Suy nghĩ về xây dựng, phát huy “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

01/10/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 01/10/2020 | 06:00

STO - Xây dựng “thế trận lòng dân” là vấn đề khách quan, có tính quy luật trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, được Đảng ta kế thừa và vận dụng sáng tạo trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và hội nhập quốc tế, coi đây là cơ sở để tạo nền tảng vững chắc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.

“Lòng dân” là thuật ngữ phản ánh trạng thái niềm tin của người dân đối với chế độ chính trị đương thời. Đây là yếu tố quan trọng có tính quyết định sức mạnh của một quốc gia nói chung. “Lòng dân” không phải lúc nào cũng đồng thuận với chủ trương, đường lối của lực lượng lãnh đạo xã hội. Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh rằng: khi “lòng dân thuận” thì nước mạnh, “lòng dân ly tán” thì nước yếu. Ông cha ta đã đúc kết: “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” và “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước”. Đây là bài học sống còn trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc và của cách mạng Việt Nam - bài học xây dựng “thế trận lòng dân”.

“Thế trận lòng dân” chính là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khát vọng độc lập tự do, ý chí đấu tranh của dân tộc được khơi dậy, phát huy, tạo thành nền tảng chính trị - tinh thần vững chắc, cho phép huy động sức mạnh của cả dân tộc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng, an ninh trong từng giai đoạn. “Thế trận lòng dân” là một trong những sức mạnh nội sinh của quốc gia, dân tộc. Đó là nền tảng tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết định sự hưng thịnh hay suy vong của quốc gia, dân tộc, là thành trì vững chắc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế thừa truyền thống đấu tranh của dân tộc, từ khi có Đảng lãnh đạo, mục đích xây dựng “thế trận lòng dân” ở nước ta là tạo nền tảng chính trị - tinh thần, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận của toàn dân tộc tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Lực lượng và sức mạnh chính là ở dân”, “có dân là có tất cả”. Người còn nói: “Ở trong xã hội, muốn thành công phải có ba điều kiện là: thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả. Nhưng thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa… Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí”. Nhân hòa ở đây thực chất là tinh thần hòa hợp, đồng lòng của toàn dân, biểu hiện tập trung ở lòng yêu nước, sự đoàn kết toàn dân “muôn người như một”. Từ đó, Người nhắc nhở Đảng ta: “Đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy” và Đảng, Nhà nước ta phải hoạch định đường lối, chính sách của mình theo “đường lối nhân dân”.

Quán triệt tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuy từ Đại hội IX của Đảng ta trở về trước, Đảng ta chưa sử dụng thuật ngữ “thế trận lòng dân”, nhưng tư tưởng “dựa vào dân”, lấy “dân làm gốc”, “đoàn kết toàn dân để tạo sức mạnh tổng hợp” luôn nhất quán, xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng. Tại Đại hội X, lần đầu tiên thuật ngữ “thế trận lòng dân” được Đảng ta sử dụng khi nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng “thế trận lòng dân” làm nền tảng phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”. Hay khi tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, khóa IX về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta tiếp tục khẳng định phương châm giữ nước là phải chăm lo xây dựng “kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, thực lực phải cường, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối thống nhất”. Đến Đại hội XII của Đảng, một lần nữa Đảng ta nhấn mạnh xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân.

Những năm qua, để xây dựng “thế trận lòng dân”, Đảng ta đã tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội; đẩy mạnh thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, chính sách đối với dân tộc thiểu số, miễn giảm thuế nông nghiệp cho nông dân nhằm “an dân”, “dưỡng dân”; Chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh … Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đạt nhiều kết quả, bước đầu lấy lại niềm tin trong nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN.

Tuy nhiên, việc xây dựng “thế trận lòng dân” những năm qua còn có mặt hạn chế và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Sự tác động tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường đã dẫn tới sự bất bình đẳng trong xã hội, tình trạng phân hóa giàu - nghèo ngày càng gia tăng, đời sống vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn là căn cứ cách mạng trước đây còn nhiều khó khăn. Tình trạng thiếu việc làm ở những vùng nông thôn đang gia tăng. Một bộ phận cán bộ giàu lên nhanh chóng nhưng thiếu minh bạch. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, quan liêu, sống xa dân, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân… Tất cả những vấn đề này đã ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng, phát huy “thế trận lòng dân” trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, tình hình thế giới, khu vực hiện nay có những biến động nhanh chóng và khó đoán định. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh toàn diện chiến lược “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó, những biện pháp để chia rẽ lòng dân, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc được sử dụng dưới nhiều hình thức tinh vi nhằm làm suy yếu sức “tự đề kháng” của nhân dân.

Vì vậy, hơn lúc nào hết, các cấp, các ngành cần nhận thức đúng vị trí, tầm quan trọng của “lòng dân” và “thế trận lòng dân” để có biện pháp đúng đắn khắc phục khó khăn, thách thức, khơi dậy truyền thống yêu nước, dựng nước và giữ nước của dân tộc, khôi phục lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đối với tỉnh Sóc Trăng, cần quan tâm thực hiện tốt những vấn đề sau:

Một là, coi trọng và thường xuyên tuyên truyền giác ngộ, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của nhân dân. Đây là vấn đề mấu chốt để phát động các phong trào hành động cách mạng của nhân dân trong phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên từng địa bàn. Đặc biệt tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức các tầng lớp nhân dân về bản chất, âm mưu thâm độc của kẻ thù, đề cao cảnh giác, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và con đường XHCN mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đồng thời, tăng cường vận động, khích lệ nhân dân về niềm tự hào, tự tôn dân tộc, đồng tâm hiệp lực cùng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên các đoàn thể trong tỉnh vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hai là, cấp ủy và chính quyền các cấp phải sâu sát, liên hệ mật thiết với nhân dân, quán triệt và thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phải tin dân, dựa vào dân, bàn bạc với dân” về kế hoạch thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại địa phương, nhất là những chủ trương liên quan đến lợi ích thiết thực của nhân dân. Đặc biệt, phải hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng, giải quyết thỏa đáng những bức xúc của nhân dân, những vấn đề phát sinh nhằm ổn định lòng dân. Tiếp tục nâng cao dân trí, chăm lo sức khỏe cho nhân dân; chú trọng giải quyết tình trạng phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở theo chủ trương “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: việc gì có lợi cho dân, dù nhỏ cũng phải làm, việc gì có hại cho dân, dù nhỏ cũng kiên quyết tránh, vì “Việc gì đúng với nguyện vọng của nhân dân thì được nhân dân ủng hộ và hăng hái đấu tranh và như vậy mới thật là một phong trào quần chúng”. 

Ba là, không ngừng chăm lo xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, cùng cấp ủy, chính quyền và nhân dân xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh chống các thế lực thù địch lợi dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”... nhằm kích động, chia rẽ, gây mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ.

Bốn là, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở theo hướng gần dân, chăm lo cho dân, tạo sức mạnh và uy tín để củng cố niềm tin trong nhân dân. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình trên cơ sở mở rộng dân chủ, giữ vững kỷ cương… làm cho từng tổ chức đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; mỗi cán bộ, đảng viên thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức, lối sống, nói đi đôi với làm, luôn đi đầu, đi trước, làm trước, làm có hiệu quả để nhân dân tin và làm theo. Đấy chính là những cơ sở để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ở cơ sở.

KIÊN TRUNG

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: