• Chính quyền

Năng động, sáng tạo để hoạt động của HĐND đạt hiệu quả

04/07/2018 11:36 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Tư, 04/07/2018 | 11:36

STO - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đồng chí Uông Chu Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã dự và có bài phát biểu quan trọng. Báo Sóc Trăng lược ghi và trân trọng giới thiệu đến bạn đọc.

Qua theo dõi tình hình của tỉnh và nghe báo cáo tại kỳ họp hôm nay, tôi rất phấn khởi và đồng tình với những kết quả mà tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Một số chỉ tiêu tăng trưởng đáng chú ý là sản lượng nông nghiệp tăng 5%, bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho các hộ nông dân trồng lúa, sản xuất cây công nghiệp ngắn ngày tăng 7,2%, đa số các sản phẩm công nghiệp của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ.

Đặc biệt doanh thu ngành du lịch đạt 427.922 tỉ đồng, tăng 28,1%; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, tình hình thu hút đầu tư có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã tổ chức thành công “Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 và phát động khởi nghiệp” với sự tham dự của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, nhiều dự án với quy mô lớn đã được tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.

Các chính sách an sinh xã hội, chăm lo người có công, xóa đói giảm nghèo được quan tâm tích cực thực hiện. Những kết quả trên là tiền đề quan trọng góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII của tỉnh Sóc Trăng.   

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà các đồng chí đạt được trong thời gian qua.

Đồng chí Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội. Ảnh: H.Lan

Bên cạnh đó, tôi cũng xin chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà tỉnh đang phải đối mặt như: Sóc Trăng vẫn đang là tỉnh nghèo. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp. Tái cơ cấu và chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm. Tình hình sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, giá mía, tôm giảm thấp. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chưa đạt. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo bình quân vẫn cao nhất ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (gần 28%). Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư còn chậm. Môi trường đầu tư tuy có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng còn xảy ra. Việc đa dạng hóa các loại hình giáo dục còn chậm. Ô nhiễm môi trường ở một số nơi khá bức xúc, nhất là tình trạng ô nhiễm tại các sông, kênh, rạch trong khu dân cư...

Vì vậy, các đại biểu HĐND cần tập trung thảo luận, phân tích làm rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan, tìm ra các giải pháp thiết thực, đồng bộ để tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả khắc phục các hạn chế, yếu kém bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế bền vững; bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo.  

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV cũng vừa kết thúc với không khí làm việc sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và trách nhiệm, có nhiều đổi mới, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao. Quốc hội đã thảo luận và đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch năm 2018; thông qua 7 luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trong đó, đáng chú ý là Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo (sửa đổi), cho ý kiến lần thứ 2 về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi); quyết định lùi chưa thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt để tiếp tục hoàn thiện bảo đảm chất lượng, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta.

Việc cải tiến cách thức thực hiện giám sát thông qua chất vấn đã tạo điều kiện tăng số lượt đại biểu Quốc hội chất vấn, tranh luận, đi đến cùng từng vấn đề, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, trách nhiệm giải trình của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đối với nhiều vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm.

Phát huy tinh thần đó, tôi mong rằng kỳ họp thứ 11 của HĐND tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ là một kỳ họp của sự đổi mới, trách nhiệm và trí tuệ, giải quyết được những vấn đề vướng mắc, khó khăn đã được các đồng chí nhận diện để tiếp tục thúc đẩy kinh tế phát triển, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Các biện pháp được HĐND thảo luận và ra nghị quyết, những vấn đề được lựa chọn để giám sát, chất vấn tại kỳ họp này phải gắn với đời sống thực tiễn, những vấn đề bức xúc của địa phương được cử tri phản ánh qua các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND, góp phần triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng đã được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.

Đó là, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách khuyến khích và hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để thu hút đầu tư vào ba lĩnh vực ưu tiên đã được tỉnh xác định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua là nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tiềm năng và lợi thế của tỉnh để phát triển bền vững.

Đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, chính sách đối với người có công; hỗ trợ phát triển sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; quan tâm hơn nữa công tác giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, giải quyết việc làm cho nhân dân.

Chú trọng công tác giữ vững an ninh chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, chủ động phát hiện và ngăn chặn từ xa các hoạt động chống phá, chia rẽ của các lực lượng cơ hội, phản động..

Đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: M.Linh

Ở địa phương, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Các quy định của pháp luật đã khá đầy đủ, điều quan trọng là áp dụng như thế nào trong thực tế của mỗi địa phương. Tôi xin nêu ra 3 nội dung, nếu các đồng chí làm tốt thì sẽ góp phần nâng cao vai trò và vị trí của HĐND.

Một là công khai, dân chủ. Cần phát huy dân chủ trong mọi hoạt động của các đại biểu HĐND, các cơ quan tổ chức với nhân dân. Tôi cho rằng HĐND nên làm và có thể làm được, làm tốt việc này. Có như vậy mới tăng cường sự tham gia của nhân dân vào hoạt động quản lý nhà nước. Tôi cũng đề nghị các vị đại biểu HĐND cần bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với cử tri, lắng nghe ý kiến nhân dân, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri thường xuyên để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.  

Hai là tăng cường giám sát. Hệ thống chính trị của chúng ta có nhiều cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhưng giám sát của HĐND là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước ở địa phương, vì vậy, nó mang lại hiệu quả cao nếu biết phát huy tốt. Tôi được biết trong năm 2018, các đồng chí đã và đang thực hiện nhiều cuộc giám sát chuyên đề như giám sát thực hiện Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo hiểm xã hội, giám sát thực hiện đầu tư công và rất nhiều các đoàn giám sát, khảo sát khác về công tác triển khai thực hiện các công trình trọng điểm, việc thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Điều đó chứng tỏ hoạt động giám sát được chú trọng, nhưng số lượng phải đi kèm chất lượng, giám sát phải phát hiện trúng, đúng vấn đề, xác định rõ trách nhiệm, đề ra được các giải pháp, tiến độ thực hiện; phải kiên trì theo dõi, đôn đốc các cơ quan giải quyết kiến nghị sau giám sát.

Thời gian từ nay đến kỳ họp cuối năm, các đồng chí cần chuẩn bị kỹ các điều kiện để tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu, bảo đảm thực chất, chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.

Ba là cần năng động, sáng tạo. Để hoạt động của HĐND đạt hiệu quả thì rất cần sự năng động, sáng tạo của các đại biểu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật. Các đại biểu HĐND hoạt động kiêm nhiệm cũng cần phát huy tính chủ động của mình trong hoạt động, không chỉ hoạt động trong kỳ họp HĐND mà cả trong hoạt động giữa hai kỳ họp, tránh thụ động trông chờ vào chỉ đạo của Thường trực và các ban của HĐND. Bên cạnh đó, cũng cần kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động của HĐND với các cơ quan của Quốc hội, với Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh.   

Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh là dịp để các đồng chí nhìn lại, đánh giá những gì đã làm được, chưa làm được trong 6 tháng đầu năm, từ đó đề ra phương hướng, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm. Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xin chúc Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy những kinh nghiệm và thành tựu đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, cố gắng hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã được đề ra trong nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, tiếp tục thực hiện tốt cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội và Chính phủ về tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và công tác cán bộ.

H.Lan (lược ghi)

* Tựa do Báo Sóc Trăng đặt.

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: