• Vì sự bình yên của Nhân dân

Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc – sức mạnh từ ý Đảng, lòng dân

13/08/2020 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 13/08/2020 | 06:00

STO - Trong giai đoạn 2015 - 2020, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được Sóc Trăng thực hiện đã góp phần quan trọng vào công tác phòng ngừa tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, là động lực quan trọng để nâng cao ý thức tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân ở khắp địa bàn, mọi lĩnh vực, tạo thành một thế trận vững chắc về an ninh trật tự.

Đẩy mạnh xây dựng phong trào

Ban Chỉ đạo phong trào tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân tiêu biểu. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Theo đại tá Phạm Quốc Việt - Tỉnh ủy viên, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tỉnh Sóc Trăng, để thực hiện phong trào theo Quyết định số 521 của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành 59 văn bản, kế hoạch hướng dẫn, chỉ đạo có liên quan đến công tác xây dựng phong trào. Qua đó, phát động các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” để cùng chung tay phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, chủ yếu là tín dụng đen, mua bán người, phòng chống ma túy, mại dâm... Bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, nhiều địa phương đã phát huy được tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong việc đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, tham gia xây dựng dân quân tự vệ, bảo vệ an ninh trật tự thông qua các mô hình. Hiện nay toàn tỉnh có 63 loại mô hình, được triển khai tại 747 điểm (có 559 điểm hiệu quả, 111 điểm hiệu quả không cao, 37 điểm không hiệu quả, 40 điểm chưa đánh giá). Riêng mô hình cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường xây dựng là 10 mô hình đạt hiệu quả, đang tiếp tục phát huy. Nổi bật, là triển khai xây dựng mới mô hình “Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội thông qua mạng xã hội (zalo)” tại công an các huyện, thị, thành phố và ở địa bàn xã, phường, thị trấn được lựa chọn chuyển hóa, bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần vào công tác chuyển hóa địa bàn.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phong trào cũng tập trung xây dựng, củng cố, tập huấn, huấn luyện lực lượng bảo vệ chuyên trách, bán chuyên trách, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng làm công tác giữ gìn an ninh trật tự ở các khu dân cư với 68 lớp (có 2 lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ khối cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường); đồng thời, tổ chức “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu đề ra. Thông qua các hình thức tổ chức, vận động quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đã tập hợp, thu hút quần chúng đang có mặt ở mọi nơi, mọi lúc, tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm một cách thường xuyên, liên tục, lâu dài, có hiệu quả… Điển hình là trong 5 năm qua, nhân dân đã cung cấp trên 1.200 nguồn tin có giá trị, làm rõ trên 700 vụ việc, bắt 1.572 đối tượng; bắt, vận động 253 đối tượng có lệnh truy nã. Qua đó, Ban chỉ đạo cũng biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, tạo động lực để toàn dân tham gia tố giác tội phạm, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Sự lan tỏa của phong trào

Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong giáo viên, tăng sinh. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Tại Trường Bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được Ban Giám hiệu cụ thể hóa bằng mô hình “4 không”: không để xảy ra cháy nổ, không để trộm cắp tài sản, không tham gia các tệ nạn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo. Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt chú trọng việc nhắc nhở cả giáo viên, nhân viên, tăng sinh không tham gia các tệ nạn xã hội, không để kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ, lôi kéo; phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh tuyên truyền về phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là những tác hại của ma túy đối với người sử dụng; tuyên truyền để nhận biết, cảnh giác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch để không bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động gây rối. Hiện nay, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt, sử dụng các trang mạng xã hội (zalo, facebook) để giao dịch mua bán rồi chuyển ma túy về bằng bưu phẩm, nên dù các tăng sinh học nội trú nhưng trường vẫn không chủ quan trong công tác quản lý. Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và Phòng cảnh sát Phòng, chống ma túy của Công an tỉnh phát động xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch phòng, chống phù hợp với môi trường giáo dục đặc thù của trường.

“Cổng nhân dân tự quản” là một trong những mô hình phát huy vai trò của nhân dân trong bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh. Ảnh: PHƯỚC LIÊU

Việc xây dựng lực lượng công an cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại cũng góp phần làm nên những hiệu quả tích cực của phong trào. Tại xã An Hiệp (Châu Thành), để đảm bảo an ninh trật tự, lực lượng công an luôn phát huy năng lực của đội ngũ được đào tạo chính quy về làm nhiệm vụ ở cơ sở, theo sát địa bàn gắn với phát triển sâu rộng "Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Mặt trận và các đoàn thể có xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ với ngành công an xã trong công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội. Tuyên truyền, vận động trong đoàn viên, hội viên, quần chúng mạnh dạn tố giác tội phạm trộm cắp, tệ nạn ma túy, quản lý và cảm hóa, giáo dục các đối tượng chậm tiến, thực hiện mô hình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong vùng đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, lực lượng công an xã tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của đơn vị; nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng, phẩm chất, đạo đức, lối sống của đảng viên để có giải pháp cụ thể xây dựng nội bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh; đề ra các giải pháp đảm bảo tình hình có liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung chỉ đạo, củng cố tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động, bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ động xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch công tác một cách cụ thể, hiệu quả, thiết thực.

Tiếp tục thực hiện phong trào trong tình hình mới

Qua thời gian thực hiện, Ban Chỉ đạo phong trào nhận thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” để tập trung chỉ đạo thì nơi đó tạo được sự lan tỏa, thu hút được đông đảo quần chúng, nhân dân tham gia. Đồng thời, việc thực hiện phong trào không chỉ góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh kịp thời với tội phạm, ổn định được tình hình an ninh chính trị tại địa bàn cơ sở mà còn có tác dụng giải quyết nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội của địa phương. Vì vậy, việc xây dựng và thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm an ninh trật tự, trong đó lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt.

Đại tá Phạm Quốc Việt cho biết, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào xác định tiếp tục phát động “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên diện rộng, khắp mọi địa bàn, mọi lĩnh vực, khi nào người dân có ý thức tự giác, có tinh thần làm chủ trong việc xây dựng cuộc sống lành mạnh thì tội phạm, tệ nạn xã hội sẽ bị đẩy lùi. Bởi thực tế cho thấy, lực lượng công an có hạn, nên công tác bảo vệ an ninh trật tự không thể chỉ thực hiện bằng chuyên môn đơn thuần mà phải làm tốt công tác vận động quần chúng nhân dân.

Theo đó, Ban Chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới”. Cụ thể là tập trung xây dựng, củng cố lực lượng bảo vệ chuyên trách cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đủ số lượng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ kết hợp xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng làm công tác giữ gìn an ninh trật tự. Người đứng đầu các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường phải có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, vận động, phát động cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên tự giác đăng ký cam kết thi đua xây dụng cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn về trật tự, kịp thời báo tin tố giác tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật. Xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với chính sách dân vận, chính sách xóa đói giảm nghèo và chú trọng gắn nghĩa vụ với quyền lợi. Thường xuyên trang bị kiến thức về chính trị, pháp luật, nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho quần chúng nhân dân.

PHƯỚC LIÊU

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: