Tôn giáo - vì những điều tốt đẹp

03/05/2018 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 03/05/2018 | 06:00

STO - Điều 3, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”.

Cuối năm 1843 đầu năm 1844, C. Mác viết và đăng tải tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hê-ghen”, lời đầu của tác phẩm, Mác viết: “Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân”. Quan điểm của C. Mác đã có rất nhiều nhà nghiên cứu, học giả phân tích, đánh giá và bình luận.

Đặt trong ngữ cảnh của những năm đầu thế kỷ XIX, chúng ta có thể hiểu, C. Mác quan niệm: tôn giáo là điểm tựa về mặt tinh thần, là niềm hy vọng của những số phận bé nhỏ, bất lực trước hiện thực của cuộc sống. Bởi vì, trong cuộc sống, khi con người bất lực trước tự nhiên, trăn trở, đau đớn trước các vấn đề xã hội, thì họ lại muốn tìm đến “một trái tim” để được chở che, yêu thương, tìm đến một liều “thuốc phiện” - liều thuốc giảm đau về tinh thần, về thể xác để được xoa dịu - tôn giáo từ đó ra đời và đảm nhận sứ mệnh là “trái tim” sẵn sàng bao dung, che chở, xoa dịu những nỗi đau trần thế, tiếp thêm nghị lực, ý chí như là chiếc phao cứu sinh – cho dù đó chỉ là “sự đền bù hư ảo”, nhưng có thể giúp con người có thể vượt qua những vấn đề trong cuộc sống. Và chức năng đó của tôn giáo phát triển mạnh mẽ và tồn tại cho đến hôm nay.

Nhưng thực tế khách quan cho thấy, ranh giới giữa một liều thuốc giảm đau với một liều thuốc "gây nghiện" rất mong manh, cũng như ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín là rất sa sẩy. Từ buổi bình minh của sự ra đời cho đến sự phát triển như hôm nay, tất cả các tôn giáo chính thống đều có bản chất rất tốt đẹp. Tất cả đều hướng đến việc giáo dục con người sống hướng thiện, sống chan hòa, bao dung và tránh làm điều ác. 

Trong Bát chánh đạo – tức tám Pháp tu chân chánh của Phật giáo nhằm hướng phật tử đến những phép tu để rèn luyện bản thân mình: “Tức có sự thấy biết đúng đắn về mọi vấn đề của cuộc sống. Tức suy nghĩ đúng đắn. Tức nói năng đúng đắn. Tức hành động đúng đắn. Tức làm ăn sinh sống đúng đắn. Tức siêng năng đúng đắn, bỏ điều ác, làm điều lành. Nghĩ nhớ, chú ý đúng đắn vào điều hay lẽ phải. Tức tập trung tư tưởng đúng đắn”.

Trong Thánh kinh, Đức Giêsu đã căn dặn những ai có đức tin, là con chiên của Người cần phải “hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu” và tránh đi những điều xấu, đó là: “Ngươi chớ giết người. Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Ngươi chớ trộm cướp. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai, tớ gái, bò, lừa hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi”. 

Kinh Koran của Hồi giáo thì dạy tín đồ phải đoàn kết, dạy con người phải biết thương yêu, bảo vệ nhau và trên hết là phải đoàn kết; đặc biệt là kinh Koran đặt ra hàng loạt các quy định nhằm hạn chế các tệ nạn xã hội, như: cấm giết trẻ sơ sinh, cấm uống rượu và cờ bạc, hạn chế ly dị vợ, cấm tiệt nạn mãi dâm…

Những điều răn dạy trong các tôn giáo chính thống khác là những đạo lý, luân lý, chuẩn mực trong xã hội để con người hướng đến. Vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Mục đích cao cả của Phật Thích Ca và Chúa Giêsu đều giống nhau, Thích Ca và Giêsu đều muốn mọi người có cơm ăn, áo mặc, bình đẳng, tự do và thế giới đại đồng”. Người nói: “Chúa Giêsu dạy: đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: đạo đức là bác ái”. Từ đó, Người căn dặn: “Phải đoàn kết chặt chẽ giữa đồng bào lương và đồng bào các tôn giáo, cùng nhau xây dựng đời sống ấm no, xây dựng Tổ quốc, chấp hành đúng chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng của tất cả các tôn giáo”. 

Thế nhưng từ năm 2011, một Hội tà đạo du nhập vào Việt Nam và lây lan mạnh mẽ trong đầu năm 2018 đang có những hành động làm vấy bẩn bản chất tốt đẹp vốn có của tôn giáo. Với tên gọi Hội thánh Đức Chúa Trời hay còn gọi là Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ - đây là một tổ chức không nằm trong hệ phái và các nhóm đạo Tin Lành Việt Nam được Nhà nước công nhận, nhưng Hội này lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng được pháp luật Việt Nam thừa nhận để thực hiện việc truyền đạo trái phép, lôi kéo nhiều người tham gia nhằm trục lợi, thậm chí chia rẽ tôn giáo khi nhiều đối tượng trong nhóm này thường xuyên lôi kéo tín đồ, kể cả các tín đồ thuộc Hội thánh Tin Lành khác.

Rất nhiều những câu chuyện thương tâm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các diễn đàn mạng xã hội; nhiều người mẹ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước lặn lội tìm đến các tòa soạn báo, các cơ quan chức năng với mong muốn cứu lấy con họ, gia đình họ. Bởi vì, khi những người thân của họ trót nghe theo và sa chân vào Hội này thì không còn là người bình thường như trước đây. Tất cả những người gia nhập vào Hội này đều thay đổi tính cách, trở thành những người "thần kinh không còn bình thường", xa lánh gia đình, đề nghị hoặc trực tiếp đập bỏ nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà; mang tiền đi cho hội thánh; sinh viên thì bỏ học, người đi làm thì bê trễ công việc.

Một trong những điều rất nguy hiểm là tà đạo này tiêm nhiễm vào đầu nạn nhân ý thức không thiết đến cuộc sống hiện tại, chỉ mong chờ được về với Chúa. Họ bị "tẩy não" rằng cuộc sống trần gian chính là ngục tù, hình hài do cha mẹ ban cho thật ra là lớp áo tù, nên nhất định phải sớm cởi bỏ được nó để về với Chúa để về một nơi có sự sống mãi mãi, vĩnh hằng do Chúa Trời tạo ra… Những hành động dại dột ấy đều do chung một nguyên nhân là trót sa chân vào Hội tà đạo này làm sa sút việc học hành, công việc bê trễ và ly tán, tan nát gia đình. 

Trước đây, trong Sắc lệnh số 234/SL ngày 14-6-1955 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đã chỉ rõ: “Pháp luật sẽ trừng trị kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác hoặc những việc làm trái pháp luật”. Và tại Điều 64, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” 

Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là nhằm đảm bảo hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tạo sự thông thoáng, minh bạch, tạo cơ chế pháp lý nhằm tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; nhưng cũng kiên quyết loại bỏ những tổ chức, cá nhân lợi dụng tôn giáo để làm những điều gây phương hại đến nhân dân, đến xã hội. 

Vì thế, tất cả những việc làm đi ngược lại với bản chất tốt đẹp của tôn giáo từ Hội tà đạo với tên gọi Hội thánh Đức Chúa Trời, đều cần phải cảnh giác, lên án và kiên quyết bác bỏ trong quần chúng nhân dân, để xây dựng những tôn giáo chính thống – vì những điều tốt đẹp.

Liên Tử

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: