• Công nghiệp

Góc nhìn kinh tế

Hai dự án, một sự kỳ vọng

12/11/2019 06:00 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Ba, 12/11/2019 | 06:00

STO - Những ngày vừa qua, người dân và lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng liên tiếp đón nhận tin vui khi Chính phủ đã có quyết định chính thức về chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi và Điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và Bến cảng Trần Đề trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây cũng là 2 dự án được Sóc Trăng kỳ vọng nhất từ trước đến nay cho mục tiêu tăng tốc kinh tế.

Ngoài khơi cách cửa biển Trần Đề khoảng 15km là một trong những địa điểm dự kiến chọn xây dựng cảng biển cho tàu trọng tải lớn.

Theo đó, ngày 28-10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký Văn bản số 1432/TTg-CN về việc “Điều chỉnh quy hoạch cảng biển Sóc Trăng và Bến cảng Trần Đề trong Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam”. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện nội dung điều chỉnh để tổ chức thẩm định cùng với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng giao tại Quyết định số 995, năm 2018. Đây là một dự án lớn có tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 4,1 tỉ USD, đủ khả năng đáp ứng cho tàu trọng tải 50.000 - 100.000 DWT và trên 100.000 DWT. Khi dự án đi vào hoạt động, phần lớn hàng hóa xuất, nhập khẩu của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ giảm đáng kể chi phí vận chuyển, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã ký Quyết định số 1478/QĐ-TTg về Chủ trương đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản. Theo quyết định trên, dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, được thực hiện trong 5 năm kể từ khi hiệp định vay vốn với dự án có hiệu lực.

Ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sẽ có điều kiện phát triển nhờ giảm được chi phí vận tải, giúp giảm giá thành, tăng lợi thế cạnh tranh.

Có lẽ, không cần phải bàn cãi nhiều về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như hiệu quả từ 2 dự án trên mang lại cho các tỉnh khu vực ĐBSCL, bởi điều đó đã được các bộ, ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông vận tải phân tích khá nhiều và chi tiết trong thời gian qua. Ở đây người viết chỉ xin lạm bàn đôi nét vì sao lãnh đạo và nhân dân tỉnh Sóc Trăng lại kỳ vọng lớn vào 2 dự án này, dù có lúc tưởng chừng như không còn hy vọng, nhất là đối với dự án cảng biển, mà trước đây vẫn thường được gọi là dự án cảng nước sâu Trần Đề.

Trước hết xin được nói về dự án xây dựng cầu Đại Ngãi. Chắc hẳn người dân tỉnh Sóc Trăng vẫn không quên buổi lễ khởi động dự án xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua 2 tỉnh Sóc Trăng – Trà Vinh, tháo gỡ nút thắt cuối cùng của tuyến Quốc lộ 60, nối liền các tỉnh duyên hải phía Đông của khu vực ĐBSCL, diễn ra vào tháng 12-2015. Thế nhưng, do nhiều lý do khiến dự án không thể khởi công như dự kiến, khiến niềm ước ao bấy lâu của người dân Sóc Trăng và trong khu vực vẫn chưa thể thành hiện thực. Tuy nhiên, người dân sẽ không phải chờ đợi quá lâu, bởi dự án hiện đã có chủ trương đầu tư và tìm được nguồn vốn để thực hiện.

Tuyến Quốc lộ 60 được xem là tuyến quan trọng có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, lẫn an ninh quốc phòng cho các tỉnh duyên hải phía Đông khu vực ĐBSCL, khi giúp rút ngắn khoảng 70km từ các tỉnh đi đến TP. Hồ Chí Minh. Do đó, chỉ cần cầu Đại Ngãi hoàn thành, mật độ giao thông qua lại tuyến đường này sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Đối với Sóc Trăng, dự án cầu Đại Ngãi được xác định từ lâu sẽ là một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển vùng kinh tế trọng điểm ven biển phía Đông của tỉnh, trong đó, 2 huyện: Long Phú và Cù Lao Dung sẽ có điều kiện phát triển và tăng tốc kinh tế theo hướng công nghiệp, thương mại – dịch vụ.

Đối với dự án cảng biển Sóc Trăng (hay còn gọi là cảng nước sâu Trần Đề), dù địa điểm được chọn là cửa Mỹ Thanh hay Trần Đề đi chăng nữa cũng đều thuộc phạm vi của tỉnh và nằm trên trục hành lang kinh tế phía Đông vốn được xác định kinh tế biển là trọng tâm. Một cảng biển quốc tế nằm ngay trên hành lang kinh tế trọng điểm có thể ví như “hổ thêm cánh” cho sự tăng tốc và phát triển kinh tế của các địa phương như: Trần Đề, Cù Lao Dung, Vĩnh Châu, Long Phú và rộng hơn là cả kinh tế của tỉnh nữa. Khi đó, không chỉ các cụm, khu công nghiệp trên được phát triển một cách mạnh mẽ, mà các loại hình thương mại - dịch vụ cũng có điều kiện phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động, đưa Sóc Trăng tiến dần lên thành một tỉnh có nền kinh tế mạnh trong khu vực.

Tương lai đang ở rất gần phía trước, nên vấn đề còn lại là việc chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nắm bắt lấy cơ hội từ 2 dự án trên mang đến thế nào một cách hiệu quả nhất mà thôi. Hy vọng, tất cả các cơ hội mang đến từ 2 dự án trên sẽ được tận dụng một cách triệt để và hiệu quả, để Sóc Trăng sớm được xóa tên trên bản đồ tỉnh nghèo của cả nước.

Tích Chu

 

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: