Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20-8-1888 - 20-8-2018)

Bác Hồ - Bác Tôn, hình ảnh cao đẹp của tình đoàn kết nam - bắc một nhà, biểu tượng thiêng liêng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam

18/08/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử
  • Thứ Bảy, 18/08/2018 | 06:00

Mỗi người dân đất Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc cũng như kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, đã từ lâu hết sức trân trọng hình ảnh Bác Hồ nắm tay, chúc mừng Bác Tôn được Quốc hội nhất trí bầu làm Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Bức ảnh chụp hôm ấy là ngày 15-7-1960 tại hội trường Quốc hội.

Kể từ đó, bức ảnh Bác Hồ và Bác Tôn tại Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được giới thiệu rộng rãi với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Bức ảnh thiêng liêng có Bác Hồ, người con của quê hương Nghệ An đại diện cho 17 triệu đồng bào miền bắc và Bác Tôn, người con của quê hương An Giang - Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc” đại diện cho 14 triệu đồng bào miền nam ruột thịt đã trở thành hình ảnh cao đẹp của tình đoàn kết nam - bắc một nhà, là biểu tượng thiêng liêng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.

Còn nhớ, tháng 4-1919, mặc dù Đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) đã kết thúc, chính phủ Pháp vẫn điều động một hạm đội gồm năm chiến hạm tiến vào biển Hắc Hải để tiến công nước Nga Xô-viết non trẻ. Ngày 20-4-1919, Tôn Đức Thắng - người thợ máy Việt Nam duy nhất trên chiến hạm Pháp lúc đó đã dũng cảm kéo lá cờ đỏ trên cột cờ của chiến hạm nhằm biểu thị sự đoàn kết với Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại mà anh từng được nghe, biết và có cảm tình từ lâu. Sau khi bị chính quyền Pháp trục xuất về nước, năm 1920, Tôn Đức Thắng về Sài Gòn thành lập Công hội bí mật. Tháng 8-1925, đồng chí lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son. Năm 1926, đồng chí tham gia Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Năm 1927, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và Kỳ bộ Nam Kỳ. Cuối năm 1929, đồng chí Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt trong vụ án Barbier, bị kết án 20 năm khổ sai, đày ra Côn Đảo. Đầu tháng 9-1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Nam Bộ cử một phái đoàn đưa tàu ra đón Bác Tôn cùng 1.500 người tù khác bị giam giữ ở nhà tù Côn Đảo trở về đất liền. Ngay trong ngày “Nam Bộ kháng chiến” 23-9-1945, đồng chí được bổ sung vào Xứ ủy và phân công phụ trách Ủy ban kháng chiến Nam Bộ kiêm chỉ huy các lực lượng vũ trang Nam Bộ. Theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, cuối tháng 2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định điều động đồng chí ra Thủ đô Hà Nội đảm nhiệm các trọng trách mới của Đảng, Nhà nước. Ngày 6-1-1946, lần đầu trong lịch sử dân tộc, hàng triệu công dân nước Việt Nam độc lập từ 18 tuổi được cầm lá phiếu đi bầu đại biểu Quốc hội khóa I. Khi đó, cả nước có 403 đại biểu (Bắc Bộ 152, Trung Bộ 108, Nam Bộ 73, còn 70 đại biểu không qua bầu cử) với 87% là công nhân, nông dân, 10 đại biểu là phụ nữ. Người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng mới ở nhà tù đế quốc trở về đã được cử tri Sài Gòn - Chợ Lớn đại diện nhân dân Nam Bộ bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa I, họp ở Hà Nội năm 1955, đồng chí được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.

Sau ngày hội toàn dân đi bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên, nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của cách mạng và đất nước, tập hợp rộng rãi các lực lượng yêu nước trong nhân dân cùng với Mặt trận Việt Minh, tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam được thành lập với “Mục đích đoàn kết tất cả các đảng phái yêu nước và đồng bào yêu nước vô đảng phái, không phân biệt giai cấp, tôn giáo, xu hướng chính trị, chủng tộc để làm cho nước Việt Nam: Độc lập - Thống nhất - Dân chủ - Phú cường” (Cương lĩnh Hội). Chủ tịch Hồ Chí Minh được suy tôn làm Hội trưởng danh dự, cụ Huỳnh Thúc Kháng là Hội trưởng và đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Phó hội trưởng Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt). Tháng 1-1948, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (2-1951), Bác Tôn tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Ngày 3-3-1951, Đại hội toàn quốc thống nhất Mặt trận Việt Minh với Hội Liên Việt thống nhất lấy tên là Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Mặt trận Liên Việt), đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Liên Việt, Bác Hồ được suy tôn làm Chủ tịch danh dự. Tại Đại hội thành lập Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam ngày 10-9-1955, Bác Tôn tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. Suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cũng là 20 năm Bác Tôn liên tục được T.Ư Đảng tin tưởng, các tầng lớp nhân dân yêu kính, các ủy viên T.Ư Mặt trận đồng lòng suy tôn làm Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam (từ tháng 9-1955 đến tháng 2-1977) và Chủ tịch danh dự Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cho đến ngày qua đời (30-3-1980). Cũng trong thời gian đó, Bác Tôn còn đảm nhiệm nhiều trọng trách: Tổng Thanh tra Chính phủ, Quyền Bộ trưởng Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Chủ tịch danh dự Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội trưởng Hội hữu nghị Việt Nam - Liên Xô, Chủ tịch danh dự Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới...

Hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn trở nên thiêng liêng, cháy bỏng cho khát vọng hòa bình, thống nhất, của tình đoàn kết nam - bắc một nhà, biểu tượng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Biết bao cán bộ miền nam tập kết, biết bao nam, nữ thanh niên miền bắc xung phong lên đường nhập ngũ, vượt Trường Sơn vào nam chiến đấu đã nâng niu, gìn giữ tấm hình Bác Hồ - Bác Tôn trong sổ tay, trong ba-lô, quân tư trang cá nhân như một kỷ vật quý giá, thiêng liêng. Biết bao chiến sĩ quân giải phóng miền nam, những chiến sĩ biệt động thành, dân quân du kích, nhân dân trong vùng tạm chiếm nâng niu, gìn giữ hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn trong tâm khảm, trong con tim, khối óc như nguồn cổ vũ, động viên, là sức mạnh tinh thần vô giá trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược.

Cũng vì hình ảnh Bác Hồ - Bác Tôn trở thành biểu tượng thiêng liêng, cao quý của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam nên các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam trong các chuyến đi công tác, về thăm địa phương, cơ sở, thăm các đơn vị lực lượng vũ trang vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thường mang theo tấm ảnh Bác Hồ - Bác Tôn làm quà tặng cho tập thể hay phần thưởng cho cá nhân có thành tích… Cống hiến của Bác Tôn cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung và cho MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ là vô cùng to lớn. Để ghi nhớ công ơn to lớn của Bác Hồ và Bác Tôn, ngày nay, hầu như ở tất cả các trụ sở của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đều có khung ảnh Bác Hồ - Bác Tôn, biểu tượng cao đẹp của MTTQ Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo nên sức mạnh, giúp chúng ta vượt qua biết bao khó khăn, thử thách trong thời kỳ Đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, dân chủ, văn minh, tiến bộ, sánh vai các cường quốc năm châu.

                                                                            Nguyễn Tuấn Anh

Ủy viên T.Ư MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Tuyên giáo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: