• Chính quyền

Xung quanh việc kỷ luật “khiển trách” nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng

04/09/2017 11:08 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Hai, 04/09/2017 | 11:08

STO - Những ngày qua, dư luận bàn tán chung quanh việc bà Mai Thi - nguyên Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng bị thi hành kỷ luật khiển trách về mặt Đảng. Được biết, dù bà Mai Thi say mê nghiên cứu khoa học nhưng đã nóng vội, thực hiện sai sót về thủ tục, vượt nhiệm vụ của đơn vị, nên việc Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Sóc Trăng xử lý vi phạm đối với bà Thi là đúng quy định, “hợp lý, hợp tình”. Hiện bà Thi cũng đã thấy rõ thiếu sót, khuyết điểm, nghiêm túc chấp hành và rút kinh nghiệm sâu sắc.

Làm rõ vi phạm

Trong quá trình công tác, bà Mai Thi đã tích cực tham gia nghiên cứu thành công hai chế phẩm sinh học – vi sinh vật xử lý hầm cầu vệ sinh gồm: ST Bacilli 1 (chế phẩm dạng bột) và ST Bacilli 2 (chế phẩm dạng lỏng). Đầu năm 2016, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã được Công ty Cổ phần Chứng nhận và giám định Vinacert chứng nhận 2 chế phẩm này phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn TCVN 7304-1:2003 và TCVN 7304-2:2003. Theo Nghị định số 60/2016/NĐ-CP, ngày 1-7-2016 của Chính phủ, chế phẩm sinh học xử lý hầm cầu vệ sinh của Trung tâm muốn được lưu hành thì phải được khảo nghiệm dưới sự giám sát của Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và Môi trường, đồng thời nộp hồ sơ về Tổng cục Môi trường để xem xét đánh giá cấp giấy phép lưu hành. Tuy nhiên, do Trung tâm gặp khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất, nhân lực, nên trong kế hoạch hoạt động năm 2017 không tiếp tục đầu tư sản xuất 2 chế phẩm này. Theo đó, ngày 21-7-2017, hai chế phẩm sinh học xử lý hầm cầu vệ sinh ST Bacilli 1 và ST Bacilli 2 bị đình chỉ hiệu lực chứng nhận.

Tiếp tục thực hiện đam mê nghiên cứu khoa học, bên cạnh 2 chế phẩm ST Bacilli 1 và ST Bacilli 2, vừa rồi, bà Mai Thi đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp cơ sở với Đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh học xử lý rác hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng”. Bà Thi còn thực hiện đề tài với Trường Đại học Cần Thơ về “Phân lập, tuyển chọn định danh các dòng vi khuẩn phân giải Celullose từ rác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng”. Nội dung nghiên cứu của đề tài là thu thập, phân lập và định danh các dòng vi khuẩn có tại các bãi rác trong tỉnh Sóc Trăng; chọn lọc các dòng vi khuẩn có hiệu suất xử lý rác thải cao, ứng dụng thử nghiệm nguồn chế phẩm ở các bãi rác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; khảo nghiệm chất lượng phân hữu cơ vi sinh trên cây lúa ở Sóc Trăng.

Sự nỗ lực nghiên cứu khoa học và đạt được kết quả có tính ứng dụng cao của bà Mai Thi đáng được trân trọng. Vấn đề ở đây là bà Mai Thi thử nghiệm, khảo nghiệm, đưa chế phẩm này dùng trong nuôi tôm… là không đúng quy định hiện hành. Trước đây, với vai trò là Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường, bà Mai Thi đã phối hợp tổ chức 15 cuộc hội thảo, tập huấn tại các huyện, thị xã trong tỉnh hướng dẫn kinh nghiệm nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh học ST Bacilli + MT và ký biên bản thỏa thuận cung cấp chế phẩm sinh học này trong mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng cho 30 hộ dân thuộc 6 xã và tổ hợp tác trong tỉnh. Bà thực hiện việc này là không đúng với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm theo Quyết định số 235-QĐ/CTUBND, ngày 29-5-2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng. Bà Thi còn cung cấp chế phẩm sinh học ST Bacilli + MT (chế phẩm của cá nhân bà đang nghiên cứu) cho các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng trong khi chế phẩm này chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam và bà có một số vi phạm khác…

Xử lý đúng quy định

Từ những vi phạm trên, ngày 22-8-2017, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Sóc Trăng cùng Đảng ủy Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành kiểm điểm và làm rõ những vi phạm, khuyết điểm của bà Mai Thi, sau đó tiến hành ra quyết định thi hành kỷ luật với hình thức “khiển trách” đối với bà Mai Thi. Sau khi có quyết định khiển trách, Sở Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 40/STNMT-VP, ngày 30-8-2017 trả lời không bổ nhiệm lại chức vụ Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đối với bà Mai Thi, do không đủ điều kiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và đề nghị lãnh đạo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường phân công nhiệm vụ cụ thể cho bà theo thẩm quyền. Hiện bà Mai Thi đang công tác tại Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng.

Bà Mai Thi phát biểu tại buổi họp mặt trí thức tỉnh Sóc Trăng năm 2017. Ảnh: Tư liệu STO

Trao đổi với chúng tôi, bà Mai Thi cho biết: Bà rất cảm ơn đoàn kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh Sóc Trăng, vì qua kiểm tra, kiểm điểm bà đã nhận thấy bản thân còn sai sót quá nhiều về thủ tục hành chính và quy định của Đảng. Quyết định kỷ luật về mặt Đảng đối với bà là đúng và bà cũng đồng ý hoàn toàn. Tuy nhiên, bà nhận thấy việc nghiên cứu sản phẩm trên không đi ngoài lợi ích chung, đáp ứng mong muốn của nông dân, không vụ lợi, chỉ quá đam mê nên làm vượt nhiệm vụ của đơn vị, của ngành. Bà tha thiết muốn được tiếp tục công việc nghiên cứu các chế phẩm sinh học này để phục vụ cho lĩnh vực, giải pháp bảo vệ môi trường.

Tiếp tục chăm lo nghiên cứu khoa học

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng luôn rất trân quý đội ngũ trí thức, các nhà khoa học. Bên cạnh việc thường xuyên tổ chức họp mặt gặp gỡ đội ngũ trí thức, các nhà khoa học trong tỉnh để lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, đóng góp đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, lãnh đạo tỉnh còn quyết liệt chỉ đạo thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến khích, tạo mọi điều kiện để các nhà khoa học nghiên cứu, tạo ra sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo đó, bà Mai Thi cũng được tỉnh lo chi phí, cử đi học theo Đề án Sóc Trăng 150 (đào tạo cán bộ sau đại học) để bà tham dự chương trình đào tạo Tiến sĩ tại Trường Đại học Cần Thơ. Bản thân bà Mai Thi cũng đã nỗ lực học tập, nghiên cứu để xứng đáng với sự quan tâm này và mong rằng, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có chính sách hỗ trợ kinh phí, huy động nguồn nhân lực để sản phẩm do bà nghiên cứu thành công được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, mang lại lợi ích cho người nông dân.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại buổi họp mặt trí thức tỉnh Sóc Trăng năm 2017. Ảnh: Tư liệu STO

Tới đây, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục quan tâm lãnh đạo, tập trung huy động và đầu tư nguồn lực, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có tính ứng dụng cao, đẩy mạnh đầu tư cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất và đời sống người dân tại địa phương. Phát biểu tại buổi họp mặt trí thức đầu năm 2017, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh: Tỉnh ủy trân trọng những cống hiến mà đội ngũ trí thức đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà; đồng thời, tiếp thu những ý kiến đóng góp xây dựng của các đại biểu trong buổi họp mặt. Đây là cơ sở để tỉnh nghiên cứu và chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị thực hiện. Mong muốn đội ngũ trí thức tỉnh nhà tiếp tục đóng góp, đề xuất, phản biện nhiều hơn nữa đối với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị. Đặc biệt chú trọng, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp; phát triển mạnh hơn nữa các khu, cụm công nghiệp… Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra là “phấn đấu đến năm 2020 đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Chủ trương đẩy mạnh quan tâm chăm lo cho nghiên cứu khoa học của lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng là nhất quán. Thiết nghĩ qua vụ việc trên, các tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu khoa học cũng phải nghiêm chỉnh tuân thủ quy trình, quy định nghiên cứu, ứng dụng để thành quả nghiên cứu thật sự trở thành sản phẩm khoa học phục vụ thiết thực cho cuộc sống.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Sóc Trăng theo Quyết định số 235/QĐTC-CTUBND, ngày 29-5-2008 của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng được quy định như sau: Thực hiện quan trắc và phân tích các chỉ tiêu môi trường nước (nước mặt, nước ngầm, nước thải…), môi trường không khí, vi khí hậu, môi trường đất, chất thải rắn, môi trường sinh thái và tiếng ồn; quan trắc, giám sát khi có nguy cơ sự cố và gia tăng ô nhiễm môi trường, tham gia phối hợp khắc phục sự cố ô nhiễm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao; tổng hợp, phân tích hiện trạng môi trường và đề xuất, kiến nghị các phương án, giải pháp xử lý, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước để thực hiện các chương trình, dự án về quản lý, nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá tác động môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường; tham gia, phối hợp thực hiện các đề tài, dự án về tài nguyên và môi trường; phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ tài nguyên và môi trường; thực hiện các hoạt động dịch vụ khoa học – kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; quản lý viên chức, người lao động và tài chính, tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành của Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường giao.

Minh Trường

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: