KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH TÔN ĐỨC THẮNG (20-8-1888 - 20-8-2018)

Chủ tịch Tôn Đức Thắng với phong trào công nhân lao động

20/08/2018 06:02 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Việt Thùy
  • Thứ Hai, 20/08/2018 | 06:02

STO - Xuất thân từ công nhân, đồng chí Tôn Đức Thắng đã trở thành người chiến sĩ cách mạng trung kiên, vị lãnh tụ của giai cấp công nhân và của nhân dân Việt Nam, một tấm gương mẫu mực về tinh thần yêu nước, đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Đồng chí Tôn Đức Thắng sinh ngày 20 tháng 8 năm 1888, trong một gia đình nông dân ở cù lao Ông Hổ, làng An Hòa, tổng Định Thành Hạ, hạt Long Xuyên, nay là xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang. Sinh ra và lớn lên khi thực dân Pháp đã đặt ách thống trị trên toàn cõi Việt Nam, chứng kiến cảnh “nước mất nhà tan”, xã hội đầy dẫy bất công, nhân dân bị bóc lột cùng cực, Tôn Đức Thắng đã sớm có tinh thần yêu nước và khát vọng đấu tranh chống áp bức, bóc lột giành độc lập. Sau tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên (năm 1906), năm 1907 Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học nghề tại Trường Kỹ nghệ Viễn Đông.

Năm 1909, Tôn Đức Thắng vào làm ở xưởng đóng tàu Ba Son, trở thành một trong những người thợ giỏi, thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Tôn Đức Thắng tích cực vận động anh em học sinh lính thủy bỏ học để chống lại chính sách hà khắc của thực dân Pháp, tổ chức các cuộc đấu tranh của công nhân chống đánh đập, cúp phạt, đòi tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc.

Năm 1916, Tôn Đức Thắng làm việc trên chiến hạm France. Tại đây, Tôn Đức Thắng đã tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen vào ngày 20-4-1919 và sau đó bị trục xuất khỏi nước Pháp. Năm 1920, trở về Sài Gòn, Tôn Đức Thắng tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và phong trào của giai cấp công nhân, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật ở Sài Gòn - hình thức tổ chức đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Từ khi thành lập, Công hội đã liên tục lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân ở Sài Gòn - Chợ Lớn, mà điển hình là cuộc đấu tranh của công nhân Ba Son (8-1925). Trong những năm 1926 - 1927, Công hội Sài Gòn là cơ sở vững chắc cho sự hình thành và phát triển tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, không chỉ ở Sài Gòn mà trên cả xứ Nam kỳ. Khi Kỳ bộ Nam kỳ thành lập, đồng chí Tôn Đức Thắng được cử làm Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, Bí thư Thành bộ Sài Gòn, phụ trách phong trào công nhân. Với chức trách được giao, đồng chí đã góp phần tích cực thúc đẩy việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930) đã khẳng định hoạt động tích cực của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và những học trò của Người trong sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Tại Sài Gòn, quá trình đó diễn ra thuận lợi vì có sự hoạt động tích cực của Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập. Công hội đã bắc nhịp cầu đưa chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân. Chính sứ mệnh đó, đồng chí Tôn Đức Thắng không chỉ là chiến sĩ tiên phong của phong trào công nhân, một trong những người sáng lập tổ chức công đoàn của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn “là một trong các chiến sĩ lớp đầu của phong trào cộng sản và phong trào giải phóng dân tộc ở nước ta”. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Tôn Đức Thắng là một tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy; về tinh thần anh dũng, bất khuất; về đức tính khiêm tốn, giản dị. Trên 60 năm cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc Việt Nam, cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, đồng chí Tôn Đức Thắng vinh dự là người đầu tiên được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, được Đảng, Nhà nước ta trao tặng Huân chương Đại đoàn kết; được Quốc hội nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ trao tặng Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Mông Cổ, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa Cu Ba trao tặng Huân chương Hữu nghị Cu Ba, Đoàn Chủ tịch Xô Viết Tối cao Liên Xô trao tặng Huân chương Lênin - Huân chương cao nhất của Liên Xô… cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đồng chí Tôn Đức Thắng đã từng sống, hoạt động với tư cách là người công nhân, người đoàn viên và cán bộ công đoàn, là một trong những lãnh tụ đầu tiên của phong trào công nhân, công đoàn Việt Nam. Những cống hiến của đồng chí Tôn Đức Thắng đã góp phần vào sự phát triển của phong trào công nhân Việt Nam, một trong những cơ sở quan trọng hình thành Đảng Cộng sản Việt Nam và tạo nền tảng, định hướng cho hoạt động công đoàn Việt Nam. Sau khi giai cấp công nhân giành được chính quyền, do yêu cầu của cách mạng, đồng chí Tôn Đức Thắng vẫn giành sự quan tâm đặc biệt đến giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam; giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam cũng luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tôn Đức Thắng.

Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng và những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đồng chí - một chiến sĩ cách mạng kiên cường, một người bạn chiến đấu thân thiết lâu năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người chiến sĩ hết sức trung thành của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, một nhà lãnh đạo mẫu mực của Đảng, của dân tộc ta, đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng cộng sản, độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội; là một tấm gương mẫu mực đạo đức cách mạng; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng đã góp phần tạo nền tảng tổ chức và định hướng cho hoạt động công đoàn Việt Nam. Các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn nguyện ghi nhớ công lao to lớn đó và phát huy những quan điểm, tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, xứng đáng là giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Việt Thùy (TH)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: