ cho biết: “Trên địa bàn xã có 4km bờ biển, chúng tôi luôn xác định việc trồng và bảo vệ rừng là việc làm quan trọng gắn với quá trình phát triển toàn diện của xã. Từ đó, phối hợp với ngành chức năng và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát; đồng thời thành lập tổ trồng và bảo vệ rừng nên diện tích rừng của xã hàng năm đều tăng. Đến thời điểm này, xã có trên 170ha rừng phòng hộ ven biển”.

Cùng với việc mở rộng diện tích rừng phòng hộ thì ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ cho các hộ dân. Theo lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, tính đến thời điểm này, đơn vị đã mở được 15 lớp tập huấn, với hơn 400 lượt người tham dự. Qua đó, tuyên truyền cho bà con hiểu rõ hơn về vai trò của rừng ngập mặn đối với đời sống và biến đổi khí hậu.

Năm 2009, được sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác kỹ thuật Cộng hòa Liên bang Ðức (gọi tắt là GIZ), thông qua Dự án Quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp xây dựng 3 mô hình “Đồng quản lý rừng ngập mặn” tại các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và TX. Vĩnh Châu. Hiện nay, hầu hết các nhóm đồng quản lý đều hoạt động có hiệu quả, hơn 500 hộ dân tham gia thực hiện rất tốt việc quản lý bảo vệ rừng và phát triển các mô hình nông, lâm, ngư kết hợp. Từ đó, người dân có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc khai thác thủy sinh dưới tán rừng, hạn chế được nạn chặt phá rừng trái phép, tạo động lực để bà con tích cực, tự nguyện tham gia vào công tác bảo vệ rừng. Từ đó, công tác quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều thuận lợi hơn. Đây cũng được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng.

Đồng chí Trần Trọng Khiêm cho biết thêm: “Việc trồng rừng đã khó nhưng công tác bảo vệ rừng cũng rất gian nan, vì thế chúng tôi tiếp tục nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, tuyên truyền, vận động để mỗi cán bộ, người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc bảo vệ rừng. Phối hợp với ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên tuần tra, kiểm soát để ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng và xử lý nghiêm minh đối tượng vi phạm để răn đe. Ngoài ta, tiếp tục triển khai các chương trình, dự án trồng rừng, đặc biệt là diện tích rừng phòng hộ ven biển. Đầu tư xây dựng lồng ghép các dự án chuyển đổi nghề, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho ngư dân vùng ven biển nhằm giảm bớt áp lực về chặt phá rừng, khai thác quá mức làm hủy diệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Khuyến khích và tạo điều kiện để người dân làm nghề rừng sống được và làm giàu bằng chính nghề rừng”.

Để phát triển rừng phòng hộ mang tính bền vững thì cần lắm sự chung tay giúp sức, quan tâm của chính quyền các cấp, sự hỗ trợ từ các dự án và sự tham gia của cộng đồng ngư dân, các nhóm đồng quản lý ven biển nhằm bảo vệ các khu rừng ngập mặn. Qua đó, góp phần ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập của ngư dân và giữ gìn môi trường sống trước thách thức của quá trình biến đổi khí hậu.

K. Thoa

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: