Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng

Đề nghị giữ hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp như luật hiện hành

25/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Sáu, 25/05/2018 | 06:00

STO - Dự án Luật Tố cáo (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình ở 3 kỳ họp. Qua đó cho thấy tính chất quan trọng của dự luật bởi có nhiều nội dung quan trọng về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, hình thức tố cáo, điều kiện thụ lý tố cáo, thời hiệu tố cáo, thời hạn giải quyết tố cáo, trách nhiệm của người giải quyết tố cáo, rút tố cáo và cấp cuối cùng giải quyết tố cáo, bảo vệ người tố cáo. Sáng ngày 24-5, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV thảo luận tại hội trường, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Cẩm Đào - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã đóng góp cho dự án Luật Tố cáo (sửa đổi). Báo Sóc Trăng xin giới thiệu ý kiến đóng góp của Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Cẩm Đào với bạn đọc.

Tôi cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Tố cáo và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, về hình thức tố cáo, tôi thống nhất với đại biểu của đoàn Hà Nội và nhiều đại biểu phát biểu trước, đề nghị giữ hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp, vì các lý do: Hiện nay rất khó kiểm soát người gửi tố cáo qua máy fax, dịch vụ ngoài xã hội hoặc lập thư điện tử ảo, dùng sim rác, trong khi tố cáo trực tiếp hoặc gửi văn bản đều có địa chỉ, ký tên rõ ràng thì tố cáo qua các phương tiện điện tử, nhất là điện thoại rất khó chứng minh thông tin về người tố cáo.

Tố cáo được thực hiện thông qua thư điện tử, fax, điện thoại, trong nhiều trường hợp rất khó xác định người tố cáo là ai nên có thể tạo ra kẽ hở để một số người lợi dụng quyền tố cáo để vu cáo, vu khống, xúc phạm danh dự của người khác, họ tung tin về một người A hoặc người B nào đó có vi phạm pháp luật sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thậm chí là sinh mệnh chính trị của người bị tố cáo sau đó mới phát hiện tố cáo sai, tố cáo không xác định được người tố cáo. Lúc đó hậu quả thiệt hại đã xảy ra rồi thì việc khắc phục hậu quả đó ra sao cũng là vấn đề rất khó xử lý.

Dự thảo luật quy định nhiều chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo trước khi quyết định thụ lý tố cáo đều phải xác minh thông tin, địa chỉ, nhân thân của người tố cáo. Nếu mở rộng tố cáo qua fax, điện thoại, thư điện tử thì các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải công bố địa chỉ, trụ sở, số fax, điện thoại để tiếp nhận tố cáo. Phải có kinh phí, nhân lực và phương tiện để xác minh thông tin ban đầu đối với người tố cáo qua các phương tiện điện tử theo tôi là rất phức tạp và rất tốn kém. Do đó, chúng ta chưa nên mở rộng hình thức tố cáo. Trước mắt nên tập trung giải quyết tốt đối với việc tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Mặc dù không giải quyết đối với tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại theo quy định giải quyết tố cáo nhưng tôi cho rằng những hành vi vi phạm pháp luật được phản ánh qua thư điện tử, fax, điện thoại phải được các cơ quan nhà nước tiếp nhận, xử lý, phục vụ yêu cầu công tác quản lý, công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm quyền của người dân trong việc phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời cũng bảo đảm không bỏ sót, bỏ lọt thông tin về hành vi vi phạm pháp luật.

Xuất phát từ những lý do trên, tôi đề nghị giữ hai hình thức tố cáo như luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Cẩm Đào phát biểu tại hội trường.

Về thời hiệu tố cáo, tôi thống nhất cao với dự thảo luật đã bỏ quy định về thời hiệu tố cáo. Bởi vì bản chất của tố cáo là việc cá nhân báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật. Giúp cho cơ quan nhà nước phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định về thời hiệu tố giác, tin báo tội phạm nhằm tạo điều kiện cho người dân đấu tranh, phòng, chống các hành vi vi phạm, hơn nữa mục đích của việc giải quyết tố cáo, bên cạnh việc xử lý người có hành vi vi phạm còn nhằm khắc phục hậu quả của hành vi vi phạm, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã bị xâm hại do hành vi vi phạm pháp luật đó gây ra, do đó tôi hoàn toàn thống nhất với việc không quy định thời hiệu tố cáo trong dự thảo luật.

Về điều kiện thụ lý tố cáo, đoạn 2 điểm c khoản 1 Điều 29 của dự thảo luật quy định trường hợp tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại đã được giải quyết, người khiếu nại không đồng ý chuyển sang tố cáo người giải quyết khiếu nại thì chỉ thụ lý tố cáo khi người tố cáo cung cấp được thông tin, tài liệu, bằng chứng để xác định người có hành vi vi phạm pháp luật. Tôi thấy đoạn 1 điểm c khoản 1 Điều 29 đã xác định điều kiện thụ lý là nội dung tố cáo có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật. Như vậy, trong mọi trường hợp thì để thụ lý tố cáo, người tố cáo phải cung cấp được thông tin, tài liệu có cơ sở để xác định người vi phạm, hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ riêng trong lĩnh vực khiếu nại. Vì vậy, nếu quy định như đoạn 2 điểm c khoản 1 Điều 29 của dự thảo luật sẽ tạo ra sự phân biệt đối xử giữa người tố cáo nói chung và người tố cáo xuất phát từ vụ việc khiếu nại. Do đó, theo tôi nên bỏ đoạn 2 điểm c khoản 1 Điều 29.

Về khen thưởng, Điều 63 dự thảo luật quy định về khen thưởng, tôi thấy điều này nội dung quy định còn chung chung, dẫn chiếu đến quy định của pháp luật không có gì đặc biệt, trong khi đó chúng ta đã có Luật Thi đua, khen thưởng và theo khoản 2 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã xác định văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác. Do đó, tôi đề nghị bỏ Điều 63 của dự thảo luật.

Thanh Khiết (Lược ghi)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: