Chính sách dân tộc - nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào dân tộc

05/08/2017 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Bảy, 05/08/2017 | 06:00

STO - Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống, từ khi tỉnh Sóc Trăng được tái lập đến nay, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ và chính quyền tỉnh luôn quan tâm chăm lo, thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào Khmer được nâng lên đáng kể.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết: Trong suốt tiến trình phát triển của tỉnh từ khi tái lập đến nay, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở vùng có đông đồng bào dân tộc được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo, góp phần đưa kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện, nhất là giao thông nông thôn, hộ đồng bào dân tộc có điện sử dụng ngày càng tăng, cơ sở giáo dục, y tế từng bước được đầu tư mới… Đến nay, hầu hết các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số đều có trường trung học cơ sở, trạm y tế, đường ôtô đến trung tâm xã; 95% hộ dân tộc thiểu số được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 99,4% hộ dân tộc Khmer có điện sinh hoạt. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%  mỗi năm.

Đồng chí Nguyễn Văn Thể - Bí thư Tỉnh ủy thăm hòa thượng Dương Nhơn và Ban Quản trị chùa Cần Đước. Ảnh: M.Linh

Về kết quả thực hiện chính sách dân tộc, đồng chí Lý Bình Cang - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Các chính sách đã được các cấp ủy, chính quyền triển khai đầy đủ và đến đúng đối tượng thụ hưởng. Từ năm 2016 đến nay, hàng trăm tỉ đồng đã được đầu tư trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như: Chương trình 135; chính sách định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã đặc biệt khó khăn; chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách, dự án khác có liên quan, như: phát triển giáo dục và đào tạo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát triển văn hóa; hỗ trợ nhà ở và đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. 

Tỉnh cũng đã thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2017, toàn tỉnh có 362 người có uy tín, đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số trên các mặt đời sống xã hội. Kết quả hoạt động của người có uy tín đã đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố chính quyền cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn cho biết thêm, song song với việc thực hiện tốt chính sách dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về dân tộc và tôn giáo; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 17% số đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh; có trên 24% cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số; 2 đại biểu Quốc hội, 11 đại biểu HĐND tỉnh; 58 đại biểu HĐND cấp huyện và 484 đại biểu HĐND cấp xã. Toàn tỉnh hiện có 2.801 cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số có trình độ đại học, 107 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. 

Mặc dù thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã quan tâm và thực hiện tốt chính sách dân tộc, tuy nhiên do là tỉnh nghèo, kết cấu hạ tầng còn kém, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững. Theo kết quả điều tra chuẩn hộ nghèo tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ Khmer nghèo còn chiếm 22,95%, tỷ lệ hộ người Hoa nghèo chiếm 7,18%. Toàn tỉnh có 36 xã đặc biệt khó khăn (khu vực III) và 72 ấp đặc biệt khó khăn (khu vực II). 

Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, theo đồng chí Lâm Văn Mẫn, Đảng bộ, chính quyền các cấp sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng đồng bào Khmer. Tiếp tục tập trung thực hiện tốt các chính sách dân tộc; giảm nghèo bền vững và hạn chế tái nghèo. Đồng thời, phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề, giải quyết việc làm trong đồng bào dân tộc thiểu số. Giữ vững an ninh chính trị vùng đồng bào dân tộc và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc.

Minh Thư

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: