• Công nghiệp

Một số giải pháp chủ yếu phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Sóc Trăng

15/10/2020 15:30 GMT +7
  • Nguồn: Báo Sóc Trăng
  • Thứ Năm, 15/10/2020 | 15:30

STO - Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ XIV, lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh trình bày tham luận đề xuất nhiều giải pháp trên các lĩnh vực, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Báo Sóc Trăng xin giới thiệu tham luận của Sở Công thương do đồng chí Lê Thành Thanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương trình bày tại đại hội.

Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đánh giá đúng, trung thực, khách quan, toàn diện về tình hình và kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhất là các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, trong đó chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và rút ra được những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Đồng thời, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để tổ chức thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng chí Lê Thành Thanh - Phó Giám đốc Sở Công thương. Ảnh: H.Lan

Cung ứng năng lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề, thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong cung ứng năng lượng… Do vậy, từng bước đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, như các nguồn sinh khối, gió, năng lượng mặt trời… được coi là một trong những giải pháp phát triển bền vững. Do đó trong nhiệm kỳ qua, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong công tác kêu gọi thu hút đầu tư về lĩnh vực năng lượng tái tạo là đi đúng với xu hướng phát triển của thế giới. Đặc biệt là đi đúng hướng theo tinh thần “Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Sóc Trăng là tỉnh nằm ở vùng hạ lưu đồng bằng sông Cửu Long, có chiều dài bờ biển khoảng 72km, không chỉ thuận lợi trong phát triển các ngành khai thác, nuôi trồng thủy sản, cảng biển, logistics, du lịch… trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn có lợi thế lớn trong phát triển năng lượng điện gió với quy mô công nghiệp. Vừa qua, theo khảo sát của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tại các vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng có tiềm năng lớn về điện gió do bờ biển dài và rộng, theo số liệu khảo sát của các nhà đầu tư đã triển khai đo gió ở độ cao 120m tại khu vực bãi bồi ven biển thì tốc độ gió đạt trung bình khoảng 8,3m/s. Do đó theo đánh giá của các chuyên gia, tiềm năng của tỉnh để phát triển các dự án điện gió trong đất liền và ngoài khơi tương đương quy mô công suất trên 7.000MW để tiếp tục xin cập nhật vào quy hoạch điện VIII.

Kết quả, đến nay theo khả năng truyền tải của lưới điện đã được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung quy hoạch với 20 dự án, với tổng quy mô công suất 1.435MW, các dự án này đang triển khai khởi công, dự kiến đến tháng 10 năm 2021 đưa vào vận hành 8 dự án, các dự án còn lại sẽ đưa vào vận hành trong những năm 2022 - 2023.

Bên cạnh tiềm năng phát triển điện gió, tỉnh Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Theo số liệu đo đạc, số giờ nắng trong năm của tỉnh khá cao, dao động từ 2.300 giờ đến 2.480 giờ/năm. Theo Đề án Phát triển điện mặt trời tỉnh Sóc Trăng đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương thống nhất và các dự án ngoài đề án thì toàn tỉnh xin đề xuất cập nhật vào quy hoạch điện VIII, với quy mô công suất khoảng 1.775 MWp.

Trong thời gian qua, mặc dù được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án, tuy nhiên trong việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Do đó, để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu triển khai tốt một số giải pháp trong phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai 20 dự án điện gió, đưa vào vận hành đảm bảo đúng tiến độ, góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, nhất là góp phần tăng trưởng khu vực II đạt trên 20% trong cơ cấu GRDP. Hỗ trợ triển khai xây dựng hoàn thành các đường dây 110kV Trần Đề - Sóc Trăng; Vĩnh Châu - Bạc Liêu và trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu để đưa vào vận hành theo kế hoạch (năm 2021 đưa vào vận hành) nhằm bảo đảm giải tỏa được công suất cho các dự án điện gió. Đồng thời, phối hợp tốt với các ngành để tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ EVN để đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo theo quy hoạch điện VIII được duyệt. Rà soát, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, trong đó, nghiên cứu đánh giá các vùng biển ngoài khơi có tiềm năng phát triển điện gió, làm cơ sở tham mưu đề xuất để tích hợp vào Quy hoạch điện VIII. Nghiên cứu các mô hình kết hợp trong phát triển năng lượng tái tạo như: Mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp, điện mặt trời kết hợp với nuôi trồng thủy sản, trong đó, đẩy mạnh các giải pháp khuyến khích hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng điện mặt trời áp mái giúp giảm chi phí tiền điện và góp phần tạo thêm nguồn năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Tham mưu tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức trong công tác chuyển giao công nghệ năng lượng trên địa bàn tỉnh. Chủ động liên kết, hợp tác với các viện, trường, trung tâm, nhà khoa học trong và ngoài nước tiếp nhận và chuyển giao các công nghệ hiện đại, tiên tiến; khuyến khích, tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế tham gia vào nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ về phát triển các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên địa bàn tỉnh.

Với những giải pháp phù hợp và sự tích cực phối hợp trong triển khai các dự án năng lượng tái tạo, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Sóc Trăng sẽ phát huy được thế mạnh, tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Sóc Trăng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

M.Linh (Lược ghi)

Bình Luận

Ý kiến bạn đọc
Tin cùng chuyên mục
>> Xem thêm

Báo Sóc Trăng Online - baosoctrang.org.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Sóc Trăng
Tổng Biên tập: Nguyễn Văn Triều

Phó Tổng Biên tập: Lê Hoàng Bắc - Lê Minh Trường - Trần Thị Thu Thảo
Giấy phép xuất bản số: 833/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 30-12-2021
Tòa soạn: Số 02, Trần Văn Sắc, Phường 2, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng
Điện thoại: 0299 3 822499 - Fax: 0299 3 622049 
Email: baosoctrangdientu@gmail.com hoặc toasoanbaosoctrang@gmail.com
Báo Sóc Trăng giữ bản quyền nội dung trên website này

Tổng số lượt truy cập: