“Cách mạng Tháng Mười Nga mang đến cho Việt Nam sự thay đổi lớn lao”

29/10/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo điện tử VOV
  • Chủ Nhật, 29/10/2017 | 06:00

Giá trị của Cách mạng Tháng Mười, của Đảng Bolshevik và lãnh tụ Lênin vẫn còn mãi với nhân dân Việt Nam.

Sự sụp đổ nhanh chóng của Đảng Cộng sản cũng như chế độ XHCN ở Liên Xô vào năm 1991 có thể nói đã gây ra một sự khủng hoảng lớn và là nỗi day dứt khôn nguôi của những người cộng sản. Nhưng với nhân dân Việt Nam nói chung và những người cộng sản của Việt Nam nói riêng, giá trị của Cách mạng Tháng Mười, của Đảng Bolshevik và lãnh tụ Lênin vẫn mãi mãi trường tồn. Khẳng định của PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh trong trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN.

Nỗi day dứt khôn nguôi của những người cộng sản

PVTheo ông, ý nghĩa quan trọng nhất của Cách mạng Tháng Mười Nga với thế giới nói chung và với cách mạng Việt Nam nói riêng, là gì?

PGS.TS Phạm Xanh: Cách mạng Tháng Mười do Đảng Bolshevik dưới sự lãnh đạo của Lênin đã thành công rực rỡ ở nước Nga. Cuộc cách mạng đó đã đưa chủ nghĩa cộng sản từ lý thuyết vào thực tiễn, đã mở ra một chương mới trong lịch sử nhân loại: CNXH đã trở thành một chế độ trên một đất nước rộng 1/6 trái đất. Nước Nga Xô viết đó trở thành Nhà nước mới, và năm 1921 thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô). Từ đó, Liên Xô trở thành thành trì cách mạng, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng thế giới.

Cách mạng Tháng Mười cũng đã tác động đến lịch sử của từng nước, từng quốc gia và tác động tới tâm lý, tình cảm, lý tưởng của từng cá nhân tiên tiến trên trái đất. Cũng giống như những cuộc cách mạng khác, Cách mạng Tháng Mười phải vượt qua những cản trở hết sức khốc liệt của các thế lực chống đối ở trong và ngoài nước để tồn tại và khẳng định đó là chế độ được nhân dân, đặc biệt là giai cấp công nhân và những người lao động ủng hộ.

PGS. TS Phạm Xanh.

Ở Việt Nam, người dân lúc đầu chỉ được biết đến Cách mạng Tháng Mười, Đảng Bolshevik và Lênin qua báo chí thực dân, báo chí tay sai của Pháp ở Đông Dương dưới một hình ảnh bị bóp méo, xuyên tạc, bôi đen. Nhưng người Việt Nam thường lấy câu phương châm “kẻ thù của kẻ thù là bạn ta” để tìm bạn. Cách mạng Tháng Mười Nga là kẻ thù của thực dân Pháp, thì nước Nga Xô viết, Đảng Bolshevik, Lênin sẽ là bạn của Việt Nam.

Từ hình ảnh xấu xí do thực dân Pháp vẽ nên, người Việt muốn biết được hình ảnh trung thực của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Bolshevik và lãnh tụ Lênin. Và như vậy, chính báo chí thực dân đã dẫn dắt người dân Việt Nam đến với Cách mạng Tháng Mười. Đây cũng là ngả đường đầu tiên mà Cách mạng Tháng Mười đến Việt Nam.

Ngả đường thứ hai do Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thiết lập. Người là người Việt Nam đầu tiên tiếp nhận ánh sáng và chịu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười, Đảng Bolshevik và Lênin khi đang hoạt động ở Pháp. Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành người cộng sản đầu tiên của Việt Nam, tuyên thệ đi theo Cách mạng Tháng Mười Nga và Lênin.

Tháng 6-1925, tại Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức cách mạng mang tên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; tiếp đó, Người lập ra tờ báo lấy tên Thanh Niên. Thông tin đầu tiên về Cách mạng Tháng Mười Nga mà Nguyễn Ái Quốc đưa về Việt Nam được đăng trên số báo đặc biệt của tờ Thanh Niên, xuất bản đúng ngày 7-11-1926. Số báo này gồm 5 trang, trang bìa là hình vẽ Lênin đứng trên quả địa cầu giơ tay chỉ hướng tiến lên và các trang còn lại là những bài viết về Cách mạng Tháng Mười Nga, về Lênin và Đảng Bolshevik.

Đây cũng là tờ báo đầu tiên in một loạt bài về Cách mạng Tháng Mười Nga thành công được đưa về Việt Nam với những thông tin trái với những hình ảnh bị bóp méo, xuyên tạc trước đây của báo chí thực dân. Lần đầu tiên, ánh sáng Cách mạng Tháng Mười Nga trung thực đến được với người dân của một đất nước nghèo khó.

Có thể nói, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mang đến cho Việt Nam một sự thay đổi lớn lao bởi từ đó cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam hướng tới việc thành lập Chính quyền Xô viết, chính quyền của số đông, của những người nghèo khó với mục tiêu chính là mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân. Đặc biệt, khi Đông Dương Cộng sản Đảng thoát thai từ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra đời vào tháng 6-1929 ở Hà Nội, đảng này đã khẳng định đi theo Chủ nghĩa Mác, Quốc tế Cộng sản và Cách mạng Tháng Mười Nga. Dịp kỷ niệm 12 năm Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, Đảng này đã tổ chức lễ kỷ niệm đầu tiên tại Việt Nam với quy mô toàn quốc. Lần đầu tiên người Việt Nam được nhìn thấy lá cờ Búa Liềm, đọc báo Búa Liềm, cơ quan ngôn luận của Đông Dương Cộng sản Đảng và những khẩu hiệu chính trị: “Xô Nga vạn tuế!”, “Ủng hộ Xô Nga” và cũng từ đó, hình ảnh thiêng liêng này dần in sâu vào trái tim, khối óc của người công nhân, nông dân Việt Nam cho đến tận bây giờ.

PVSự sụp đổ của Đảng Cộng sản cũng như chế độ XHCN ở Liên Xô vào năm 1991 có thể nói đã gây ra một sự khủng hoảng lớn và là nỗi day dứt khôn nguôi của những người cộng sản, phải không thưa ông?

PGS.TS Phạm Xanh: Đúng vậy, nó luôn là vấn đề day dứt của những người đã phấn đấu theo lý tưởng đó khi trong một thời gian dài (1917 - 1991) nó luôn được coi là thành trì của phong trào cách mạng thế giới.

Sự đổ vỡ đó đã gây ra sự khủng hoảng về niềm tin, về lý tưởng của những người cộng sản muốn biến trái đất này thành một thế giới đại đồng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại. Qua trên 70 năm tồn tại, tôi cho rằng, nó đã trở thành một mô hình nhân loại muốn vươn tới thực sự. Kỳ tích về xây dựng CNXH ở Liên Xô đã đưa một đất nước từ nghèo khó trở thành một nước công nghiệp hiện đại với đầy đủ tính ưu việt, làm chủ cả nền khoa học quân sự hiện đại, có trong tay vũ khí hạt nhân, nước đầu tiên đi vào vũ trụ. Đặc biệt, kỳ tích của Liên Xô đã đánh thắng chủ nghĩa phát xít Đức và Hitler, cứu nhân loại thoát khỏi sự diệt vong. Trước đó, vào năm 1812, nước Nga cũng đã từng đánh thắng Napoleon để cứu nhân loại. Những kỳ tích đó khó có một nước nào trên thế giới có thể làm được và cũng chính vì thế mà nhân loại đặt niềm tin lớn vào Đảng cộng sản và những người đứng đầu đất nước cũng như vào CNXH mà nước Nga xây dựng.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cũng đã có những lúc “xao xuyến”, “ngả nghiêng”, cũng bàn về đa đảng, về mô hình phù hợp, nhưng chúng ta đã rất bình tĩnh để nhìn nhận sự việc và cuối cùng vẫn kiên cường, khắc phục, vượt qua rất nhanh, để chúng ta khẳng định rằng CNXH vẫn là ước mơ ngàn đời của nhân loại và của người dân Việt Nam. Chúng ta đã có nhiều thế hệ người Việt Nam đã xả thân để xây dựng một xã hội như vậy nên không lý gì chúng ta có thể phản bội lý tưởng đó. Bản lĩnh chính trị được biểu hiện mạch lạc ở đây.

Để không phản bội lại lý tưởng đó, chúng ta sẽ phải tiếp tục đẩy lịch sử đi tiếp, tiếp tục xây dựng thành công CNXH. Nếu như Trung Quốc tuyên bố xây dựng CNXH mang bản sắc của họ, chúng ta cũng có thể tuyên bố xây dựng CNXH trên nền tảng truyền thống văn hóa, con người và lịch sử Việt Nam, để tìm ra một mô hình CNXH phù hợp, hướng tới mục tiêu mưu cầu hạnh phúc cho toàn dân, đưa đất nước mạnh lên, giàu lên. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng con đường chúng ta đang đi sẽ không bị đổ gãy. Làm được như vậy, tôi tin tưởng chắc chắn rằng CNXH vẫn là hiện thực.

Thành quả của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn còn nguyên giá trị

PVTuy CNXH đã sụp đổ ở Liên Xô và các nước Đông Âu nhưng nó vẫn được duy trì, phát triển ở châu Á và Mỹ Latinh?

PGS.TS Phạm Xanh: Hiện nay còn một số nước như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, CHDCND Triều Tiên… đang theo đuổi CNXH. Trên bình diện nhân chủng học và khoảng cách địa lý thì các nước đó khác và không ảnh hưởng trực tiếp như các nước Đông Âu. Có thể đây là lý do khiến CNXH vẫn tồn tại, phát triển ở những nước này và phát triển theo cách để khẳng định chứ không èo uột hay có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Chúng ta đã thấy một Trung Quốc đang phát triển mạnh mẽ, đứng thứ hai trên thế giới; bên cạnh đó là Việt Nam, Cuba. Có thể nói, các nước này không chịu ảnh hưởng nhiều từ mô hình Xô Viết như các nước Đông Âu. Họ không bị áp đặt và nhân dân họ tự nguyện chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, để xây dựng đất nước như Liên Xô.  

Dĩ nhiên trong quá trình xây dựng, chúng ta phải khắc phục. Mô hình CNXH ở Liên Xô đã tan vỡ, muốn xây dựng CNXH thành công chúng ta phải đi theo một mô hình khác, như Trung Quốc tuyên bố xây dựng mô hình mang bản sắc Trung Quốc. Việt Nam cũng phải làm tương tự, muốn tồn tại, phát triển phải lấy đất nước mình, con người và dân tộc mình làm nền tảng để đi lên, không thể bắt chước, vay mượn, không thể mô phỏng, mà phải kiến tạo một mô hình mới. Tôi cho rằng, các nước hiện nay chủ trương đi theo CNXH nhưng có thể theo đuổi một mô hình khác, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng cộng sản của nước họ, lấy dân tộc họ làm nền tảng và xây dựng bắt đầu từ chính quyền dân chủ nhân dân để đi lên.

PVĐến thời điểm này, giá trị thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Mười và nền tảng tư tưởng Chủ nghĩa Mác-Lênin còn có ý nghĩa như thế nào với công cuộc xây dựng Đảng và xây dựng CNXH ở Việt Nam?

PGS.TS Phạm Xanh: Theo tôi, vấn đề này vẫn còn nguyên tính thời sự. Muốn xây dựng CNXH thành công phải có một Đảng Cộng sản lãnh đạo, và Đảng này phải được xây dựng theo nguyên tắc của Lênin. Bởi Lênin là một trong những người đã cải tạo xã hội cũ để xây nên xã hội mới. Đảng kiểu Lênin phải là một đảng thống nhất về mặt tư tưởng, từ đó mới có sức mạnh và mới có thể làm gương cho toàn dân tộc noi theo. Đó là tư tưởng chính. Một người cộng sản phải luôn phấn đấu theo đúng lý tưởng mình đã lựa chọn, đúng trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân tộc.

Tôi khẳng định rằng chúng ta không thể nào tồn tại đa đảng bởi chúng ta xây dựng một xã hội chưa có tiền lệ, khác xa những xã hội chúng ta đã trải qua, nên chúng ta cần phải có một đảng duy nhất lãnh đạo, đảng đó đã từng lãnh đạo nhân dân giành chính quyền, đã lãnh đạo nhân dân đánh thắng 3 kẻ thù (Pháp, Nhật và Mỹ), thu giang sơn về một mối, hướng toàn dân tộc xây dựng một xã hội không có người bóc lột người. Vì vậy, cần thiết phải có một đảng để lãnh đạo, đảng đó là Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân thừa nhận trong lịch sử.

Thuyết đa đảng là không thích hợp, dẫn tới phân tán trong khi chúng ta cần tập trung sức mạnh, niềm tin để xây dựng một xã hội mới, mô hình mới mà chúng ta chưa có. Tôi cho rằng, giá trị của Cách mạng tháng Mười Nga, của Đảng Boldshevik, của Lênin còn sống mãi với nhân dân Việt Nam.

PVXin cảm ơn ông.

Hà Thanh/VOV.VN

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: