Trở về miền ký ức hào hùng

26/07/2017 09:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Tác giả: Tấn Phát
  • Thứ Tư, 26/07/2017 | 09:00

STO - Từ lâu, đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) đã trở nên nổi tiếng với du khách khắp mọi miền đất nước và quốc tế. Phú Quốc không chỉ gây ấn tượng với du khách thập phương về một hòn đảo xinh đẹp, được mệnh danh là thiên đường rực nắng mà nơi đây còn là nhân chứng lịch sử cho tội ác của chính quyền Mỹ - ngụy, nơi tồn tại Trại giam Tù binh Phú Quốc - “địa ngục trần gian” thứ hai với nhiều hình thức tra tấn dã man nhằm khuất phục ý chí chiến đấu của các chiến sĩ cách mạng.

Trong những ngày tháng 7 tri ân, chúng tôi có dịp cùng Đoàn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của tỉnh về dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong các nhà tù, trại giam của đế quốc tại Phú Quốc. Hòa cùng những đoàn người từ khắp mọi miền đất nước về dự lễ, các cô chú trong đoàn đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương thành kính tưởng nhớ những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh tại đây.

Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc tọa lạc tại Khu phố 10, thị trấn Đông Dương, huyện Phú Quốc, có diện tích khoảng 25,7ha, nằm trên đỉnh đồi có độ dốc thoải dần. Nghĩa trang được chia làm 8 khu riêng biệt, cách nhau bởi các đường hành lang vòng là nơi an nghỉ của hơn 3.300 liệt sĩ (trong đó có 1.788 ngôi mộ cá nhân và 3 ngôi mộ tập thể), trong đó phần lớn các liệt sĩ là các tù binh cộng sản đã hy sinh tại Trại giam Tù binh Phú Quốc. 

Các cựu tù chính trị của tỉnh đến viếng Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc.

Chú Lê Văn Hải, cựu tù Phú Quốc đang sinh hoạt tại Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Châu Thành chia sẻ: “Sau ngày giải phóng đến nay tôi mới có dịp trở lại Phú Quốc. Nhìn thấy Phú Quốc hôm nay có nhiều sự đổi thay, phát triển mạnh mẽ, bản thân cảm thấy vui mừng, phấn khởi. Thật sự, tôi đã không cầm được nước mắt khi nghĩ đến những đồng chí, đồng đội, những người đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thắp nén hương trên các phần mộ của đồng chí, đồng đội mà lòng không khỏi xúc động, bồi hồi”. 

Sau khi viếng Nghĩa trang liệt sĩ Phú Quốc, đoàn chúng tôi di chuyển đến Trại giam Tù binh Phú Quốc để tham quan nơi gọi là “địa ngục trần gian” thứ hai. Trại giam Tù binh Phú Quốc (hay còn gọi là Nhà lao Cây Dừa hoặc Trại Cây Dừa), tọa lạc tại thị trấn Cây Dừa, huyện Phú Quốc. Trại giam được xây dựng từ thời Pháp vào năm 1953 để giam giữ trên 14.000 chiến sĩ yêu nước bị bắt ở các chiến trường: Bắc - Trung - Nam.

Năm 1956, chính quyền Sài Gòn xây dựng lại Trại Cây Dừa thành Trại Huấn chính Cây Dừa để giam giữ tù chính trị được chuyển từ Trung tâm Huấn chính Biên Hòa ra. Trại chỉ hoạt động đến tháng 3-1957, sau đó chính quyền Sài Gòn tiếp tục xây dựng lại trại giam mới với quy mô lớn hơn với tên gọi Trại giam Tù binh Phú Quốc, chính thức hoạt động từ ngày 6-7-1967. Trại giam có diện tích 40ha, chia làm 12 khu, giam giữ khoảng 40.000 chiến sĩ yêu nước, trong đó mỗi khu có 9 phân khu, mỗi phân khu có 11 phòng giam, mỗi khu giam có 5 lớp hàng rào kẽm gai, 12 pháo đài với hệ thống đèn pha cực mạnh.

Tại đây, địch đã không từ một thủ đoạn tra tấn tàn bạo nào để hành hạ dã man tù binh về thể xác và tinh thần nhằm khuất phục ý chí cách mạng của những người cộng sản. Nhớ lại những ngày tháng nơi địa ngục khủng khiếp ấy, cựu tù chính trị Võ Văn Xê ở xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách chia sẻ: “Những lần tra tấn rùng rợn đó vẫn in sâu trong ký ức của tôi. Các chiến sĩ cách mạng trải qua nhiều thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù như: bị giam giữ trong chuồng cọp kẽm gai, bẻ răng, khoét xương bánh chè, khớp gối, đóng đinh vào đầu, vai, gối... Dù các thủ đoạn tra tấn gây đau đớn về thể xác nhưng không bao giờ lung lay được tinh thần cách mạng của những người cộng sản”.

Chú Thạch Hoa, cựu tù chính trị Phú Quốc đang sinh hoạt tại Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Long Phú chia sẻ thêm: “Trước những đòn tra tấn dã man của địch, tôi và nhiều đồng chí, đồng đội may mắn thoát chết. Kẻ địch càng tra tấn tàn bạo thì càng làm bừng lên khí phách kiên trung, bất khuất của người cộng sản, tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân. Tôi và đồng đội vẫn kiên cường đấu tranh, tìm mọi cách để trở về với cách mạng, vững niềm tin nhất định sẽ đánh thắng kẻ thù xâm lược”.

Theo đồng chí Trần Văn Tư - Phó Chủ tịch Hội Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh, hiện toàn tỉnh Sóc Trăng có 418 người tù chính trị bị chúng giam tại Phú Quốc, trong đó hy sinh tại nhà tù là 30 đồng chí. Đến tham quan Nhà giam Tù binh Phú Quốc, chắc chắn mỗi người sẽ tìm thấy những giá trị tinh thần, giá trị sống cho chính bản thân từ những gì được nghe và nhìn thấy; trên hết là lòng biết ơn, sự tri ân đối với những thế hệ anh hùng đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến.

Đứng trên đảo Phú Quốc hôm nay, dù trong ký ức của những người cựu tù Phú Quốc còn những đau thương, mất mát trước sự hy sinh của những đồng chí, đồng đội nhưng những thành viên trong đoàn đều phấn khởi, vui mừng trước sự phát triển của đảo ngọc Phú Quốc. Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, chính quyền các cấp sẽ tiếp tục xây dựng Phú Quốc không ngừng phát triển, giàu đẹp để đền đáp công lao to lớn của những người chiến sĩ cách mạng đã anh dũng ngã xuống vì độc lập dân tộc.

Tấn Phát

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: