• Chung sức vì nhân đạo "Chữ thập đỏ, vì mọi người ở mọi nơi"

Địa chỉ nhân đạo

Cần lắm những tấm lòng vàng

26/11/2019 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 26/11/2019 | 09:00

STO - Khi bước qua tuổi xế chiều, hầu như ai cũng mong muốn được sống bên cạnh con cháu, được con cháu chăm sóc lúc ốm đau, bệnh tật. Những ước mơ tuy giản dị, bình thường nhưng vẫn là quá xa vời với những ông cụ, bà lão sống đơn thân. Giờ họ chỉ nghĩ giản đơn, sống được ngày nào hay ngày ấy.

70 tuổi, nhưng bà Phan Thị Dễ, ở khóm Tân Thạnh, Phường 2 (TX. Ngã Năm) chưa thể cho mình “già”, vì bà phải đi làm thuê khắp nơi để có tiền trang trải cuộc sống. Chồng mất sớm, không con cái, lại không có đất sản xuất, hai chữ hạnh phúc đã khép lại, mà thay vào đó là những tháng ngày cô đơn ra vào một mình trong căn nhà lá nhỏ xiêu vẹo. Những giọt nước mắt như chực ứa ra trên đôi gò má nhỏ nhăn nheo của bà khi được hỏi nghĩ về tương lai và kèm theo tiếng thở dài: “Nghèo khổ, tôi không có ước mơ gì cả”.

Cần lắm sự sẻ chia, quan tâm để những mảnh đời neo đơn có điểm tựa.

Tuy bước sang tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ bà 88 tuổi Lê Thị Tuyết, ở ấp Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quới (TX. Ngã Năm) vẫn lầm lũi một mình trong căn nhà xiêu vẹo. Bà sống nhờ vào tình thương, sự đùm bọc của hàng xóm láng giềng. Chúng tôi đến thăm bà mừng lắm, vì đánh tan sự cô đơn của bà nhưng bà cũng ít chia sẻ về cuộc đời mình, phần vì lãng tai, phần vì đã không còn nhớ rõ và cũng muốn quên đi những chuyện đã qua trong quá khứ. Nhìn nơi bà ở, nhiều người cảm thương cho bà khi nghĩ đến cảnh bà phải chống chọi mỗi khi mưa to gió lớn.

Cũng tạm cho là ổn hơn so với bà Tuyết, vì vợ chồng ông Bùi Văn Lòng và bà Đỗ Thị Cẩn, ở ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới (TX. Ngã Năm) vẫn nương tựa nhau mà sống qua ngày. Ông bà có 7 người con, nhưng vì mưu sinh và có cuộc sống riêng nên các con của ông bà không ai sống cùng đôi vợ chồng già. Đôi chân tật nguyền, ông Lòng chỉ di chuyển bằng xe lăn, trên người ông lại không lành lặn. Ông Lòng cũng ngấp nghé tuổi 80, còn bà Cẩn sắp bước sang tuổi 74, nên cả hai thường hay đổ bệnh. Lúc chúng tôi đến thăm, ông cho hay bà nhà đang nhập viện, có người con về nuôi, còn ông ở nhà một mình tự thân vận động. Đôi chân tật nguyền, đi lại khó khăn nhưng ông vẫn phải làm việc nhà, tự nấu ăn, lúc rảnh rỗi ông lẩm nhẩm tính xem phần tiền tiết kiệm còn nhiều không, có đủ lo thuốc cho vợ đang trị bệnh.

Bị bệnh tai biến suốt 10 năm nay, cũng đã 69 tuổi nhưng ông Nguyễn Trung Hiếu, ở Khóm 1, Phường 1 (TX. Vĩnh Châu) phải sống một mình trong căn nhà nhỏ. Do bệnh tật đi lại khó khăn, ông chỉ quanh quẩn trong nhà, không đi ra ngoài. Dù nói giọng lơ lớ khó nghe, nhưng thấy có người đến thăm, ông trải lòng: “Tôi có một thằng con nó ở Bạc Liêu, lâu lâu về thăm một lần. Nhà có gì ăn nấy. Cũng nhờ hàng xóm, láng giềng người cho nên có cái bỏ bụng”. Chiếc giường sắt ông nằm nay không còn nguyên vẹn, chiếc chiếu trải trên giường đôi ba chỗ đã lún xuống nhìn như con đường bị ổ gà. Cũng do giường đã cũ, ông đi đứng không vững có khi ngồi xuống giường bị bật ngửa, làm mấy thanh sắt bị gãy lìa. Ông Trần Mai – Trưởng Ban công tác Mặt trận Khóm 1, Phường 1 (TX. Vĩnh Châu) cho biết: “Những trường hợp như ông Hiếu thì sống nhờ vào tình thương của hàng xóm, láng giềng. Ở địa phương, biết trường hợp người già sống đơn thân như ông thì cũng hỗ trợ phần nào, vận động nhà hảo tâm giúp đỡ để những người già đơn thân có cái ăn cái mặc, giúp họ vơi đi phần nào khó khăn”.

Ngày tai nạn kinh hoàng đã cướp đi hạnh phúc và tương lai của ông Võ Văn Hùng, ở ấp Mỹ Thọ, xã Mỹ Quới (TX. Ngã Năm). Nghe người nhà ông Hùng kể lại, trước ông đi làm thuê, có lúc mua hàng về bán. Có lần đang chạy xe trên đường thì bị một chiếc xe phía sau tông, làm ông ngã xuống đường, bị chấn thương sọ não. Gia cảnh nghèo, lại thương tật, vợ ông dẫn con bỏ đi không một lời từ biệt. Xuất viện về nhà, ông mất sức lao động, sống cùng với mẹ già, phần tiền có được trong nhà cũng dần dần cạn sạch. Mẹ ông mất, hiện nay ông sống một mình, thấy vậy, em gái ông cũng tới lui chăm sóc anh trai, lo chuyện cơm nước. Thấy hoàn cảnh ông nên địa phương cũng vận động các nguồn hỗ trợ, tặng quà giúp ông vượt qua phần nào khó khăn. Điều mong muốn cho ông là sức khỏe tốt hơn để có thể tự lo cho bản thân, không là gánh nặng cho mọi người và xã hội.

Qua tìm hiểu được biết, đa phần những trường hợp người cao tuổi sống neo đơn đều có người thân nhưng vì nhiều lý do khác nhau như con cháu bỏ địa phương đi làm ăn xa, con cái bỏ mặc cha mẹ vì sợ gánh nặng, cuộc sống không dư dả nên không nuôi cha mẹ... nên họ phải tự chăm sóc mình. Những mảnh đời đơn lạnh nhưng điều thấy rõ là nghị lực sống ở các cụ, nó như nhắc nhở mọi người hãy dang rộng vòng tay bảo bọc lúc họ tuổi xế chiều.

Ngọc Hải

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: